Tham dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và 4 địa phương: TP. Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò. 

 

bna_toan_canh_56861099_1952022.jpgToàn cảnh cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Phạm Bằng

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHO TỈNH TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Tại cuộc làm việc, đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo tóm tắt Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo đã phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2020; đánh giá rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của tỉnh...

Đồng chí Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Quan điểm phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển, tổ chức, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...

Mục tiêu phát triển của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển toàn diện, thu nhập cao, văn minh, hiện đại của cả nước. 

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Dự thảo, trong thời gian tới, định hướng phát triển trọng tâm của tỉnh gồm 2 khu vực động lực tăng trưởng: Thành phố Vinh mở rộng và KKT Đông Nam mở rộng. Mặt khác, tỉnh xác định có 3 đột phá chiến lược, 4 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế ven biển phía Đông, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A), 5 lĩnh vực trụ cột phát triển và 6 trung tâm đô thị.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh cũng nêu rõ phương án phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển hạ tầng xã hội, quốc phòng - an ninh; phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội, các khu chức năng; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai...

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành đã cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến công tác thu gom, xử lý rác thải; nước sạch vệ sinh môi trường; không gian đô thị TP. Vinh, TX. Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn; hành lang kinh tế ven biển; vấn đề hợp tác quốc tế trong quan điểm phát triển của tỉnh; quy hoạch hạ tầng giao thông; bổ sung phương án lộ trình chuyển đổi số...

CHỈ RÕ HƯỚNG GIẢI QUYẾT BẤT LỢI TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song đây là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Dự thảo Quy hoạch tỉnh đã được UBND tỉnh, Hội đồng Quy hoạch tỉnh, các ngành, địa phương; 5 tỉnh và 18/19 bộ, ngành Trung ương cho ý kiến. 

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, điều quan trọng của Quy hoạch tỉnh là sự nhìn nhận đầy đủ, trung thực về không gian, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, ngoài việc khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thì quy hoạch tỉnh cũng cần tiếp cận theo hướng làm sao khắc phục được những bất lợi, biến bất lợi thành lợi thế để tỉnh phát triển. 

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích sâu các nội dung trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Phân tích sâu về lựa chọn ưu tiên phát triển, người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, trong điều kiện về nguồn lực hạn chế thì cần ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng trên 3 lĩnh vực: kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông trọng yếu như cảng nước sâu, cảng hàng không; hạ tầng số với hình thức thuê dịch vụ và hạ tầng năng lượng. Mặt khác, để có điều kiện thực hiện 8 ngành ưu tiên phát triển thì phải hình thành được hệ thống các KCN, CCN nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển; mở rộng KKT Đông Nam và định hướng phát triển KKT Cửa khẩu Thanh Thủy. 

Về ưu tiên phát triển hệ thống đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc định hướng phát triển 6 trung tâm đô thị trong dự thảo quy hoạch là vấn đề hoàn toàn đúng, nhưng cũng cần lựa chọn ưu tiên phát triển các đô thị động lực cho sự phát triển. Tỉnh thực hiện Quy hoạch tỉnh trong điều kiện hạn chế về nguồn lực và hạn chế về thời gian, vì vậy, cần phải tập trung lựa chọn ưu tiên cho TP. Vinh với mục tiêu là trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận việc chuẩn bị cho công tác lập Quy hoạch tỉnh của các cơ quan, đơn vị liên quan và đồng tình cách tiếp cận của Dự thảo Quy hoạch với việc bao quát chức năng, nhiệm vụ của bản quy hoạch. Mặt khác, Dự thảo Quy hoạch đã có những điểm nhấn về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đô thị hóa...

Đồng tình với các quan điểm và tư duy phát triển được nêu trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh thêm rằng, bên cạnh việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của tỉnh thì Quy hoạch tỉnh cũng phải nêu ra được những điều bất lợi và cách giải quyết những bất lợi đó trong quá trình phát triển thời gian tới. 

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Trong việc lựa chọn ưu tiên phát triển, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đồng tình cao với cách tiếp cận không chọn một hoặc một vài lĩnh vực mà chọn từng vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực. Đồng thời, đề nghị quy hoạch tỉnh cần đưa ra lời giải rõ ràng, dứt khoát về giải quyết những xung đột giữa không gian kinh tế và không gian hành chính.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu UBND tỉnh, Hội đồng Quy hoạch tỉnh, đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch tỉnh theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.