(Baonghean)- Chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa đông bắc, khu vực biển Trường Sa sóng rất mạnh nên suốt 4 ngày HQ 996 không thể cập âu tàu, mà phải neo đậu ngoài khơi cách đảo Song Tử Tây chừng 2 hải lý. Để quà tết nhanh chóng được đến tay cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân đảo, việc chuyển tải đã được thực hiện… Trong chuyến thăm đảo lần này, gây ấn tượng, sự khơi gợi mạnh nhất đối với chúng tôi vẫn là hình ảnh cây phong ba và Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn…
-->> Xem Bài 2: Đây Trường Sa…
Cây phong ba có mặt khắp nơi trên đảo Song Tử Tây; cây cổ thụ rất nhiều và cây non cũng lắm. Phong ba là loài thực vật nhỏ, thân gỗ mềm, cong, chỉ cao trung bình 3-6m, phân cành thấp, sức sống mãnh liệt. Cây bám rễ trên nền đá san hô và cát, chống chọi với bão tố và nước mặn, cần mẫn đâm cành, trổ hoa, phủ xanh che chắn gió, cố định cát… Có lẽ với những đặc tính đó nên cây phong ba đã cùng với bão táp, cây bàng vuông trở thành một biểu tượng của Trường Sa bất khuất kiên cường, đang ngày đêm trụ vững trên tuyến đầu.
Cây cổ thụ trên đảo
Lúc này, tiết xuân đã ùa về nơi vùng đất cực Đông của Tổ quốc; cùng với không khí rạo rực giao hòa của đất, trời và biển cả, phong ba cũng đang đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái. Trong gió đông lồng lộng thổi, những chiếc lá non mơn mởn rung rinh gần gũi, thân thương đến lạ; vỏ cây sần sùi, bạc màu sương gió nhưng tràn đầy màu xanh sự sống. Nhiều cây bị bão đánh gãy từ những hôm trước nay từ vết thương, chồi non đã vươn lên và phát triển. Cành cây trải dài như ôm lấy mặt đất. Đảo Song Tử Tây này, Phong Ba tạo hình kết tán rất đẹp nên đã được cán bộ, chiến sỹ và dân đảo trồng theo hàng theo lối để lấy làm bóng mát, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Phóng viên Báo Nghệ An trên đảo Song Tử Tây
Dẫn chúng tôi tham quan hòn đảo xanh cây xanh lá, Thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho hay: Phong ba là loài cây phát triển rất chậm, cây trưởng thành sau 10 năm, chỉ cao 3-4m. Cây có thể tái sinh bằng hạt và chồi, trong thực tế, việc tái sinh tự nhiên cây chỉ diễn ra tại các đảo, còn tại các vùng ven biển hầu như không xảy ra. Những gốc cây phong ba xanh tươi không chỉ góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan môi trường đơn vị mà còn giúp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn luôn ý thức về nhiệm vụ góp phần bảo vệ và xây dựng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Việc gieo trồng, nhân giống bảo vệ các loại cây bóng mát, cây ăn quả, rau xanh đã trở thành phong trào sâu rộng và ý thức tự giác của quân và dân Huyện đảo Trường Sa. Hằng năm, bộ đội đóng quân trên các đảo đã phối hợp cùng các hộ dân tích cực trồng cây xanh, từ các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả từ đất liền mang ra đến các loài cây có sức sống mãnh liệt như phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông. Nhờ đó, các đảo ngày càng xanh, mát.
Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên Đảo Song Tử Tây.
Nơi phía Đông của Đảo Song Tử Tây, bên những hàng cây phong ba là tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vừa mới được dựng nên. Tượng vị Thánh giữ nước, một trong những danh tướng vĩ đại trong lịch sử của nhân loại hướng ra biển cả uy nghiêm, oai phong lẫm liệt mà hòa hợp lạ kỳ với những rặng phong ba. Tượng làm bằng đá xanh Ninh Bình, cao 11 mét, nặng khoảng 30 tấn, đặt trong khuôn viên rộng trên 600 m2. Công trình này được tạc theo mẫu ở Quảng trường Mùng 2 tháng Ba ở Thành phố Nam Định, với kinh phí 6,5 tỷ đồng, là quà tặng của tỉnh Nam Định dành cho Trường Sa. Cùng với bức tượng bằng gốm Chu Đậu đặt tại đảo Trường Sa Lớn, tượng Đức Thánh Trần tại Song Tử Tây khánh thành vào tháng 5/2012…
Tượng tạo hình người anh hùng dân tộc với 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông trong trang phục khăn vấn, áo vải, tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái tì lên đốc kiếm. Phong thái tượng tự nhiên, giản dị toát lên cái thần trí dũng của một vị tướng Việt Nam văn thao võ lược, nhân nghĩa…Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên Đảo Song Tử Tây chia sẻ sự tâm đắc: “Bức tượng đã thể hiện tinh thần của dân tộc Việt Nam rằng dân tộc ta yêu hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, không bao giờ chủ động chiến tranh. Chúng ta cũng luôn vững tin vào việc là không bao giờ phải rút kiếm ra nhưng chúng ta luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Bức tượng đặt ở Trường Sa có ý nghĩa lớn lao về chủ quyền biển đảo. Trong mỗi dịp lễ tết, quân và dân trên đảo vẫn đến tượng đài để chiêm bái, hành hương và nhắc nhủ nhau về tinh thần ấy…”.
Bộ đội luyện tập duyệt đội ngũ
Sóng Biển Đông gợi nhớ Bạch Đằng giang, trong cái mênh mông của biển trời vẫn nghe hư không vọng về âm ba lời truyền đời cho con cháu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Chung chí thành Thành” – tức là ý chí đoàn kết của mọi người dân chính là bức thành để giữ nước; phát huy ý chí, lòng yêu nước trong nhân dân thì sẽ tạo được thành lũy vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. Cháu con hôm nay ở Trường Sa, đất liền đều thấm nhuần lời dạy này.
Trong chuyến về huyện Quỳnh Lưu mới đây, tôi đã được nghe ông Bùi Thái Linh, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Phương nói lên những lời gan ruột đầy trách nhiệm “Mỗi một người ngư dân Việt Nam hôm nay luôn ý thức được mỗi con thuyền ra khơi xa hôm nay đều là một cột mốc biên giới quốc gia trên biển”.
Và hôm nay, tại Cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây, dưới Quốc kỳ vinh quang, đã nghe vang vang 10 lời thề sắt son của những chiến sỹ giữ đảo như tạc vào đất trời, sóng nước Trường Sa: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình độc lập, xã hội chủ nghĩa…Dù gian lao, khó khăn cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng… Xin thề! Xin thề! Xin thề!”…Chúng tôi cũng đã có dịp được nghe bài thơ của chiến sỹ đảo là Nguyễn Văn An vịnh về tượng đài Trần Quốc Tuấn. Lời thơ rằng “Sừng sững hiên ngang một góc trời/ Thánh Trần Hưng Đạo giữa trùng khơi/ Binh Thư Yếu Lược truyền con cháu/ Đoàn kết vua tôi một tấm lòng/ / Diên Hồng bô lão đồng thanh “Đánh”/ Bạch Đằng vùi xác bọn xâm lăng/ Mông Nguyên khiếp đảm ba lần bại/ Đại Việt nghìn năm vẹn cõi bờ/ Thánh Trần Hưng Đạo trên Song Tử/ Uy Nghi Đức Thánh dõi trời Nam/ Che chở quân dân canh giữ đảo/ Xua đuổi quân thù tới Biển Đông”.
"Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương...", lúc này mọi người dân Việt Nam đã bằng cách này hay cách khác thể hiện tấm lòng yêu đất nước, trân trọng từng tấc đất của quê hương. Với các học giả, họ có cách làm riêng của mình là đưa ra những bằng chứng rõ ràng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam: Tiến sĩ Mai Hồng đã trao tặng cho Nhà nước tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Nhà xuất bản Thượng Hải ấn hành năm 1904, cuối đời nhà Thanh, không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Giáo dục văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ đã sưu tầm, công bố 7 tấm bản đồ khác do các nước phương Tây ấn hành từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, trong đó đều vẽ lãnh thổ Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, có hai tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Việt Nam có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xuất bản ở châu Âu từ năm 1736; Gia tộc họ Đặng tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã trao tặng cho Nhà nước những tài liệu quý là những tấm bản đồ, chiếu chỉ, châu phê của các vị Vua nhà Nguyễn, có giá trị lịch sử - văn hóa liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa … |