Đó là việc các sỹ quan biên phòng được điều động về xã tuy đã trải qua cương vị lãnh đạo, quản lý trong quân đội, nhưng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới còn thiếu kinh nghiệm, nhất là kiến thức và kinh nghiệm trong công tác Đảng, về xây dựng, quản lý kinh tế… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ở các xã biên giới nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu; trung tâm một số xã cách xa đồn biên phòng nên việc bố trí ăn ở, đi lại cho đội ngũ cán bộ tăng cường gặp nhiều khó khăn. Chưa kể đến cán bộ tăng cường là người Kinh, không phải ai cũng thông thạo tiếng đồng bào trong khi trên địa bàn có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau, chưa hết tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền… nên việc bám nắm địa bàn, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động gặp không ít trở ngại.
Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù, ở một số địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống vẫn còn nặng tư tưởng cục bộ, địa phương, anh em, dòng họ chưa thực sự mặn mà và đồng tình cao với chủ trương của Tỉnh ủy và Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc bố trí cán bộ BĐBP làm phó bí thư đảng ủy xã vì sợ mất một chức danh biên chế trong hệ thống chức danh của xã. Mặt khác các xã biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An hầu hết thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tuy có chuyển biến, nhưng ở một số địa phương chưa mạnh, chưa vững chắc, nhất là ở các thôn bản. Ví như địa bàn các xã Mường Típ, Mường Ải - những vùng xa trung tâm và là địa bàn khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn về kinh tế - xã hội, năng lực điều hành, trình độ chuyên môn của đội ngũ cấp ủy, chính quyền cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu, thụ động lúng túng trong công việc, thiếu tinh thần cộng sự dẫn đến hiệu quả lãnh đạo, điều hành không cao, thậm chí có lúc yếu kém khiến cán bộ biên phòng tăng cường về cũng khó phát huy.
Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Một số ít đồng chí cán bộ tăng cường trong công tác còn sa vào sự vụ. Việc tham mưu, chỉ đạo có mặt vẫn còn thiếu chiều sâu; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy thuộc phạm vi phụ trách có lúc chưa kịp thời, chưa thực sự chú trọng trong việc tạo nguồn cán bộ địa phương; công tác nắm bắt thông tin và trao đổi tình hình giữa cán bộ BĐBP tăng cường với các đồn biên phòng có lúc chưa thường xuyên, kịp thời, do vậy công tác phối hợp giải quyết, xử lý một số vụ việc ở địa phương hiệu quả chưa cao. Phương pháp công tác của một số ít cán bộ BĐBP tăng cường có lúc còn nguyên tắc, cứng nhắc, chưa nhuần nhuyễn trong xử lý công việc và mối quan hệ trong cấp ủy, chính quyền địa phương nên có lúc chưa tạo được đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ. Một số đảng ủy xã phân công quá nhiều việc không thuộc phạm vi chức trách cho cán bộ tăng cường; một số cán bộ chủ trì của địa phương còn biểu hiện tư tưởng ỷ lại hoặc “khoán trắng” cho cán bộ tăng cường.
Quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng được một số cán bộ biên phòng hiện đang làm phó bí thư đảng ủy ở các xã biên giới bày tỏ: “Khó nhất vẫn là thay đổi tư duy, lề lối, tác phong làm việc bởi một số cán bộ, công chức xã vùng sâu, vùng xa sức ỳ lớn, tính ỷ lại cao, cấp trên giao việc không biết việc cũng không hỏi, không làm được cũng không nói. Công văn trên triển khai về nếu không kiểm tra, giám sát có khi ngâm cả tháng trời không nhớ mà làm, hỏi đến thì đổ trách nhiệm vòng quanh”.
Bên cạnh đó, ở một số địa bàn có cán bộ tăng cường chuyển biến chậm, không có sự khởi sắc còn có nguyên nhân xuất phát từ năng lực, tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ sỹ quan biên phòng chưa cao, chưa chịu khó học tập, nghiên cứu thêm nghiệp vụ công tác Đảng, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức liên quan đến tôn giáo, dân tộc và tích cực bám nắm tình hình cơ sở. Vì vậy, thời gian qua một số địa phương đã đề xuất, kiến nghị luân chuyển, thay vị trí như ở Kỳ Sơn mới đây đã đề nghị luân chuyển 3 đồng chí tăng cường vì không phát huy được vai trò tham mưu hỗ trợ khi về làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới trên địa bàn.
Mặt khác, tại một số địa phương việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với các đồn biên phòng trong nhận xét cán bộ biên phòng tăng cường chưa chặt chẽ; việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ tăng cường có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự ổn định lâu dài. Chính các sỹ quan biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, xóm bản cũng thừa nhận “do tính ổn định không cao, có khi vừa mới kịp nắm bắt thực tiễn, gây dựng đầu mối tại địa phương lại chuyển qua địa bàn khác, nên họ khó bám nắm, gắn kết với cơ sở”.
Tại các vùng đặc thù như chi bộ các thôn, xóm có đông đồng bào theo đạo, nơi số lượng đảng viên ít, thậm chí không có đảng viên tại chỗ, phải sinh hoạt ghép… một số đảng viên biên phòng tăng cường về sinh hoạt chưa được tập huấn những nội dung liên quan đến công tác tôn giáo, không hiểu sâu về lĩnh vực này nên ngại tiếp cận cơ sở cũng như tiếp xúc, đối thoại nhằm tranh thủ vai trò, uy tín của chức sắc, chức việc tiến bộ trong phát triển hội viên, đoàn viên và đảng viên là người theo đạo; ngại làm công tác tuyên truyên vận động đồng bào theo đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo đánh giá của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thì “một số cấp, chỉ huy đồn biên phòng chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của việc thực hiện Thông báo 394-TB/TU nên quá trình triển khai chưa quyết liệt, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp để làm hậu thuẫn cho đội ngũ đảng viên sinh hoạt trong vùng giáo. Sự tác động chi phối bởi các hoạt động của tổ chức giáo hội tại địa bàn vào đội ngũ cán bộ, đảng viên giáo dân cũng ảnh hưởng không nhỏ, gây khó khăn cho việc thể hiện vai trò, nhiệm vụ của đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời ở các chi bộ thôn xóm”. Khó khăn nhất là công tác phát triển đảng. Như ở Chi bộ 3 phường Nghi Tân (TX. Cửa Lò), theo đồng chí Trần Anh Sơn, đảng viên biên phòng tăng cường về sinh hoạt tạm thời thì từ năm 2003 đến năm 2016, chi bộ này không kết nạp được đảng viên mới nào do sự o ép, ngăn cản của một số linh mục cực đoan không cho giáo dân vào đảng và yêu cầu của một số quần chúng khi vào Đảng thường muốn được bố trí sắp xếp công việc ở địa phương trong khi định biên có hạn, không có nhiều vị trí trống để bố trí. Tại xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), năm 2013 cũng kết nạp được 1 đảng viên là người theo đạo. Tuy nhiên, sau khi được kết nạp Đảng không bao lâu, thì dưới nhiều sức ép cùng với gánh nặng về kinh tế gia đình, đồng chí đảng viên này đã xin ra khỏi Đảng. Chi bộ 8, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu năm 2016 cũng có 1 đảng viên phải xin ra khỏi Đảng do chịu nhiều sức ép. Một số chi bộ đã hoàn thành hồ sơ kết nạp Đảng cho quần chúng gốc giáo nhưng do sức ép từ nhiều nên cuối cùng đành phải xin không công bố quyết định...
Ở một số địa bàn, đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời mới dừng lại ở mức độ bám nắm tình hình ở địa phương chứ chưa tham mưu, hỗ trợ được nhiều cho các hoạt động ở các chi bộ thôn xóm. Điều này một phần được thể hiện qua thực tế chuyển biến ở địa phương cũng như qua kiểm tra sổ biên bản, sổ ghi chép của một số chi bộ có đảng viên biên phòng về sinh hoạt tạm thời ở các địa phương Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Cửa Lò… có rất ít, thậm chí có chi bộ gần như không thấy ý kiến của đảng viên biên phòng trong biên bản các kỳ sinh hoạt chi bộ.
Thêm một khó khăn ảnh hưởng đến quá trình công tác của đảng viên biên phòng tăng cường xã và đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời về các thôn bản yếu kém, địa bàn xung yếu, phức tạp, là hiện nay vẫn chưa có một chế độ, chính sách hay nguồn kinh phí riêng nào khác để hỗ trợ cho các đối tượng này. Trong khi đó để hòa mình vào cuộc sống của người dân, cán bộ tăng cường về xã hay sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ đảng thôn xóm phải thực hiện rất nhiều việc không tên. Họ phải là những người ủng hộ đầu tiên trong các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động của chi hội đoàn thể tại địa phương và cũng là khách mời không thể vắng trong các dịp lễ hội, ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới...
Nhiều đồng chí cán bộ tăng cường khi nghỉ hưu còn chịu thiệt thòi, bởi trước khi tăng cường làm phó bí thư đảng ủy cơ sở họ đã giữ chức đồn trưởng, chính trị viên các đồn biên phòng, nhưng khi nghỉ hưu họ chỉ được tính hệ số lương tương đương với đồn phó. Điều này ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của những cán bộ đã và đang thực hiện nhiệm vụ làm “cầu nối” ý Đảng, lòng dân ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
(còn nữa)