(Baonghean) - Giải quyết vấn đề "kinh phí" và "lao động dư" là hai nội dung có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của xây dựng NTM, trong đó kinh phí có vai trò quyết định đến việc thực thi các kế hoạch, còn lao động dư ở nông thôn được xem là một hệ quả tất yếu của quá trình xây dựng NTM. Bởi vậy ngay từ đầu, Trung Quốc luôn tìm kiếm các giải pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thứ nhất, là thúc đẩy sự lưu động của nông dân hướng tới các thành thị một cách hợp pháp, có tuần tự. Sở dĩ Trung Quốc có chủ trương như vậy là vì họ quan niệm, đô thị hóa là một quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xã hội lớn, trong đó cốt lõi là quá trình chuyển đổi nhân khẩu nông thôn sang thành thị, còn thành thị hóa là con đường căn bản để giải quyết việc làm cho nông dân. Trung Quốc hiện có câu "một người ra thành phố làm công thì một gia đình ở nông thôn thoát khỏi đói nghèo" và theo kết quả nghiên cứu của Lưu Học Nghệ thì các tỉnh như Tứ Xuyên, An Huy, Hà Nam, Hồ Nam, Giang Tây... mỗi năm nông dân đến thành phố làm công gửi tiền về quê từ 10 đến 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương thậm chí còn vượt mức thu nhập tài chính toàn tỉnh.
Thứ hai, là phát triển xí nghiệp hương trấn và phát triển kinh tế khu vực ở cấp huyện nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch lao động dư ngay tại chỗ. Thực tế Trung Quốc đã làm tốt việc này, chuyển dịch được 65% lao động dư vào các hoạt động phi nông nghiệp ngay ở khu vực cấp huyện, trong đó xí nghiệp hương trấn và doanh nghiệp loại nhỏ thu hút đến 80% lao động nông dân. Riêng các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông... thì tự giải quyết trên 90% lao động nông thôn dư, nghĩa là chỉ còn khoảng 10% lao động dư phải đi nơi khác tìm việc làm. Vì số nông thôn tới các thành phố ngày một đông, nên để giải quyết sự quá tải đòi hỏi chính quyền từ cấp huyện trở xuống cần có giải pháp cụ thể để thu nạp lao động dư. Mở rộng quy mô các thành phố loại vừa và nhỏ, chú ý phát triển các thị trấn, tạo lập khu vực kinh tế nông thôn để nó đóng vai trò hiệu quả trong việc tiếp nhận lao động dư.
Thứ ba, là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nông dân và giải quyết các nội dung liên quan của vấn đề nông dân làm công. Theo thống kê của Trung Quốc, hiện nay tỷ lệ nông dân làm công trong ngành chế biến gia công, xây dựng và dịch vụ chiếm lần lượt là 68%, 80% và 50%; trong tổng số công nhân làm trong các ngành sản xuất tăng mỗi năm thì có đến 2/3 là đến từ nông thôn. Bởi vậy, trong các văn kiện số 1 về tam nông, đặc biệt là các văn kiện gần đây về vấn đề NTM, Trung Quốc luôn chú trọng các biện pháp giải quyết vấn đề nông dân làm công như: 1) Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, xóa bỏ kỳ thị và những thu phí bất hợp pháp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nới lỏng chính sách, cải cách chế độ hộ khẩu, cư trú cho nông dân vào thành phố làm việc; 2) Kiện toàn mạng lưới dịch vụ công ở thành thị và nông thôn, cung cấp miễn phí tư vấn chính sách pháp luật, chế độ làm việc, giới thiệu nghề nghiệp cho nông dân; 3) Xây dựng chế độ đảm bảo tiền lương và tiền lương tối thiểu đối với nông dân làm công cũng như chế độ an sinh xã hội cho họ, tăng cường bảo hiểm y tế cho nông dân, giải quyết tốt các vấn đề học hành, đào tạo nghề cho con em nông dân; 4) Chính phủ ban hành các chính sách bảo hộ nông dân, coi giải quyết vấn đề nông dân lên thành phố làm công là giải pháp quan trọng để thay đổi kết cấu nhị nguyên giữa thành thị và nông thôn; 5) Xây dựng các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nông dân làm công như đối xử công bằng, không phân biệt; tăng cường dịch vụ, hoàn thiện quản lý; quy hoạch tổng thể, hướng dẫn hợp lý; giải quyết theo tình hình cụ thể của từng địa phương, phân loại chỉ đạo; giữ ổn định trước mắt, nhìn xa trông rộng...
Thứ tư, là thúc đẩy việc cải cách đồng bộ thành thị và nông thôn, kiên quyết loại bỏ các rào cản của thể chế về việc làm, cư trú và bảo hiểm khi người nông thôn đến thành thị làm việc. Đặc tính căn bản nhất của sự chuyển biến về nhân khẩu trong quá trình hiện đại hóa của các nước trên thế giới là việc nông dân tiến dần về thành phố trở thành công nhân và thị dân. Trước đây, Trung Quốc thực hiện chế độ quản lý hộ khẩu khác nhau ở khu vực thành thị và nông thôn nên khi nông dân nhập vào thành thị làm việc gặp nhiều khó khăn về thể chế thủ tục, thậm chí bị phân biệt đối xử, làm cho họ khó hòa nhập vào xã hội đô thị... Nhưng sau đó, Trung Quốc từng bước thay đổi cơ chế, ban hành nhiều văn bản với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn vào làm việc, định cư ở thành thị, giảm bỏ một số thủ tục không cần thiết, đồng thời còn có chính sách bảo hộ và khuyến khích họ.
Thứ năm, là có chính sách, kế hoạch đào tạo người nông dân có kiến thức, có văn hóa, tác phong công nghiệp và có kỹ năng lao động tốt, có khả năng thích ứng và đáp ứng yêu cầu lao động trong các ngành phi nông nghiệp, mà họ gọi đây là tạo nên loại hình nông dân mới. Đây có thể xem là giải pháp có tính chiến lược để giải quyết vấn đề lao động dư ở nông thôn. Bởi vì một khi người nông dân trở thành loại hình nông dân mới, họ có thể tham gia vào lao động trong nhiều lĩnh vực phi nông nghiệp, cũng có thể vừa tham gia lao động nông nghiệp kết hợp với phi nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nông dân, tạo điều kiện tăng thu nhập, giảm thất nghiệp, ít lao động dư.
Lê Đức Hoàng(Đại học Vinh)