Sáng ngày 21/12, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích khảo cổ học Làng Vạc: Giá trị lịch sử - Văn hóa”.
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Trung tâm nền văn hóa Đông Sơn
Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp hệ thống tư liệu điều tra, khai quật và nghiên cứu di tích Làng Vạc; thông qua đó, xác định các đặc trưng văn hóa, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của di tích Làng Vạc; xác định mối quan hệ của di tích Làng Vạc với các di tích khảo cổ học thời đại Hùng Vương trên đất Nghệ An nói riêng và trên phạm vi toàn miền Bắc và khu vực Đông Nam Á nói chung; đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Làng Vạc gắn kết với phát triển kinh tế di sản, du lịch.
Tiểu biểu cho thời kỳ đồ đá có các di chỉ Thẩm Ôm (huyện Quỳ Châu), Đồi Dùng, Đồi Rạng (huyện Thanh Chương), Đồng Trương (huyện Anh Sơn ), Thẩm Hoi (huyện Con Cuông ), Cồn Sò điệp (huyện Quỳnh Lưu)... Thời đại kim khí có các nền văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn tiêu biểu với các di chỉ Đền Đồi (huyện Quỳnh Lưu), Rú Trăn (huyện Nam Đàn), Đồng Mõm (huyện Diễn Châu), Làng Vạc (thị xã Thái Hòa).
Làng Vạc có thể sánh ngang với những di tích văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở lưu vực sông Hồng như Vĩnh Quang, Làng Cả... nếu không muốn nói có thể ở một vị trí cao hơn. Di sản Làng Vạc cách ngày nay 2500-2000 năm đã góp phần duy trì sức sống Đông Sơn, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một bằng chứng quan trọng để giúp cho sự nghiệp chống đồng hóa về mặt văn hóa đối với chính sách triệt để đồng hóa của phong kiến Phương Bắc.
Trải qua gần 5 thập kỷ kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên năm 1972 và kết quả thu được qua 3 lần thám sát, khai quật, các nhà khoa học và quản lý văn hóa đã khẳng định rằng di tích Làng Vạc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 61/QĐ - BVHTT ngày 13/9/1999.
Phát huy giá trị di sản
Các nhà khoa học, quản lý cũng đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích lịch sử Quốc gia Làng Vạc. Theo đó, việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của di chỉ Làng Vạc còn chưa đầy đủ, có tính hệ thống và chưa có công trình tổng hợp nào được xuất bản. Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay, cũng như nhiều đi sản khảo cổ học khác, di tích Làng Vạc đang chịu tác động của nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và cũng chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá tình trạng của di tích, trữ lượng hiện còn của di tích, những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn ...
Thông qua việc tổ chức Hội thảo khoa học, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Thái Hòa xây dựng kế hoạch, chương trình và đề án của quy trình quản lý di sản; đưa ra những giải pháp hữu hiệu và khả thi nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát huy di sản khảo cổ học Làng Vạc một cách bền vững, hiệu quả, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.