Trận gặp Bình Định, chỉ một tình huống tăng tốc của Đình Kha là tiền vệ này vượt qua cả hai trung vệ chốt chặn cuối cùng Bá Sang lẫn Văn Khánh, buộc phải phạm lỗi ngay trong vòng cấm mà không còn cách nào khác.
Trận sân khách gặp HAGL, lại cơn lốc Văn Toàn cho cả Bá Sang lẫn Thế Nhật “hít khói” rồi chịu phạt và sau đó phải gồng lên chống đỡ. Lần này, HAGL không phải là đội bóng tân binh để ai muốn làm gì thì làm và họ đã đạt được điều họ muốn.
Lỗi trực tiếp là của Văn Khánh và Bá Sang nhưng chắc chắn có nguyên nhân từ việc non kém của phòng ngự trung lộ từ xa khi đội bóng không tạo ra sự chắc chắn, yên tâm từ tuyến giữa, ở đây là vị trí của Đình Châu và Sỹ Sâm. Đó cũng là câu chuyện của mùa trước, đến nay vẫn là bài học nóng hổi.
Gãy trung lộ đồng nghĩa với xương sống đội bóng không chịu nổi những cú đánh trực diện như hai cú sút thành bàn, ngược dòng của HAGL. May là đội bóng không sụp đổ dễ dàng, thậm chí chơi chấp người vẫn khiến đối thủ tân binh toát mồ hôi hột.
Phải chăng, BHL đội bóng nên tính toán lại hệ thống phòng ngự chiều sâu bằng cách mạnh dạn rút ngoại binh Peter về đá tiền vệ trung tâm, hợp cùng Đình Châu và chấp nhận chỉ cắm một ngoại binh trong thế trận phòng ngự- phản công sở trường của đội bóng, nhất là khi đương đầu với những đội bóng giàu phẩm chất kỹ thuật, đá trên cơ và SLNA khó có thể đôi công sòng phẳng?
Tất nhiên ai cũng hiểu hàng công với cặp song sát ngoại sẽ ép hàng phòng ngự đối phương xuống sâu hơn, đồng nghĩa với việc tạo thế trận phòng ngự từ xa. Nhưng lâu nay ai ai cũng biết đội nhà “non gạo, kém tiền” nên lấy đâu ra hàng độc, hàng quý để gánh trọng trách ghi bàn cho đội bóng, buộc đối thủ phải lùi sâu và phòng ngự với số đông? Vậy, “túng thì nên tính” và ở đây là kéo ngoại binh về gánh tuyến giữa, theo cách “có tây mới dày trục giữa” vậy!
Một đội bóng mà chắc, mà vững trung lộ có chăng mới tính được chuyện đá đường dài?