(Baonghean) - Nơi muôn trùng khơi, hải đảo khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống của cán bộ chiến sỹ, người dân đảo và người ngư dân trên biển gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt mỗi khi trái gió trở trời, ốm đau bệnh tật. Giữa lúc ấy, những người lính thầy thuốc huyện đảo Trường Sa đã phát huy vai trò “cứu tinh” đảm bảo sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là cấp cứu kịp thời ngư dân đánh bắt hải sản trên biển.
-->> Xem Bài 5: Gieo chữ nơi đảo đá
Tới đảo Song Tử Tây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự khang trang ở bệnh xá xã đảo. Bệnh xá được xây dựng kiên cố, sạch đẹp với 4 phòng và 6 giường bệnh và đặc biệt có hẳn một phòng mổ riêng. Thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng của đảo cho hay: Hiện tại bệnh xá có 7 y bác sỹ và điều dưỡng viên, trong đó có 1 bác sỹ ngoại khoa và 1 bác sỹ nội khoa, mới đây lại có thêm 1 y tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 được điều về thực hiện nhiệm vụ…
Đại úy, bác sỹ, bệnh xá trưởng Kiều Đức Vinh – chàng trai gốc Hà Thành còn trẻ và cười tươi lắm, tiếp chúng tôi. Vinh không khỏi tự hào khi giới thiệu về việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2012: Khám và cấp thuốc 1.016 lượt người, trong đó ngư dân là 726 lượt người; cấp cứu 50 lượt, trong đó phẫu thuật trên 20 ca và các ca phẫu thuật đều đảm bảo an toàn. Trang thiết bị ngoài những máy móc do Quân chủng Hải quân trang bị thì có thêm máy móc của đội cứu hộ, cứu nạn. Song thực tế thì cũng không nhiều với 1 máy siêu âm trắng đen, máy điện tim, máy monitor để theo dõi chức năng sinh tồn. Máy X-Quang hay máy xét nghiệm sinh hóa máu thì chưa có.
Đại úy, bác sỹ Kiều Đức Vinh. Ảnh: Minh Thông
Tất cả các bệnh nhân khi nhập bệnh xá đều được chăm sóc hết sức tận tình cũng như sử dụng các biện pháp, kỹ thuật có thể thực hiện để cứu chữa. Ở đây, các can thiệp phẫu thuật thường gặp nhất là mổ ruột thừa, mổ các chấn thương chi thể mà các ngư dân rủi ro thường gặp phải như vết thương dập nát ở các ngón tay, bàn tay, chân. Về nội khoa, việc cấp cứu cũng được thực hiện rất kịp thời; tháng 8 năm vừa rồi bệnh xá đã cứu được một ngư dân Quảng Ngãi bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra còn là rất nhiều trường hợp cứu chữa ngư dân bị hội chứng giảm áp do lặn sâu, tăng huyết áp hay viêm đường mật.
Nói về những chuyên trong nghề đáng nhớ, thì dường như y, bác sỹ bệnh xá Song Tử Tây có vẻ ái ngại. Bác sỹ Vinh giãi bày: “Chuyện vui thì nói ngoài bệnh xá, chứ ở đây chúng tôi vẫn cứ có cảm giác ân hận và đáng tiếc… Chẳng là trong tháng 10, 11 năm 2012, có 2 ngư dân tỉnh Phú Yên đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, do sử dụng máy nghiền đá lạnh để ướp cá, trong lúc đưa đá vào thì đưa luôn cả tay vào. Một người khi đưa vào trạm xá thì đã trải qua 2 ngày, tay bị nát và xuất hiện hoại tử, phải cắt cả bàn tay. Một người khác sau khi bị tai nạn khoảng 2 giờ đưa lên trạm thị giữ được 4 ngón tay nhưng 2 ngón bị tổn thương rất nặng. Sau khi chăm sóc chu đáo, bệnh tình đã ổn đã được đưa về nhà an toàn. Buộc phải cắt bỏ đi một phần thân thể của đồng bào mình, chúng tôi đau lắm…”.
Còn đối với bác sỹ Nguyễn Trọng Thế ở bệnh xá Song Tử Tây, anh nhớ mãi câu chuyện về 1 ngư dân Quảng Ngãi khi đánh bắt vùng biển gần đảo đã bị viêm ruột thừa, được đưa vào đảo để mổ, sau 7 ngày thì cắt chỉ. Khỏi bệnh, chuẩn bị xuất viện thì ngư dân này cứ bối rối đi ra đi vào. Gặp bác sỹ Vinh, bác này mới bảo rằng “Chúng tôi ở trên tàu nên không tiêu tiền, nên không mang theo tiền để trả viện phí. Khất với các bác sỹ lần sau sẽ đưa ra trả”. Nghe thấy thế các y, bác sỹ đều cười xòa và giải thích chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội là ở trên đảo việc cấp cứu và điều trị hoàn toàn miễn phí. Bác ngư dân hiểu ra, luôn miệng cảm ơn Đảng, Nhà nước và các y, bác sỹ lắm lắm.
Mổ cấp cứu cho ngư dân trên đảo Song Tử Tây bị tai nạn trên biển. Ảnh: M.T.
Đại úy, bác sỹ Kiều Đức Vinh tâm sự: Việc các y, bác sỹ Song Tử Tây ra đảo công tác theo nhiệm kỳ là do Viện Quân y 108 phân công. Nhưng thực tế, hầu hết anh em quân y trong viện đều xung phong, mong muốn được ra đảo công tác, coi đây là một niềm vinh dự lớn lao nên ai cũng quyết tâm cao làm tốt nhiệm vụ. Trước khi ra đảo, các y, bác sỹ đều được đào tạo, bổ sung thêm những kiến thức về bệnh mà mình ít làm, ít tiếp xúc… Ở đảo, để đảm bảo việc điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe cho quân và dân cần hội tụ cả hai yếu tố con người và thuốc men. Tuy nhiên phải nói rằng, trang thiết bị vẫn thiếu và cũng nhanh xuống cấp. Thuốc thì theo cơ số nhưng vẫn có cái thừa, cái thiếu so với thực tế bệnh tật thường gặp.
Với Trạm Y tế xã đảo Sinh Tồn, năm 2012, trạm tổ chức khám, chữa bệnh gần 700 lượt người và cấp phát thuốc cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo, trong đó cấp cứu kịp thời 2 ca bị viêm ruột thừa. Đây quả là bước tiến dài trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho quân và dân ở quần đảo bão tố.
Thượng úy, bác sĩ Đinh Quang Thành, Trưởng Trạm Y tế xã đảo Sinh Tồn cho biết: Ở trạm xá không có dụng cụ xét nghiệm máu, máy chụp X-Quang, chúng tôi dựa vào kinh nghiệm chuyên môn để chẩn đoán bệnh lâm sàng, do đó anh em bác sỹ luôn khắc phục khó khăn, sáng tạo công việc... Ngoài công việc chuyên môn, anh em của trạm luôn tích cực thực hiện tốt việc tham gia tuần tra canh gác bảo đảm chủ quyền biển đảo.
Cán bộ của trạm quân y ở Trường Sa đều là các bác sỹ, y sỹ còn rất trẻ của các bệnh viện quân đội tình nguyện ra công tác tại đảo. Những bác sỹ chuyên khoa ra đảo trở thành bác sỹ đa khoa đảm nhiệm cả phần việc của các bác sỹ sản khoa và nhi khoa. Tại Song Tử Tây, 3 năm trước, bệnh xá đã giúp đỡ “mẹ tròn con vuông”, đón một công dân mới huyện đảo Trường Sa ra đời. Hiện lực lượng quân y các tuyến đảo có thể đảm nhiệm tốt việc điều trị, cấp cứu đến đại phẫu cho bộ đội, nhân dân trên đảo như, phẫu thuật mổ viêm ruột thừa cấp, viêm tụy cấp... Đó là một nỗ lực lớn của những thầy thuốc - những người lính Cụ Hồ ở nơi còn thiếu thốn về thuốc, điều kiện vệ sinh, vô trùng khó đảm bảo.
Trong chuyến công tác Trường Sa lần này, chúng tôi đã gặp được những người lính canh giữ biển đảo quê hương 14-15 năm trời, gặp bà con nhân dân sống tại đây cũng như nhiều ngư dân đang đánh bắt trên biển quê hương. Tất cả họ đều bày tỏ sự cảm phục đối với những người lính thầy thuốc quân y.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, người dân đảo Song Tử Tây bày tỏ cảm kích: “Chúng tôi và con em trên đảo được các bác sỹ thường xuyên thăm khám bệnh, kể cả lúc đêm hôm. Không biết nói gì hơn, bà con xin tạc dạ ghi tấm lòng của các thầy thuốc quân đội”. Trong đoàn công tác, ai nấy cũng đều vui mừng trước những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở các đảo và mong muốn thời gian không xa nữa sẽ có một bệnh viện đa khoa Trường Sa và nhất là có tàu bệnh viện để có thể đi khắp các đảo cấp cứu các ca bệnh nặng...
Bài 6: Sáng ngời y đức
Thành Chung (Email từ Trường Sa)