Tại AFF Cup (2008, 2012 và 2014) các đội Việt Nam, Singapore và Thái Lan có kết quả hòa 0-0 lượt đi đều giành thắng lợi lượt về. Thậm chí AFF Cup 2014 trận lượt về tại Bangkok, Thái Lan còn thắng đậm Philippines 3-0. Duy nhất AFF Cup 2007, Singapore sau khi hòa trên đất Malaysia 1-1 tiếp tục có tỷ số hòa 1-1 trên sân nhà nhưng rốt cuộc Singapore vẫn giành thắng lợi 5-4 trên chấm penalty để vào chung kết.
HLV Rajevac học chữ “nhẫn”
Là nhà cầm quân đến từ châu Âu nhưng HLV Rajevac đã có đấu pháp thực dụng từ vòng bảng đến trận bán kết trên sân Bukit Jalil tại Kuala Lumpur. Khi lượng sức mình không thể đánh thắng đối thủ ngay tại sào huyệt, ông chủ trương đá thấp, dựng xe bus trước khung thành chờ ngày đánh đòn quyết định tại sân Rajamangala ở Bangkok.
Điều khiến người ta khá ngạc nhiên lượt đi khi có trong tay 4 cầu thủ tấn công, gồm Adisak Kraisorn, Nurul Sriyankem, Supachai Jaided và Sanrawat Dechmitr nhưng người Thái lại “nhún nhường” đối thủ đến thế.
Cặp trung phong Adisak Kraisorn và Supachai Jaided đã ghi 11 bàn tại giải. Ngoài ra, tiền vệ Sanrawat Dechmitr cũng sở hữu 4 pha kiến tạo và 11 key-pass (đường chuyền tạo cơ hội), nhiều nhất tại giải.
HLV Rajevac cần làm việc với cặp tiền vệ trung tâm Thitipan Puangchan và Tanaboon Kesarat đã đánh mất khu trung tuyến khi gặp cầu thủ Malaysia đá rắn và chơi tiểu xảo mà không hề bị phạt.
"Harimau Malaya" luôn được lợi thế trọng tài khi đá trên sân đất Malaysia gần như là luật bất thành văn, bởi Malaysia là nơi đặt trụ sở của cả Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), lẫn Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), dù ít dù nhiều giới chức bóng đá trong khu vực và châu lục chịu ảnh hưởng của bóng đá Malaysia.
HLV Tan Cheng Hoe là nhà cầm quân chuộng lối đá tấn công, Malaysia vừa từng có trận đấu tấn công suốt từ đầu trận tới khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu tại Mỹ Đình. Phải nói các cầu thủ trẻ Malaysia thi đấu không đến nỗi tồi, điểm yếu của họ chính là khâu ghi bàn.
Cho đến nay, qua 5 trận đấu mới chỉ có 2 cầu thủ Malaysia biết ghi bàn (Norshahrul Idlan Talaha 4 bàn và Zaquan Adha Radzak 3 bàn), dù ở bảng A đội quân của Tan Cheng Hoe chỉ gặp những đối thủ không mạnh (trừ Việt Nam). Hạn chế lớn nhất của Malaysia là thiếu những nhân tố có khả năng tạo đột biến, để phụ thuộc quá nhiều vào một vài cá nhân.
Trong khi đó, qua 5 trận đấu Thái Lan đang được đánh giá là đội bóng có hàng công mạnh nhất AFF Cup 2018 này. Trong 15 bàn thắng, chân sút chủ lực Adisak Kraison có 8 bàn, tài năng trẻ của bóng đá đất Chùa Vàng Supachai Jaided 3 bàn, Hemviboon 2 bàn, Pokkhao Anan 1 bàn.
Các bàn thắng của Thái Lan rất đa dạng, từ lối đá phản công, những pha đột phá, tình huống cố định và những cú nã đại bác tầm xa. Trên sân Rajamangala ở Bangkok, trên hành trình vào bán kết AFF Cup 2018 các cầu Thái Lan từng bóp nghẹt các đối thủ Indonesia và Singapore bằng lối đá tấn công như vũ bão.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mọi phương án cho trận đánh lớn trước mắt, kể cả khi hai đội phải giải quyết bằng loạt luân lưu. Chiến thắng chính là mục tiêu duy nhất mà Thái Lan hướng đến. Ở Bukit Jalil chúng tôi chơi không tốt, nhưng tại sân nhà sẽ rất khác. Thái Lan sẽ cố gắng ghi càng nhiều bàn càng tốt" - ông Rajevac cho biết.
Canh bạcBangkok
Giới chuyên môn cho rằng, với luật bàn thắng sân khách, để vào được trận chung kết, HLV Tan Cheng Hoe nên chơi canh bạc “được ăn cả, ngã về không”. Theo đó, Malaysia sẽ chủ động đánh phủ đầu Thái Lan, nhằm tìm kiếm bàn thắng trên sân đối phương, đẩy đội bóng đất Chùa Vàng vào thế bất lợi tâm lý, nếu bị thủng lưới trước.
Người ta nhìn nhận, nếu để các cầu thủ chủ nhà Thái Lan triển khai trận đấu theo ý của họ thì cơ hội có bàn thắng hầu như không có. Cầu thủ Thái Lan thừa bản lĩnh và kinh nghiệm để khống chế lối đá của Malaysia, thừa kinh nghiệm để buộc Malaysia không thể đá theo ý của đội bóng xứ Mã.
Nhà ĐKVĐ Đông Nam Á đang có được đội hình mạnh nhất cho cuộc tiếp đón Malaysia, cùng với nền tảng thể lực 100% của toàn bộ cầu thủ. Trong khi đó Malaysia vốn không thể hiện được mình trong các trận sân khách, ngay cả đối đầu với chủ nhà Campuchia cũng như Việt Nam.