Dự họp còn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Lê Ngọc Hoa, Huỳnh Thanh Điền, lãnh đạo các ngành và các nhà đầu tư có dự án trọng điểm tại Nghệ An.
Cụ thể: Đại diện Tập đoàn FLC tại Nghệ An cho biết, hiện Tập đoàn đang khảo sát đầu tư một số dự án vào Nghệ An như: Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC Nghệ An tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc; Dự án đầu tư thăm dò, khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Tân Kỳ; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC - Tân Kỳ, Nghệ An.
Đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Tân Kỳ, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3039/UBND-NN ngày 8/5/2018 gửi Bộ NN&PTNT về việc đề xuất xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên. Hiện nay, chủ đầu tư và Sở NN&PTNT đang làm việc xin ý kiến của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và khu vực xin đề xuất chưa đưa vào vùng quy hoạch VLXD. Thời gian xin ý kiến các bộ, ngành thẩm định kéo dài nên dự án này vẫn đang vướng về thủ tục.
Liên quan đến dự án cải tạo Khu B Quang Trung, ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh băn khoăn hiện tại có 42 hộ cần giải tỏa có thể sẽ bị động trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Các dự án của Công ty CP Xi măng Sông Lam cũng đang vướng mắc lâu nay chưa được giải quyết, nhất là GPMB giai đoạn 2. Dự án MDF Nghệ An hiện đang vướng mắc về đường điện và đường vào.
Đối với dự án Khu Công nghiệp và đô thị VSIP Nghệ An, tính đến tháng 9/2018 đã có 16 khách hàng ký cam kết đầu tư (gồm 5 khách hàng FDI) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.200 tỷ đồng. Đại diện VSIP cho biết công tác GPMB vẫn chậm được giải quyết như tại các điểm: Sân vận động xóm Nam Phúc Hòa và sân vận động xã Hưng Tây; về 37 lô đất ở, mỏ đất phục vụ san lấp mặt bằng.
Tại cuộc họp, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Hiện có nhiều dự án trong Khu kinh tế Đông Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014, nhưng chưa triển khai được thủ tục thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013. Nguyên nhân do sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2014. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và Luật Đầu tư cho phù hợp. UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã liên quan báo cáo Thường trực cấp ủy để chỉ đạo tập trung giải quyết các thủ tục và xử lý các vướng mắc, khó khăn cho các dự án một cách kịp thời.
Tại cuộc họp, còn có 7 nhà đầu tư nêu các vấn đề cần giải quyết hiện nay, thông qua đó, các ngành cũng giải đáp tiến độ công việc và yêu cầu của các nhà đầu tư. Nhìn chung, vướng mắc chủ yếu do luật, thủ tục đầu tư, đường điện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gợi ý hướng chỉ đạo cho các dự án cụ thể. Đối với dự án Khu Công nghiệp và đô thị VSIP chủ động tiến độ giai đoạn 2, cần tiếp tục làm việc với các khu dân cư, địa phương để GPMB. Đối với các dự án đang vướng GPMB, các địa phương cần làm đúng quy trình, đúng chính sách, đảm bảo công bằng, tăng cường công tác vận động nhân dân. Về dự án của FLC đang vướng mắc thủ tục do mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư công, vẫn cần làm đúng thủ tục. Đồng thời các ngành bám các Bộ để có sự đôn đốc đẩy nhanh thủ tục. Đối với dự án của Công ty CP Tập đoàn Vingroup, cần triển khai sớm dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý liên quan đến các khu đô thị trên địa bàn, đề nghị bám quy hoạch thành phố Vinh đến 2030, có tính đến năm 2050, quy hoạch đại lộ Vinh - Cửa Lò để thực hiện các quy hoạch khác.
Sau cuộc họp này, tỉnh sẽ có thông báo cụ thể về chỉ đạo giải quyết đối với các dự án cụ thể nếu có vướng mắc.