(Baonghean) Con số 383/5000 lao động Nghệ An đi Hàn Quốc theo chương trình EPS đến hạn chưa về nước (theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH) chỉ là “phần nổi” của “tảng băng”. Con số thực tế người lao động Nghệ nói riêng và lao động Việt Nam nói chung trốn lại Hàn Quốc ngoài chương trình EPS và số lao động chưa đến hạn về nước nhưng đã trốn ra ngoài làm không theo hợp đồng là rất lớn. Có rất nhiều lý do được người lao động đưa ra để lý giải cho hành vi của mình, và cũng có không ít bài học tiếc nuối, ân hận từ những người bỏ trốn...
-->> Xem Kỳ 1: “Quýt làm, cam chịu”
Theo anh N.V.M (còn gọi là M “trọc”), quê Thị xã Thái Hòa, nguyên là công nhân may làm việc tại Hàn 10 năm về trước, hiện được xem là một“ trùm” về môi giới xuất khẩu lao động Hàn tại T.P Hồ Chí Minh cho hay, anh đã đưa thành công khá nhiều người Nghệ sang lao động tại Hàn, trong đó có những gia đình có tới 7 người cùng sang. Để sang Hàn Quốc “nhanh chóng, thuận tiện” khá nhiều người dân mắc mưu “cò”, vì vậy chi phí đã đội lên tới 150 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng tức là khoảng từ 7.500 - 10.000 USD (trong khi đó chi phí thực theo chương trình EPS là 630 USD, thêm 500 USD đặt cọc sẽ được lấy lại sau này). Như vậy, cái gánh nặng “phải nhanh lấy lại vốn liếng” đã đặt trên vai người lao động ngay từ lúc vừa sang.
Lao động người Nghệ tại một xưởng may ở Seoul. (Ảnh e-mail từ Hàn Quốc).
Theo đánh giá của “trùm” M. thì nhiều lao động bằng mọi giá phải ở lại vì khát vọng đổi đời quá lớn, một người được đi Hàn là cả gia đình dồn hết tâm sức, của cải nên họ không chấp nhận được khi sau 3 đến 5 năm, lúc tay nghề thành thạo, mức lương bắt đầu tăng, “quen với mùi kim chi” và những món ăn Hàn thì lại phải về nước để... đi cày hoặc lại bắt đầu sự nghiệp. Bên cạnh đó, hầu hết người lao động không biết nhiều thông tin trong nước, các chính sách lao động, việc làm chưa đến được với người dân, nên họ không biết trở về sẽ “bước đi như thế nào để làm giàu, phát huy hiệu quả đồng vốn tích cóp được”.
Không ít người cho rằng nếu phải về thì họ hết cơ hội sang Hàn. Còn đối với những lao động “trốn ngay từ khi mới sang” hay lao động chưa hết hợp đồng là trốn, thì cũng do được người thân, đồng hương rủ rê bỏ ra ngoài làm vì đồng lương bên ngoài cao hơn, thích chọn công việc nào thì chọn. Họ thường “đổ lỗi” rằng công việc theo hợp đồng không phù hợp, nhưng thực chất thì họ đã nghĩ đến cái mục đích sẽ nhanh kiếm được tiền hơn vì mức chênh lệch này là khoảng 500-600 USD mỗi tháng. “Tôi cho rằng, cộng với hình ảnh làng quê còn nhiều gian khó, thêm nữa bản chất dân Nghệ mình là rất... liều lĩnh nên họ sẵn sàng trốn ở lại bằng mọi giá. Và như vậy là chuyện “tham bát bỏ mâm” không phải là chuyện lạ đối với lao động Việt ở xứ Hàn”- anh M. chia sẻ.
Anh cũng lý giải cho việc tại sao người Việt lại có cơ hội để ở lại: Hàn Quốc là một đất nước phát triển công nghiệp, rất cần lao động. Dùng lao động “nhập khẩu” vừa rẻ hơn, lại vừa hiệu quả hơn lao động trong nước nên trong nhiều năm qua, phía Hàn đã có những chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài khá thông thoáng, trong đó lao động Việt được đánh giá cao về độ thông minh, nhanh nhạy và độ... chịu khó, chịu khổ. Công nhân Việt, đặc biệt là công nhân Nghệ, có thể làm việc mười mấy giờ một ngày, làm việc cả ngày nghỉ và chấp nhận làm những việc độc hại, việc nặng: từ sản xuất các loại vỏ xe hơi, xe máy đến sản xuất các loại bể tắm, bồn cầu, hay nghề mộc, nghề đi biển.
Có những công việc mà không bao giờ có sự tham gia của người lao động bản xứ như nghề đúc khuôn phải làm việc trong môi trường nóng nực và ô nhiễm. Có thể nói, ở Hàn Quốc, công ăn việc làm là không thiếu, trong khi đồng lương trả cho lao động là khá cao (trên dưới 1000 USD mỗi tháng). Nếu không có người Việt, rất có thể nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì sẽ không kiếm ra lao động. Anh M. ví dụ, có một tập đoàn sản xuất dây điện đã phải lao đao khi cảnh sát lùng bắt những lao động Việt trốn ở lại đang làm việc tại tập đoàn này, vì công việc này chỉ có người Việt làm mới hiệu quả do đòi hỏi người lao động nhanh tay, chịu nóng, làm việc tới 16-18 tiếng mỗi ngày.
Lao động Việt trốn ở lại là lao động đã lành nghề, thuộc tiếng nên họ rất được các chủ doanh nghiệp Hàn ưa chuộng. Hơn nữa, nếu sử dụng lao động bỏ trốn thì chủ sử dụng không phải đóng các loại bảo hiểm, thuế, vì vậy sẽ giảm chi phí, hơn nữa lại có thể làm bất kỳ giờ giấc nào. Như vậy lao động Việt trốn ở lại trong đó có sự ngầm “tiếp tay” của các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc. Anh M. cũng kể tên khá nhiều người bạn, người quen đang ở lại Hàn và rất được “trọng dụng” như Nguyễn Quốc Hùng quê Nghĩa Đàn ở tại Hàn đã 13 năm, Trần Văn Hữu, quê Yên Thành, Võ Văn Luận quê Diễn Châu (sang Hàn theo diện thương mại) đã ở lại 3 năm một cách rất ung dung, vì họ được chủ sử dụng lao động ưu ái do tay nghề giỏi. Bên cạnh đó, cũng không ít cái tên, hoàn cảnh được nhắc đến đầy nỗi ngậm ngùi khi đang phải chịu cảnh trốn chui trốn lủi hay mắc tai nạn khi đang làm việc ngoài hợp đồng...
Võ Sỹ H. (quê Nghi Liên, TP. Vinh, người em họ của anh chàng “vặt lông gà” ở phần 1 bài viết này) là một trong số đó. H bị tai nạn khi làm việc ngoài hợp đồng, đã rơi từ trên mái nhà xuống đất vào năm thứ 4 làm việc tại Hàn. Sau bao nhiêu thời gian chạy chữa, H bây giờ chịu cảnh nằm liệt một chỗ. Chưa vợ, con, lại mang trong mình nỗi mặc cảm lớn lao là người “bỏ đi”, làm khánh kiệt gia đình, H. không chịu tiếp xúc và kể chuyện mình với bất cứ ai...
Câu chuyện cũng dẫn dắt tôi tìm hiểu tới trường hợp của anh Nguyễn Văn Minh 33 tuổi, quê Cửa Lò, sang Hàn cách đây vừa 5 năm. Khi tôi gọi điện sang thì gặp được Huyền (vợ Minh, cách đây hơn 1 năm cũng sang Hàn với chồng bằng con đường... du lịch). Huyền buồn bã cho hay: Anh Minh nằm viện 6 tháng trời sau một tai nạn lao động. Bây giờ em đang làm việc đến cật lực để nuôi chồng đang trong thời gian dưỡng thương”.
Được biết, Minh sang Hàn theo chương trình EPS, làm nghề thủy sản, lương tháng 500-700 USD. Sau khi hết hạn 3 năm, Minh quyết định trốn ở lại đi làm công nhân tự do tại các xưởng khác nhau tại Khu công nghiệp Busan. Minh tính đi làm ngoài như vậy, nếu làm cật lực cũng được khoảng gần 2000 USD mỗi tháng, bỏ ra 500 USD thuê nhà, chi ăn uống cũng khoảng gần thế nữa thì cũng để ra gần 1000 USD dành dụm. Còn Huyền sang đây thời gian đầu ở nhà, nấu ăn cho chồng, sau kiếm thêm việc làm ở các xưởng quanh đó, mỗi tháng cũng có khoảng vài trăm USD nữa. Ai dè đầu năm nay Minh bị tai nạn lao động. Thế là Huyền vừa lo trốn các đợt truy quét của cảnh sát, lại vừa lo đi làm thêm kiếm tiền chăm chồng trong viện. “6 tháng anh Minh nằm viện là 6 tháng em nhịn cả ăn, mặc. Tiền viện phí mà tính tiền Việt thì đã lên tới hơn 100 triệu đồng, chưa kể đi lại, ăn uống, trong khi đó ông chủ thuê lao động chỉ giúp đỡ khoảng 500 USD, nghĩa là chỉ khoảng mươi triệu đồng thôi. Nhưng thế còn may chán, không ít người Nghệ mình bên này làm việc ngoài hợp đồng bị tai nạn gãy cả xương sống, xương cổ, phải về quê luôn, thành người tàn phế mà chả được nhận gì ngoài mấy khoản hỗ trợ cỏn con từ chính sách nhân đạo” - Huyền trải lòng.
Cô cũng cho biết thêm: “Ở Busan này, công nhân Việt lao động bất hợp pháp cũng đông lắm, đếm không xuể. Có người nằm bẹp không xin được việc làm nhiều tháng nay rồi. Em thì có việc làm đấy, nhưng một ngày làm những 13, 14 tiếng cơ”. Hỏi Huyền, vậy thì tính đường mà về chứ? Huyền thở dài: “Bây giờ em cũng không biết tính sao đây. Thì chịu khó một thời gian cho chồng có thể đi lại được đã. Bây giờ em cũng chả mong gì nhiều, cũng nhớ nhà, nhớ con lắm... nhưng không biết là về sẽ làm gì đây?”
Năm nay cũng là năm thứ 12 anh Nguyễn Văn Cường (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) ở lại xứ Hàn. Năm 2000, sau khi bể nợ do làm ăn, buôn bán, anh quyết định đi lao động xuất khẩu và bỏ trốn không làm theo hợp đồng sau khi làm việc được 1 năm. Anh tâm sự: “Đó là một quyết định sai lầm nhất trong đời”. Sự vất vả, nhọc nhằn cộng với những rủi ro mà anh nhìn thấy đã khiến anh không ít lần ân hận. Anh cật lực lắm để bám trụ, làm việc và đã để dành được số vốn kha khá. Bây giờ, anh thuê một căn nhà khá rộng tại Teku để cưu mang khá nhiều người Nghệ cơ nhỡ do trốn ở lại và chưa thể xin được việc làm.
Anh Cường nói: “Nhìn họ, lại nghĩ đến những sai lầm của mình, nhưng không biết khuyên nhủ gì, mà có khuyên thì giờ đã muộn. Tôi cũng muốn về nước lắm, nhiều anh em có tay nghề giỏi, trốn ở lại bây giờ cũng mong về nước để đầu tư làm ăn nhưng lại lo phải mày mò tìm hiểu thị trường. Hơn nữa, nghe nói vay vốn ở Việt Nam rất khó, còn ở bên này nếu muốn mở xưởng, mở công ty thì rất dễ về chính sách. Tôi cam đoan nếu chính sách ở bên ta “mở” hơn, thì sẽ đón được nhiều công nhân có tay nghề giỏi về làm việc tại quê hương”...
Bài 2: Nỗi niềm xứ người từ “tham bát bỏ mâm”
Thùy Vinh