Sáng 17/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 10. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí đại diện một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
QUY MÔ NGÀNH CÔNG NGHIỆP TĂNG NHANH
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 4/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và ban hành Nghị quyết về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 06, quy mô sản xuất ngành công nghiệp tỉnh tăng nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010, từ 16.814 tỷ đồng lên 69.304 tỷ đồng năm 2020.
Cơ cấu nội ngành có chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm dần công nghiệp khai khoáng. Công tác quy hoạch và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện, tạo mặt bằng thuận lợi thu hút các dự án đăng ký đầu tư.
Việc thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 06 đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh; hệ thống cơ chế, chính sách được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, quá trình áp dụng đã được thường xuyên bổ sung, sửa đổi phù hợp góp phần khuyến khích, thu hút đầu tư.
Cùng với đó, mục tiêu Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng các làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, đóng góp số lượng trong tổng số 112 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận.
Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành tập trung phân tích, đánh giá các nguyên nhân vì sao tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù cao hơn bình quân chung của các nước nhưng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp - xây dựng đạt thấp so với mục tiêu; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 36 bậc từ năm 2010 đến năm 2020, từ vị trí 54 lên 18, nhưng tỉnh vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn; vấn đề phát triển doanh nghiệp; sự tương quan, cộng hưởng giữa kêu gọi phát triển công nghiệp với nông nghiệp, dịch vụ; phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển đô thị.
Trên cơ sở đó, các ý kiến thảo luận các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu vào dự thảo Nghị quyết về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thông qua Nghị quyết cần thể hiện rõ các giải pháp: Quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện cơ chế, chính sách; còn việc phát triển công nghiệp là của khối các thành phần kinh tế. Do đó, đồng chí đề nghị xem xét 3 nhóm nhiệm vụ phát triển công nghiệp như trong dự thảo chuyển thành định hướng.
Mặt khác, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy đề xuất nghiên cứu bổ sung vào Nghị quyết giải pháp phát triển công nghiệp đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng các thiết chế chính trị - xã hội và phát triển giai cấp công nhân trong tình hình mới.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Vụ trưởng Vụ địa phương I, Văn phòng Trung ương Đảng, thống nhất định hướng của tỉnh là không tăng trưởng công nghiệp bằng mọi giá để tăng thu ngân sách, nhưng đổi lại phải gánh bài toán môi trường. Về định hướng thời gian tới, đồng chí đề nghị nội dung Nghị quyết cần căn cứ thêm Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để tính toán các mục tiêu, định hướng lớn phát triển công nghiệp cho giai đoạn tới.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã đánh giá lại những kết quả đạt, cũng như những hạn chế, nguyên nhân trong 10 năm qua khi thực hiện Nghị quyết số 06.
Về Nghị quyết về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ một số định hướng lớn. Trước hết là cần bổ sung vào Nghị quyết định hướng phát triển rất quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dựa trên công nghệ mới, hiện đại.
Đồng thời, phải quan tâm định hướng phát triển số hóa, công nghiệp, công nghệ gắn liền với số hóa. “Đây là xu thế tất yếu bây giờ, nếu chúng ta không đón đầu, lưu tâm và không quan tâm có chính sách phát triển thì sẽ tụt hậu”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng lưu ý, Nghị quyết cần có các chính sách ưu tiên trong phát triển công nghiệp, bao gồm ưu tiên xác định tọa độ phát triển; xác định các chính sách ưu tiên về xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xử lý rác thải, nước thải; đào tạo nguồn nhân lực… để tạo nền tảng, tiền đề, bản lề thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư và phát triển công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ cần hạn chế tối đa phát triển công nghiệp xi măng, nhiệt điện, thủy điện, khai khoáng; thay vào đó là phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng mới, chế biến nông, lâm thủy, hải sản, năng lượng tái tạo…
Mặt khác, cần tăng cường phát triển công nghiệp đi liền với quan tâm an sinh xã hội, các thiết chế chính trị - xã hội, đời sống công nhân; đi liền với công nghiệp là phát triển đô thị, dịch vụ; quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải, đặc biệt là rác thải ở khu, cụm công nghiệp.
Đặc biệt, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh quan điểm không thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bằng mọi giá để phải trả giá bằng môi trường.
Cũng trong chương trình làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác, đặc biệt vào Đề án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, tạo nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn các giải pháp huy động, bố trí nguồn vốn để xây dựng và hoàn thiện các dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường Vinh - Cửa Lò, Cảng nước sâu Cửa Lò; xây dựng đường băng số 2 Sân bay Vinh; hạ tầng thành phố Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng đô thị này thành trung tâm trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ số của tỉnh và khu vực;…