(Baonghean) - Những ngày đi cùng 2 đội cắm mốc đường biên, chúng tôi đã cảm nhận, thấu hiểu thêm sự vất vả, hiểm nguy mà họ đã trải qua. Suốt 4 năm qua, các anh coi biên giới là nhà. Khó có thể đo đếm được quãng đường mà hai đội cắm mốc đã đi, cùng với bao câu chuyện buồn vui nhưng có thể gọi tên được hành trình đó là của ý chí và tình hữu nghị.
-->> Bài 2: Khảo sát đỉnh Trường Sơn
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào là tuyến biên giới hữu nghị có ý nghĩa quan trọng của 2 quốc gia. Bởi vậy, công tác xác định vị trí đường biên cột mốc giữa hai quốc gia càng có tầm quan trọng đặc biệt; đòi hỏi các đội cắm mốc liên hợp cần phải thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, đảm bảo sự tôn trọng lợi ích của mỗi quốc gia. Mốc dựng lên không phải để tạo ra sự phân cách mà nhằm tô đậm thêm tình hữu nghị lâu đời của 2 quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”. Cho nên trong quá trình dựng mốc, hai đội cắm mốc tỉnh Nghệ An đã đón nhận được nhiều sẻ chia nghĩa tình của người dân Lào… Thượng tá Phan Văn Hồng - Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 vẫn nhớ như in những ngày đầu lên khảo sát: Chuyến lên khảo sát Mốc 366, đường phía Việt Nam không lên được, phải mượn đường qua đất bạn Lào. Xe leo mãi hơn 1 giờ chiều mới tới bản Phà Khốm, là nơi cư trú của 15 nóc nhà của dòng họ Lầu, người Mông Lào. Khi “nói chuyện” chán chê bằng tay, trưởng bản biết là lực lượng làm nhiệm vụ phân giới của Việt Nam đã vui vẻ bố trí, sắp xếp cho mọi người trong đoàn nghỉ lại. Tiếp đó là một ngày hành quân ngược dốc. Dốc ngắn, rồi dốc dài, đoàn bị chia thành nhiều tốp, tốp 3 người, tốp 5 người… leo mãi, mệt đâu nghỉ đấy. Quay trở về đến bản đã hơn 9 giờ rưỡi đêm. Quần áo rách nát, bàn tay rớm máu. Chưa kịp mừng vui thì phát hiện chưa thấy anh Tân – một thành viên của đội đâu. Bị lạc rồi, phải nhờ đến bạn - trưởng bản nhất trí điều 5 dân quân thông thạo địa hình, nhận định vị trí thất lạc tổ chức tìm kiếm. Phải đến gần sáng, các dân quân Lào mới tìm được anh Tân và dìu về. Chỉ sau một đêm Tân đã nhợt nhạt, tiều tụy hẳn đi, không thể cất lên một lời nào nữa cho đến cả tuần sau.
Suốt trên lộ giới của mình, Đội cắm mốc số 2 đã phải đi qua, vượt lên các cổng trời, dãy núi kéo dài từ Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương cho đến Kỳ Sơn. Trên những tuyến núi, tuyến rừng cheo leo mạn ngược đó, khó khăn không tả xiết bằng lời. Trung tá Đội trưởng Đội cắm mốc số 2 Phan Thanh Hồng còn khắc ghi nhiều kỷ niệm đậm sâu nghĩa tình anh em Lào - Việt: Có lần, Đội cắm mốc số 2 và Đội cắm mốc Bôlykhămxay thực hiện kế hoạch khảo sát song phương tại các mốc 452, 453 trên địa bàn xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương. Do đoạn này chưa có đường tuần tra, việc đi lại cực kỳ khó khăn, dốc gần như dựng đứng, người đi trước nếu đi không cẩn thận có thể tuột xuống đạp vào người phía sau và đá có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Hành quân ròng rã liên tục, có người lả đi vì kiệt sức, quá mệt nuốt không nổi cơm. Giữa lúc đó, Đội trưởng đội cắm mốc Bôlykhămxay là Bunlặm Xạ Nế Hả thì động viên các bạn Việt, anh Hồng thì động viên các bạn Lào cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bác sỹ bạn băng bó cho cán bộ ta bị thương, hai bên chung một nồi cơm chưa chín. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm – cán bộ Việt, cán bộ Lào đã thực sự coi nhau như anh em.
Cùng chung tâm tư như cán bộ, thành viên các đội cắm mốc Việt Nam, một số cán bộ cắm mốc phía bạn Lào từng tham gia công tác 2 năm tuyến biên giới tỉnh Hà Tĩnh như anh Tha Nu Xỉn Lạt Xa Chắc - Đội phó kỹ thuật tỉnh Bôlykhămxay cũng không tưởng tượng nổi những khó khăn gian khổ đã trải qua tại khu vực cắm mốc phía Nghệ An. Anh Tha Nu Xỉn Lạt Xa Chắc vốn là người to khỏe, nhưng do đi lại quá nhiều giữa thời tiết mưa rét, lại bị thấp khớp nên khi về tới đồn, hai đầu gối sưng vù, anh em Đội cắm mốc số 2 lại làm cáng, bồng bế anh đi. Nghe nói, về nước, anh Tha Nu phải nằm viện cả tháng trời mới đỡ… Trung tá Phan Thanh Hồng cho hay: Mốc 428 có thể đến bằng sự cố gắng cao độ nhưng trên địa bàn có nhiều nơi còn khó khăn hơn. Mà khi ngẫm lại, thì đó chính nhờ ý chí, lòng dũng cảm và tình yêu quê hương đất nước đã nâng bước chân đi. Như chuyến công tác đầu tháng 1/2012, thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, nhưng đoàn khảo sát song phương - liên ngành vẫn quyết tâm tiến hành hành quân khảo sát mốc và giám sát các mốc tại địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông). Các mốc ở đây rất xa dân cư, lại nằm ở các vị trí hiểm yếu, đoàn phải hành quân cả đường sông bằng thuyền lẫn đường bộ với cự ly khoảng 60 km.
Thời điểm này đang rét đậm rét hại, nhiều đoạn phải hành quân dọc suối nước tới thắt lưng hơn một buổi, nước suối lạnh buốt, nhiệt độ về đêm có lúc chỉ còn 4-5 độ tại độ cao 1.525m so với mực nước biển. Trời rét, đêm không thể ngủ được chỉ đốt lửa sưởi ấm. Mà chỉ ấm mặt nhưng lưng lại lạnh buốt. Thời gian khảo sát 2 mốc này mất hơn 10 ngày. Những ngày này cả đoàn không bao giờ thấy mặt trời, chỉ toàn sương mù đặc quánh, cách 2-3m không nhìn rõ mặt nhau, quần áo lúc nào cũng ướt nhẹp, rét vô cùng, chỉ cắm đầu mà đi, mà phải bám sát nhau bởi cách một tý là lạc nhau ngay. Có đoạn, do trời quá mù, rừng rậm nên máy GPS định vị vệ tinh không có sóng và không quan sát được địa hình nên cả đoàn đi lạc xuống phía dưới sườn núi. Leo lên chỗ cũ phải mất 2 tiếng đồng hồ. Khi hoàn thành nhiệm vụ hành quân về tới Đồn 555 đã là ngày 25 Tết âm lịch.
Cột mốc 397 (1) phía nước bạn Lào.
Trong hành trình cắm mốc, có nhiều hiểm nguy bất ngờ mà các thành viên trong Đội cắm mốc số 2 đến giờ vẫn hú vía: Trong đợt khảo sát tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông, xe chở toàn đội vượt sông Giăng (cách Đồn Biên phòng 553 khoảng 1,5km); qua được một đoạn thì bất ngờ lũ thượng nguồn ập về mà xe mắc kẹt vỉa đá không thể đi được. Lúc đầu nước sông chỉ ngập đến ngang bánh xe, chỉ khoảng 10 phút sau nước đã ngập đến nắp capo. Anh em vội vã tìm mọi cách thoát ra khỏi chiếc xe đã ngập trong lũ. Đội phải liên lạc với Đồn Đồn Biên phòng 553 đề nghị giúp đỡ. May nhờ có đơn vị thi công đường cách đồn khoảng 10km dùng máy xúc chạy ra kéo xe lên…
Chuyện nằm lại 2-3 ngày giữa rừng vì nước lũ lên chia cắt sông suối là chuyện thường ngày của người đi cắm mốc. Miếng lương khô chia nhau những lúc đó mới thấy được hết tình nghĩa đồng đội. Đi trên nhiều đoạn, bùn ngập 2-30 cm nhưng cũng phải lội bằng chân trần, bởi nếu đi giày sẽ không thể nhấc lên nổi vì bùn ngập dính bết. Rồi vắt với đủ loại. Vắt xanh cắn ngang cổ, chui cả vào tai, rất khó cầm máu; Ruồi vàng bu đốt để lại những vết “hoa” loang lổ trên thân nhiều người… Thượng tá Phan Văn Hồng, đội trưởng Đội cắm mốc số 1 tâm sự: “Mỗi khi chạm tay vào mỗi cột mốc mới vừa được dựng lên, các thành viên đội cắm mốc lại thấy trào dâng lên niềm tự hào vô bờ bến - Tổ quốc hôm nay có bàn tay chúng con dựng xây - cảm thấy có thêm sức mạnh để tiếp tục xuyên qua những cánh rừng già bất tận chưa có dấu chân người, vượt lên những đỉnh núi cao ngất định hình những mốc giới mới”. Còn Trung tá Phan Thanh Hồng - Đội trưởng Đội cắm mốc số 2 thì tâm tình: “Xác định công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới là nhiệm vụ thiêng liêng, thể hiện quyết tâm xây dựng đường biên giới quốc gia vững chắc. Dù khó khăn, vất vả với những đêm “ăn đất, ngủ rừng, làm bạn với sên, vắt”, thế nhưng anh em luôn coi đó là niềm tự hào, một công việc đặc biệt không phải ai cũng được giao. CBCS-CNV Đội cắm mốc số 2 xác định được trách nhiệm và nhiệm vụ, đoàn kết thống nhất cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Hiện đường biên hai nước Việt – Lào nói chung và đường biên giới chạy qua giữa Nghệ An với Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay nói riêng sắp hoàn thành. Có được kết quả trên là nhờ Ủy ban Liên hiệp hai nước, Ban chỉ đạo Nghệ An và các tỉnh thuộc nước bạn Lào đã dốc vật lực để triển khai; trong đó phải kể đến sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao của các đội cắm mốc. Xin được tôn vinh các anh những người vượt lên mọi khó khăn hiểm nguy, để tôn tạo biên giới Việt – Lào, tạo đà cho sự phát triển bền vững của hai nước, tô thắm thêm tình hữu nghị, tình cảm ruột thịt đời đời của hai dân tộc.
Bài cuối: Ý chí, niềm tự hào và thắm tình hữu nghị
Chung Hải