(Baonghean) Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có quy định danh mục thuốc bảo vệ (BVTV) trên rau (số 19/2005 QĐ –BNN ngày 24/3/2005). Theo đó, 112 loại thuốc BVTV được sử dụng trên rau. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại vùng rau xã Diễn Thành (Diễn Châu) và xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) và một số vùng rau khác nông dân vẫn sử dụng thuốc BVTV  ngoài danh mục không rõ nguồn gốc khá nhiều. Đây là thực tế đáng báo động đối với các ngành liên quan, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương từ sự lỏng lẻo trong quá trình kiểm tra, giám sát dư lượng hoá chất trên rau...

-->> Xem Bài 1: Cận cảnh rau xanh “tẩm thuốc độc”

Tiếp xúc với bà con trồng rau ở các địa phương trên, nhận thấy hầu hết bà con rất ít được tuyên truyền, tập huấn về sử dụng thuốc BVTV. Vì thế mà nguồn thuốc BVTV và thuốc kích thích trên rau đều được bà con mua trôi nổi ở ngoài thị trường không cần biết là loại thuốc này nguồn gốc xuất xứ ở đâu.

Trong 10 loại thuốc BVTV mà chúng tôi đã kiểm tra được trên các  cánh đồng rau ở Diễn Thành và Quỳnh Lương thì ông Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng thanh tra Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Có 7 loại thuốc trừ sâu nằm ngoài danh mục thuốc BVT của Bộ Nông nghiệp quy định như SHA CHONG SUANG 90 W, ARRIO USA (Mỹ), DUO XIAO MEISU, MI DAN 10 WP, DIAZOL, TA SIEU, REASGANT. Hầu hết các vỏ thuốc này đều nền màu vàng có độ độc ở nhóm II, các loại thuốc này với nồng độ cực nặng và độc, nếu sử dụng không đúng quy định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó là 9 loại phân bón lá (loại phân bón qua lá) chúng tôi thu thập ở trên các cánh đồng rau ở 2 địa phương trên, qua kiểm tra danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp quy định thì có 5 loại nằm ngoài danh mục sử dụng là Đầu Trâu 702, AMINO GREEN, NI MAG, SHAKTI, GRUDELLA. Được biết loại phân bón lá dùng để kích thích các loại rau, củ, quả có chứa chất thiourea rất độc hại, được cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (U.S EPA) xếp vào loại chất độc nhóm B2. Sau khi làm nhiều thí nghiệm trên động vật cơ quan này còn xác định thiourea gây tác hại đến hệ thống máu, làm giảm bạch cầu, tiểu cầu. Dù vậy nhiều năm qua, các loại phân bón lá có chứa thiourea vẫn được bày bán trên thị trường.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng trên 200.000 người bị ung thư. Theo các chuyên gia nông nghiệp thì hiện nay nhiều sản phẩm phân bón lá có chất độc tố nhưng bị giấu nhẹm chất độc; mà chỉ ghi chung chung là khoáng đa trung vi lượng, thành phần hữu cơ… Ví dụ như chất nitrobenzen có trong một số loại phân bón lá, được bà con sử dụng phổ biến ở Đồng Tháp cho các loại cây dưa hấu, rau, cà chua… Nhưng ít ai biết rằng các ngành liên quan qua kiểm nghiệm đã phát hiện nitrobenzen là độc tố gây ung thư, giảm khả năng sinh con, khi tiếp xúc qua da làm bỏng rát, ngộ độc gan, ngộ độc thần kinh, thời gian phân huỷ chất này là 125 ngày. Có thể nói rằng nhiều ruộng rau sử dụng phun khá nhiều đợt phân bón lá để rau mau phát triển, các loại hoá chất độc hại chưa kịp phân huỷ thì bà con đã nhổ rau bán, chất độc từ thuốc trừ sâu cộng với chất độc từ các loại phân bón lá không rõ nguồn gốc sẽ gây tác hại rất lớn đến người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi về thực trạng phun thuốc trừ sâu, phun thuốc kích thích tràn lan trên rau thì các lãnh đạo xã, phòng Nông nghiệp huyện lại hầu hết tự “khen” mình.

786270_small_86848.jpg

Bà con Quỳnh Lương đang thu hoạch hành.

Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành (Diễn Châu) lý giải: Diễn Thành có trên 57 ha rau, xã đang xây dựng rau theo tiêu chuẩn VietGap. Nguồn thuốc BVTV chủ yếu do HTX dịch vụ nông nghiệp của xã cung ứng cho bà con. Xã còn thành lập đoàn đi kiểm tra bà con phun thuốc BVTV. Vậy sao bà con vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích không có trong danh mục được sử dụng của Bộ nông nghiệp? Tôi hỏi. Bà Hương nói: Thì chúng tôi cũng tuyên truyền, tập huấn, nhưng vẫn không thể kiểm tra hết được nên để xảy ra một số trường hợp.

 Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết thêm: Địa bàn tỉnh có 8 huyện trọng điểm trồng rau, khoảng trên 27.000 ha. Tâm lý người trồng rau hiện nay thường thích sử dụng những loại thuốc trừ sâu có độ độc mạnh, phun vào sâu chết liền, và việc sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm. Việc quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV đang còn bị xem nhẹ, chủ yếu do cơ quan BVTV đảm trách.

Trước thực trạng trên, theo ông Đức, chương trình giám sát dư lượng hoá chất trên nông sản cần sự tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con trồng rau, quản lý sử dụng thuốc. Đối với những hộ nông dân trong vùng sản xuất rau an toàn, lập hồ sơ theo dõi, ghi chép quá trình thời gian bón phân, thời gian phun thuốc để quản lý ngay tại cơ sở sản xuất. Đối với nhóm đối tượng là cơ sở, HTX, tổ nhóm sản xuất rau an toàn, nếu có phát hiện dư lượng vượt trên mức cho phép Chi cục BVTV sẽ mời các tổ chức cá nhân thông báo để có biện pháp khắc phục. Nếu các tổ chức trên không chịu hợp tác, không điều chỉnh quy trình sản xuất, Chi cục BVTV sẽ áp dụng xử phạt theo quy định, có thể đề nghị thu hồi giấy chứng nhận về sản xuất rau an toàn.  Đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán rau quả được cung cấp danh sách các nông dân, các vùng sản xuất hàng hoá nông sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Với người tiêu dùng sẽ được cập nhật tin tức về các vùng sản xuất, các loại rau có nguy cơ cao về tồn dư hoá chất thuốc BVTV. Các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác lấy mẫu, phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Việc sử dụng thuốc BVTV và các loại phân bón lá, thuốc kích kích thích tràn lan đang ở mức báo động. Các ngành chức năng ngoài tuyên truyền cho người dân trồng rau cần phổ biến tài liệu về các danh mục thuốc BVTV và phân bón lá kích thích được phép kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp quy định. Các ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc phun thuốc BVTV của bà con trên đồng ruộng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc phun thuốc BVTV tràn lan gây hại đến sức khoẻ con người.


Sông Dinh