(Baonghean) - Không ra bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày, không tổ chức thi học sinh giỏi, đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì điểm số là những nét mới trong công tác đánh giá học sinh tiểu học trong năm học 2014 - 2015. Sau một học kỳ triển khai, đã có những tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn đó những băn khoăn… 

Thời điểm này, những năm trước, các trường tiểu học đang tập trung đội tuyển học sinh giỏi, tổ chức ôn thi để chuẩn bị cho các kỳ thi olympic, kỳ thì giải Toán qua mạng và các phụ huynh đang rất quan tâm về kết quả kiểm tra đánh giá cuối học kỳ.  
 
Tuy nhiên, đến Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh) những ngày này, không khí học tập khá thoải mái, ngay cả với những học sinh lớp 5. Cô Nguyễn Thị Việt Hà, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong hệ thống các trường tiểu học trên địa bàn TP. Vinh, Những năm trước Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 là một trong những trường có tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đậu vào trường chuyên cao nhất. Đây có thể xem là thành tích, nhưng cũng là một áp lực cho nhà trường, muốn giữ được thương hiệu và duy trì thành tích, hàng năm chúng tôi đều phải giao chỉ tiêu cho các giáo viên. Phụ huynh cũng phải chạy theo việc học của các con bằng cách cho con “chạy đua” từ lớp học thêm này sang lớp học thêm khác khiến các em rất mệt mỏi, không còn nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động giải trí khác. Từ năm học này, giáo viên không còn áp lực về điểm số, về thành tích, về chỉ tiêu học sinh giỏi; tâm lý học sinh cũng thoải mái hơn, việc học, việc thi hài hòa hơn rất nhiều”.
images1126873_gio_hoc_cua_hoc_sinh_truong_tieu_hoc_nghi_thuy___cua_lo.jpeg.jpgTiết học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò).
Như đã biết, để giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, bắt đầu từ năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30, theo đó thay vì đánh giá học sinh bằng điểm số như trước đây, giáo viên sẽ chuyển sang nhận xét dựa trên kiến thức, kỹ năng và thái độ học tập của học sinh. Song song với đó, Bộ cũng chỉ đạo không tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi, không dạy thêm học thêm, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6…
 
Cô Phan Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP.Vinh) cho biết: Thời gian đầu mới triển khai chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và phần lớn phụ huynh không đồng tình. Bản thân giáo viên cũng khá lúng túng với thay đổi này. Tuy nhiên, sau 1 học kỳ triển khai thực hiện, điều mà chúng tôi thấy được nhất đó là nhờ việc phải tăng cường nhận xét, đánh giá nên ý thức trách nhiệm của giáo viên với học sinh được thường xuyên, tự giác hơn và sâu sát hơn. Về phía học sinh, các em vui vẻ và năng động hơn, không còn áp lực nhiều về bài vở, được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Nhà trường cũng không nặng nề việc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố như trước. Thay vào đó, trường tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ như giải Toán, giải tiếng Anh với mục đích học hỏi, giao lưu nên các em rất thoải mái khi tham gia”. 
 
Tuy nhiên, liên quan về việc đánh giá chất lượng học sinh và so sánh kết quả học tập năm học này và năm học trước, thì cô giáo Phan Thị Hồng Mai vẫn còn nhiều băn khoăn. Lý do trước đây, kết quả được cụ thể hóa bằng điểm ở các kỳ kiểm tra nên giỏi, khá hay trung bình, yếu đều có thể nhìn thấy rõ. Nay, việc “đo lường” chất lượng học chủ yếu chỉ phụ thuộc vào lời nhận xét của giáo viên nên kết quả cũng chỉ tương đối.
 
Hơn nữa, cô giáo Mai cũng cho rằng, đổi mới là đúng nhưng cách làm hiện nay còn hơi nóng vội, giáo viên chưa có sự chuẩn bị kịp thời. Điều kiện cơ sở vật chất và một số yếu tố khác chưa đủ để giúp học sinh có thể phát  triển toàn diện cả năng lực và năng khiếu. Chị Nguyễn Thị Hiền, phụ huynh học sinh tâm sự: “Hiện tại thấy con học ít, có thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn cũng rất mừng. Nhưng, vẫn băn khoăn vì chúng ta chỉ mới đổi mới về phương pháp, đổi mới về cách đánh giá mà chưa đổi mới chương trình sách giáo khoa. Hiện chương trình học của các cháu quá nặng, thế nhưng chúng ta chỉ dạy theo kiểu “vừa học, vừa chơi”, đánh giá cũng đang chung chung nên tôi sợ các cháu không theo kịp chương trình và không nắm hết kiến thức ở sách giáo khoa”.
 
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Từ năm học 2013 - 2014, Nghệ An là một trong ít địa phương  đã thí điểm cách đánh giá từ điểm số sang nhận xét ở khối lớp 1. Bên cạnh đó, cách đánh giá này cũng đã được áp dụng ở 73 trường dạy học theo mô hình trường học mới VNEN.
 
Tuy nhiên, khi triển khai đại trà do công tác tập huấn, triển khai hơi muộn (sát với thời điểm triển khai 15/10/2014), nên việc đánh giá học sinh thời gian đầu không kịp thời, việc tuyên truyền đến phụ huynh, cộng đồng chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, đây là một chủ trương mới, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên chưa quen với cách đánh giá mới. Do đó, có một số giáo viên lúng túng trong nhận xét đánh giá: có những nhận xét dài 3, 4 dòng, thông tin ít, không rõ thông tin, học sinh khó hiểu, khó thực hiện, nhất là đối với những lớp đầu cấp; có những nhận xét chung chung, không chỉ ra được lỗi sai cụ thể của học sinh để sửa chữa (Ví dụ: Bài làm còn sai nhiều lỗi chính tả; trình bày chưa đẹp...); việc lựa chọn ngôn từ để đánh giá chính xác, sát, không trùng lặp với từng học sinh khó khăn; những lớp có sỹ số quá đông thì việc theo dõi kết quả học tập, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của từng học sinh khó đảm bảo tính chính xác, khách quan cao; thời gian chấm, chữa bài của học sinh trên sản phẩm của các em trong từng tiết học, môn học chiếm nhiều thời gian, vất vả đối với giáo viên.
 
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số giáo viên ngại đổi mới, tiếp nhận cái mới; một số giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về Thông tư 30 (mục đích đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá...) nên việc đánh giá vẫn còn hiện tượng đối phó, hình thức. Học sinh lớp 1, học kỳ I, kỹ năng đọc còn hạn chế, chưa tiếp nhận được và hiểu được nhiều thông tin qua những nhận xét của giáo viên nên giáo viên phải chủ yếu nhận xét trực tiếp trên các giờ học; học sinh vùng miền núi - dân tộc, kỹ năng giao tiếp hạn chế nên việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực học sinh khó khăn hơn. Cách đánh giá mới cũng gây khó trong quản lý chất lượng, đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên. Trong khi đó kết quả 2 lần kiểm tra định kỳ chủ yếu chỉ  dùng để tham khảo, chứ không phải để xếp loại. Hồ sơ đánh giá một số loại, theo quy định chưa hợp lý, khoa học, trong khi hiệu quả chưa cao. 
 
Bước sang học kỳ II, để chủ trương đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 thực sự phát huy mục đích giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp, giúp học sinh tự tin, tiến bộ, hiện Sở đang tiếp tục chỉ đạo nội dung sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy học 2 buổi/ngày. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục nhà trường (thời khoá biểu) đảm bảo khoa học, đúng định hướng chuyên môn, bố trí tiết tự học cuối mỗi ngày nhằm giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập trong ngày, giảm áp lực phải học thêm ngoài giờ học chính khoá, giúp giáo viên dạy học phân hoá đối tượng học sinh. Bố trí tối thiểu 1 tiết/tuần để thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo Chỉ thị 5105 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giảm thiểu áp lực học thêm đối với học sinh tiểu học. Đồng thời yêu cầu các trường đánh giá trên sản phẩm học tập của học sinh phải sát với kết quả đạt được, đặc biệt phải chỉ ra được điểm chưa hoàn thiện và nguyên nhân để giúp học sinh sửa chữa, khắc phục. Đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập, cần có biện pháp giúp đỡ kịp thời, sát đúng để giúp các em vượt qua khó khăn. Trong đánh giá tổng hợp hàng tháng, học kỳ và cuối năm học, giáo viên  phải chỉ ra được mặt nào đã tiến bộ hoặc vượt trội, mặt nào cần giúp đỡ để theo dõi sự phát triển của học sinh về các nội dung đánh giá.                         
Mỹ Hà