Ngay sau khi kết thúc buổi thi tổ hợp Khoa học xã hội hôm 27/6, nhiều đại học đã có mặt ở địa phương để tiếp nhận thiết bị và chuẩn bị cho khâu chấm thi trắc nghiệm.
Kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm phải nghiêm túc tuân thủ quy trình chấm, quá trình thực hiện nếu phát hiện bất thường phải báo ngay với tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm để cùng tổ giám sát lập biên bản, báo cáo trưởng ban chấm thi xử lý.
Các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh.
Về xử lý bài thi trắc nghiệm, có ba bước trước khi chấm gồm quét phiếu bài thi, nhận dạng ảnh quét và sửa lỗi kỹ thuật. Ở tất cả bước này, toàn bộ dữ liệu, đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa, phải được sao lưu ra ba bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau.
Các đĩa phải được đóng gói niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản. Sau đó, một đĩa được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý và giám sát. Một đĩa phải được bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu trữ. Đĩa còn lại do trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ. Việc sử dụng các bộ đĩa phải báo cáo, xin ý kiến của ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
Sau khi hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý bài thi, tổ chấm bài thi trắc nghiệm mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và tổ giám sát.
Lúc này, tổ chấm bài trắc nghiệm chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Tổ chấm cần thống nhất sử dụng mã bài thi, môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chấm xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định) được lưu vào ba bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong và gửi tới ba đơn vị như khi xử lý bài thi. Trong đó, chủ tích hội đồng thi nhận một đĩa để cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý thi và lưu trữ.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khâu chấm thi năm nay đã có một số thay đổi nhằm ngăn ngừa tiêu cực. Ví dụ, bài thi trắc nghiệm của thí sinh được đánh phách điện tử đảm bảo người chấm nếu nhìn thấy bài sẽ không nhìn thấy phách và ngược lại.
Về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi, nâng cấp và cho chạy thử nghiệm. Các dữ liệu sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa, kể cả đáp án. Chỉ khi Bộ cung cấp khóa giải mã, người chấm mới có thể xem. Nếu làm sai ở khâu nào đó, người chấm thi không thể tự quay lại để điều chỉnh mà phải được Bộ cấp mã để vào sửa.
Để đảm bảo các địa phương và trường đại học thực hiện chấm thi nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm ngoái. Ngoài hai cán bộ từ trường đại học, đoàn có thêm một chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng không làm việc tại địa phương mình công tác.
Dự kiến, kết quả thi được công bố vào ngày 14/7 (muộn hơn 3 ngày so với năm 2018). Thí sinh có thể nộp đơn chấm phúc khảo từ ngày 14 đến 23/7.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.