(Baonghean) - Một bản mới đang hình thành bên dòng Nậm Nơn thơ mộng. 63 ngôi nhà sàn đang được dựng thuộc dự án di giãn dân cư theo chủ trương của tỉnh. Nhiều hộ dân sẽ được đón tết Mậu Tuất dưới mái nhà sàn mới. Mà hơn thế nữa, họ được giải thoát khỏi cảnh sống luôn nơm nớp lo âu bởi mối nguy sạt lở.

Đợt gió mùa chóng qua và những ngày nắng lại đến với thượng nguồn sông Nậm Nơn. Chẳng phải chờ đến khi nghe ông chủ tịch xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn nói ra tôi mới biết, vùng đất này mùa đông thường ấm áp hơn nơi khác. Thế mà chỉ cách đó một quãng dốc dài chừng chục cây số là cổng trời Mường Lống quanh năm gió hú. Mới tháng 10 đã lạnh thấu xương. Xuống đến Xốp Tụ, bản đầu tiên của xã Mỹ Lý tôi đã phải cởi bỏ áo ấm. Mấy cô sơn nữ diện áo cộc tay phóng xe máy nhanh như tên bắn trên những quãng dốc quanh co như rắn lượn từ ngã ba Xốp Tụ đến bản Hòa Lý cách đó 3km.

1512211909610.jpgDựng nhà sàn ở bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Hữu Vi

Tôi từng vài lần ghé thăm bản Hòa Lý và nhận thấy cách cư trú của bản Thái này có phần lạ lẫm. Nhà cửa san sát như một khu phố. Hơn 170 ngôi nhà quy tụ trong một không gian chật hẹp trên triền núi. Sau này, qua lời kể của già bản Vi Văn Doanh từng nhiều năm làm bí thư chi bộ tôi mới biết rằng từ xa xưa người Thái ở vùng biên giới đã có tập quán cư trú quần tụ như vậy. Trước kia, bản làng luôn phải đối mặt với những mối nguy từ các toán phỉ có thể xuất hiện bất thần giết hại dân lành. Hổ báo cũng nhiều vô kể. Khi đói rừng, chúng sẵn sàng vào bản cõng lợn ra rừng giữa ban ngày. 

Bây giờ không còn bóng dáng của phỉ cũng như thú dữ, dân bản cũng nhận thấy sự bất cập trong việc cư trú dày đặc dọc sông suối, vừa khó bề phát triển kinh tế, lại thường xuyên đối mặt với sạt lở đất đá. Trong đợt mưa lũ hồi tháng 7, có một hộ dân trong bản bị một tảng đá lớn từ trên núi lăn xuống nhà. May mắn là người vẫn an toàn. Nhiều nhà cũng muốn chuyển đi chỗ khác nhưng phần lớn đều là hộ nghèo, không đủ tiền mua đất, làm nhà mới.

Và rồi dịp may cũng đến!

Sau câu chào, ông Lô Văn Liệu đã bảo tôi, sáng sớm mai Hòa Lý dựng 12 ngôi nhà sàn. Nếu có thời gian thì ở lại chung vui mừng nhà mới với bà con. Ông chủ tịch xã thông tin rằng sở dĩ bàn Hòa Lý dựng nhiều nhà sàn vậy là vì mới đây tỉnh nhà có chủ trương di giãn dân ở những địa bàn đồi núi đông đúc lại có nguy cơ sạt lở và Hòa Lý là một trong những bản thuộc chương trình dự án.

Toàn bản có trên 170 hộ thì có 63 hộ được di dời. Trước đó một lô đất ngay cạnh Quốc lộ 16 đã được quy hoạch để di giãn dân. Mỗi hộ di dời đều đã được chia một lô đất để làm nhà, có một phần đất vườn liền kề. Nhà cửa sẽ được bố trí theo hàng lối ngăn nắp như những dãy phố.Trước đó đã có một số nhà dựng xong nhà tại nơi ở mới. Trong đợt này dự định ban đầu là sẽ dựng xong 18 nhà. Nhưng rồi dân bản sợ thiếu nhân lực nên rút xuống còn 12 nhà. Tất cả đều là nhà sàn truyền thống của người Thái. Thợ dựng nhà chủ yếu đến từ các địa bàn như Nam Đàn, Thanh Chương. Chỉ có một số ít thợ là người bản địa.

Từ 1 giờ sáng, ông Vi Hải Phòng đã có mặt tại vị trí dựng nhà của anh con trai. Là người hiểu biết về phong tục dựng nhà sàn nên ông đã định đó sẽ là thời điểm để bắt đầu dựng nhà. Sau một tiếng ới gọi, hàng chục người chờ sẵn từ trước đã vào vị trí.  Trước đó, xà hại đã được lắp vào cột thành từng vì nhà. 4 sợi thừng được buộc chắc chắn vào cột và 2 thanh hạ.

Theo sự chỉ huy của ông Phòng, mỗi sợi dây có từ 8 - 10 người cùng kéo. Sau tiếng hô: “Hai, ba, nào!”, đoàn người lập tức kéo căng sợi dây. Tiếng hò reo như sấm dậy xé tan màn đêm tăm tối. Chỉ một lúc sau, vì nhà đầu tiên được kéo lên. Xong vì đầu tiên vào đúng giờ lành, mỗi người có thể nghỉ ngơi chờ trời sáng mới tiếp tục công việc. Dẫu vậy, chẳng có một ai nghỉ tay. Ai nấy đều háo hức chờ đợi ngày dựng nhà.

Dưới ánh lửa và ánh đèn pin loang loáng, hàng chục vì nhà được cả trăm người kéo tay dựng lên trong đêm tối. Lực lượng dân quân xã cùng những chiến sỹ của Đồn Biên phòng Mỹ Lý cũng được huy động để giúp dân dựng nhà. Không khí khẩn trương kéo dài suốt đêm. Đến hết buổi sáng 12 ngôi nhà đã được dựng xong.

Khớp nối xà vào cột nhà. Ảnh: Hữu Vi

Do còn phải đôn đốc công việc chung nên phải đến 5 giờ sáng, anh Vi Văn Trọng - Trưởng bản Hòa Lý mới bắt đầu dựng nhà của mình. Trong đợt di giãn dân này, cả anh và bí thư chi bộ Vi Văn Hợi đều phải dời nhà. Anh Trọng chia sẻ: Khi nhận được chủ trương từ trên, người dân rất đồng tình ủng hộ. Nơi ở mới chỉ cách bản cũ một con sông nên chẳng cần phải tách thành hai bản. Mỗi hộ dân tham gia dự án di dời được hỗ trợ 20 triệu đồng, được cấp đất ở, xây dựng đường bê tông. Chắc chắn sẽ khang trang và an toàn hơn nơi ở cũ. Sẽ còn phải mất từ 2, 3 đợt dựng nhà như hôm nay nữa mới dựng xong 63 ngôi nhà thuộc diện di dời ở bản Hòa Lý. 

Điều khiến bà con phấn khởi là họ được lựa chọn làm nhà theo ý thích của gia đình. Nơi ở mới thuận tiện về giao thông lại có vườn để trồng rau và chăn nuôi. Ông Lữ Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cũng là một trong những hộ di dời bày tỏ niềm hy vọng: “Đời sống của bà con sẽ khá hơn khi không còn phải lo lắng về chốn ở”.

Rồi đây bên con sông Nậm Nơn sẽ có thêm một bản mới được hình thành.  Với những hộ dân đã trải qua nỗi lo mất an toàn về nhà cửa trong nhiều năm thì dự án di giãn dân cư này chẳng khác nào một sự giải phóng. Ông Vi Hải Phòng cho hay, với số tiền 20 triệu đồng thì chưa đủ trả công thợ làm nhà. Gia đình đã phải bỏ thêm 60 triệu đồng nữa để làm nhà cho con trai. Thế nhưng, điều đó cũng chẳng phải là vấn đề lớn. Một nơi ở an toàn vốn dĩ là niềm mơ ước của bản thân ông và những người đã và đang đối diện với nguy cơ sạt lở ở miền núi cao.

“Ít bữa nữa lại lên ăn mừng nhà mới với dân bản nhé” - trước khi chia tay, ông Phòng còn dặn tôi như vậy.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN