Sáng 20/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nghe, cho ý kiến dự thảo các văn kiện, công tác chuẩn bị và kế hoạch Đại hội; duyệt phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. 

bna_img_84674541172_2052020.jpgCùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Ảnh: Thành Duy

SỚM TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ, VĂN HÓA TÂY NAM NGHỆ AN

Tại hội nghị, qua đánh giá, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, Đảng bộ đã lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, diện mạo huyện vùng cao này có nhiều đổi thay, khởi sắc. 

Trong nhiệm kỳ tới, huyện đặt mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông trình trình bày công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII. Ảnh: Thành Duy

Tập trung xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từng bước xây dựng Con Cuông trở thành đô thị theo hướng sinh thái, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; biên giới ổn định, sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Tây Nam Nghệ An.

Để đạt mục tiêu trên, Con Cuông định hướng 5 mũi đột phá và xây dựng cơ cấu, tỷ lệ cụ thể với 31 chỉ tiêu.

Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận đã tập trung góp ý về những định hướng lớn cho huyện trong nhiệm kỳ tiếp theo như: cần đặt mục tiêu rõ về kết quả công tác cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành.
Đặc biệt, cần đánh giá rõ tiến độ thực hiện Đề án xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi Tây Nam Nghệ An của UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015.
"PHẢI NHÌN XA ĐỂ TÍNH GẦN"
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đưa ra một số vấn đề gợi mở để huyện Con Cuông tính toán như chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ tiêu phát triển đảng viên… theo hướng vừa phải đảm bảo tính khả thi, tính tiến công trong thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới. 
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông ghi nhận những bước phát triển của huyện Con Cuông; đồng thời có những góp ý về định hướng trong nhiệm kỳ mới như cần đặt vấn đề khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó của nhân dân. Mặt khác, với tiềm năng du lịch lớn và có bước phát triển khá tốt trong những năm qua, Con Cuông cũng nên hết sức lưu ý gắn kết giữa văn hóa và du lịch...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã có những góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông như đánh giá vấn đề thu - chi ngân sách, phát triển du lịch; rà soát để đảm bảo hợp lý giữa tốc độ tăng trưởng của từng khu vực của nền kinh tế với chuyển dịch cơ cấu.

Về nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, với đặc thù là huyện miền núi, so với 21 địa phương cấp huyện trong tỉnh, Con Cuông có diện tích tự nhiên lớn thứ 4, quy mô dân số khoảng 17 và quy mô kinh tế đứng thứ 19, do đó trước hết huyện cần tiếp tục quan tâm, tập trung duy trì ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, đặc biệt là khu vực biên giới; trong đó tập trung cao cho công tác giảm nghèo. 

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Liên quan đến 5 mũi đột phá mà huyện Con Cuông đưa ra, trên cơ sở phân tích nội hàm để đặt ra hướng đột phá là phải xuất phát từ những điểm nghẽn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện nghiên cứu xác định mũi đột phá phát triển phù hợp, trong đó các nội dung đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển du lịch nên cân nhắc chuyển sang là mục những lĩnh vực trọng điểm cần tập trung phát triển.

Kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Con Cuông đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, thống nhất tốt; phát triển kinh tế tập trung chủ yếu dịch vụ và du lịch và đã bước đầu hiện thực hóa vấn đề này.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Huyện đã chú ý phát huy tốt văn hóa đồng bào dân tộc trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc Thái; có những sản phẩm du lịch đặc sắc; những sản phẩm nông nghiệp được chế biến thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng;... 

Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá, huyện đã bắt đầu hình thành dần đô thị trung tâm ở phía Tây Nam Nghệ An; chăm lo tốt an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới.

Đối với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Thái Thanh Quý lưu ý một số chỉ tiêu.

Trong đó, huyện cần phân tích rõ các nền tảng, động lực cho tăng trưởng để đề ra chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp, có hướng tiến công. Tương tự đối với xây dựng chỉ tiêu kết nạp đảng viên cần phải quan tâm trên cơ sở khảo sát chặt chẽ, tính toán khoa học.

Thống nhất với mục tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện là 81%, tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong xem xét, nghiên cứu chuyển rừng nghèo, kiệt thành rừng sản xuất cần căn cứ vào đánh giá của ngành Nông nghiệp.

Con Cuông cũng quan tâm đến chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là trong điều kiện xây dựng nông thôn mới ở quy mô xã còn khó khăn, cần phải xem xét để tăng chỉ tiêu xây dựng thôn, bản nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. 

Đối với định hướng cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Thái Thanh Quý cho rằng, trước hết huyện cần tranh thủ tối đa nguồn lực để xây dựng quy hoạch thị xã theo hướng đô thị sinh thái.

“Phải nhìn xa, lo xa, nhìn rộng để tính gần”, Bí thư Tỉnh ủy nói vì chỉ khi có quy hoạch mới có hoạch định phù hợp, sát đúng được chặng phát triển của Con Cuông.

Mặt khác, huyện cần tiếp tục tập trung mạnh, trọng tâm, trọng điểm cho du lịch, dịch vụ và thương mại; để dần trở thành trung tâm, đô thị du lịch, dịch vụ của khu vực Tây Nam.

Muốn vậy, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số phải được bảo tồn, phát huy, nhân lên và phải dựa vào đây để phát triển du lịch; tính toán bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư về dịch vụ lưu trú, vui chơi bên cạnh du lịch cộng đồng; quan tâm hạ tầng văn hóa, giáo dục, công nghệ thông tin; đảm bảo tốt an ninh, môi trường ổn định… 

Với một địa phương có tỷ lệ độ che phủ của rừng cao, Con Cuông cũng phải tận dụng tối đa để phát triển kinh tế dưới tán rừng, nhất là gắn với phát triển cây dược liệu; nghiên cứu xây dựng huyện thành trung tâm vùng Tây Nam về công nghệ lâm sinh, chuỗi sản phẩm từ rừng.

Thác Khe Kèm là một trong những điểm thu hút nhiều khách tham quan, du lịch của Con Cuông. Ảnh tư liệu: Bảo Hân

Huyện cần phối hợp với ngành Nông nghiệp tận dụng tối đa Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với trung tâm là Vườn Quốc gia Pù Mát để phát triển du lịch…

Để thực hiện được các nội dung trên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện tiếp tục chăm lo đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cả nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ, du lịch; đảm bảo ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh biên giới, an ninh tôn giáo; xác định được mũi đột phá phù hợp trên cơ sở các điểm nghẽn…