Từ năm 2004, Giải vô địch Đông Nam Á thay đổi thể thức thi đấu với việc các đội vào bán kết và chung kết đá hai trận lượt đi và về trên sân nhà - khách, mỗi kỳ AFF Cup sẽ có 4 trận bán kết.
Tính đến thời điểm này (2 trận bán kết lượt đi AFF Cup 2018), đã có tổng cộng 26 trận bán kết diễn ra. Theo đó, các trận bán kết thường diễn ra ở sân nhà đội nhì bảng và không ngạc nhiên khi đội khách thường là kẻ thắng cuộc. Khá ngạc nhiên khi đội tuyển Việt Nam chính là đội bóng đang giữ 2 “kỷ lục buồn”.
Nỗi đau mang tên Mỹ Đình
Trong 7 kỳ thi đấu AFF Cup đá bán kết lượt đi-về, với 14 trận đấu đã thực hiện thì duy nhất đội tuyển Việt Nam thời HLV Hữu Thắng là đội bóng thua trận lượt đi sân khách (các đội khách thắng 7 lần, hòa 6 và thua 1). Có đến 13 lần các đội khách chỉ hòa và thắng khi đá bán kết lượt đi sân khách. Sở dĩ tỷ lệ này cao là vì họ đều là đội đầu bảng, đá với chủ nhà là nhì bảng bên.
Khi đó, đội tuyển Việt Nam thua 1-2 trước Indonesia ở lượt đi AFF Cup 2016 trên sân Pakansari và lượt về để cầu thủ trẻ 24 tuổi Manahati Lestusengỡ hòa 2-2 ở giây cuối cùng của trận đấu tuột mất chiếc vé vào chung kết. Hơn ai hết, đội trưởng Văn Quyết là người đã từng gặm nhấm “nỗi đau mang tên Mỹ Đình” này khi tiếng còi của trọng tài Trung Quốc - Phó Minh kết thúc trận đấu.
Chưa hết, trong số 13 lần các đội khách chỉ hòa và thắng tại bán kết lượt đi thì chỉ có đúng 2 đội tự đánh mất lợi thế và bị loại tại bán kết lại có tên đội tuyển Việt Nam. Nghĩa là 11/13 lần, các đội thắng (hoặc hòa) lượt đi bán kết có mặt tại trận chung kết mùa giải ấy. Chính xác hơn là 5/6 đội thắng lượt đi đã có tấm vé đá trận chung kết AFF Cup.
AFF Cup 2014, ông thầy người Nhật Bản T. Miura và đội tuyển Việt Nam thời Anh Đức, Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Quyết, sau khi thắng 2-1 trên sân của Malaysia ở lượt đi nhưng thất bại chung cuộc 4-5 ở AFF Cup 2014. Đội còn lại là Singapore ở AFF Cup 2008 hòa 0-0 trên sân Mỹ Đình nhưng thua 0-1 ở lượt về.
Hậu vệ trái Văn Biển và thủ môn Nguyên Mạnh có lỗi chuyên môn song T. Miura đã đứng ra nhận hết mọi trách nhiệm về mình. Chuyện đã qua nhưng không một CĐV Việt Nam có thể quên “đêm định mệnh” trên sân vận động Mỹ Đình. Nỗi đau ấy, ám ảnh khá nhiều tuyển thủ quốc gia và họ xin rời đội tuyển quốc gia ngay sau đó!
Khó lặp lại
Nghĩa là lịch sử 11 kỳ AFF Cup duy nhất đội tuyển Việt Nam là 1 trong 6 đội (không tính AFF Cup 2018) từng thắng lượt đi nhưng lại tuột tấm vé vào chung kết.
Không ai tin vào điều đó, thậm chí thất bại bất ngờ 2 - 4 của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình, khiến Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng bày tỏ với giới truyền thông về sự nghi ngờ có thể có ai bán độ và đề nghị công an điều tra về việc này. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã tuyên bố không mở cuộc điều tra vì không thấy có dấu hiệu vi phạm nào cả.
Như vậy, trong 4 đội lọt vào bán kết, nếu dựa vào con số thống kê, tỷ lệ có mặt ở trận chung kết của Việt Nam đang cao nhất 83,3% (5/6 đội). Ngược lại, cơ hội lật ngược tình thế của Philippines chỉ 16,7% (1/6 đội), nhỏ hơn rất nhiều so với chủ nhà Việt Nam.
Nhưng với bóng đá, mọi chuyện đều có thể xảy ra, nên không còn cách nào khác Quế Ngọc Hải và các đồng đội phải cẩn trọng bảo vệ lợi thế mà mình vừa có được trên đất Philippines.
Cẩn trọng luôn là điều cần thiết nhưng có lẽ chúng ta không nên quá lo ngại. Trong bối cảnh cụ thể, các nhà chuyên môn cho rằng chỉ khi triệu tập lại được những cầu thủ đã về nước thi đấu cho các CLB may ra Philippines mới làm được “Phép màu Hà Nội” trên sân Mỹ Đình vào ngày mai (6/12).