(Baonghean.vn) Theo ông Lê Đình Định - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ, thì nguyên nhân chính làm cho vùng cam Phủ Quỳ năng suất thấp, chất lượng kém dẫn đến trồng cam không hiệu quả, hàng năm thu hẹp dần diện tích là do sâu bệnh, cây thoái hóa. Mấy chục năm nghiên cứu, tôi thống kê riêng cây cam có đến 20 bệnh gây hại. Trong đó có bệnh vàng chồi Grenening là nguy hiểm nhất. Những năm đầu 1990, cam bị đốn hàng loạt vì căn bệnh ấy. Sau này ta có trại ươm giống cam sạch bênh tại Công ty Cây ăn quả 1-5, nhưng giống sạch bệnh trồng trên đất đã ô nhiễm hoặc trong vùng con cây mang mầm bệnh, thìcuối cùng cũng bị lây lan không giải quyết được”.
Ông Doãn Trí Tuệ, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, ông Lê Huy Dũng, Giám đốc Công ty Nông công nghiệp 3-2, và ông Trương Văn Thuận, chủ trang trại ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) đều cho rằng nguyên nhân diện tích cam giảm sút là do nhân dân và nhà quản lý chưa thấy rõ hiệu quả của cây ăn quả trên vùng đất đỏ bazan.
Mô hình trồng bưởi của ông Nguyễn Văn Sát ở Bản Quỳnh 1 xã Châu Bình (Quỳ Châu). Ảnh: Trần Ngọc Lan
Từ đó, không quyết tâm phòng trừ sâu bệnh và khắc phục khó khăn khác để duy trì và phát triển. Ông Tuệ phân tích từ chất đất nói rằng: đất bazan có lớp bột khá dày, mùa hè thì đất xốp, nhưng hễ mưa xuống thì bề mặt vàng mịn, nước ít thấm vào đất. Do vậy, vùng đất này nếu trồng cây rễ ăn cạn như cỏ lai, mía, sắn… sẽ nhanh bạc màu và dẫn đến nghèo kiệt, năng suất thấp. Trái lại, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày là những giống có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất thì cho năng suất cao và do vậy tuổi đời của cây kéo dài, cho hiệu quả cao.
Theo tính toán của bà con, trồng cây ăn quả thì trồng cam hiệu quả gấp 3 lần trồng mía và từ 1 đến 1,4 lầntrồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cây cao su, cà phê. Cá biệt vùng cam ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn), Xuân Thành (Quỳ Hợp) năng suất cam lên tới 25- 30 tấn/ha thì hiệu quả đến tiền tỷ cho mỗi ha. Tuy nhiên, do tình trạng một số vùng cam suy thoái, đầu ra bấp bênh, nên người dân chuyển sang trồng cây khác đầu tư ít công sức và cho thu nhập chắc chắn hơn.
Về bộ cây giống chưa thật sự khoa học và được quan tâm đúng mức. Giống cây ăn quả bây giờ ngoài các công ty tự túc, cung ứng còn lại là giống trôi nổi trên thị trường. Do không rõ nguồn gốc và không ai chịu trách nhiệm với người trồng nên ít người mạo hiểm trồng diện tích lớn. Một vài cây sau 4 năm không có quả hay quả chất lượng kém còn chặt bỏ được chứ hàng ha cam nếu thất bại thì phá sản.
Thiết nghĩ, muốn chocây ăn quả Nghệ An phát triển được như vài ba chục năm trước đây, trước hết phải ngăn ngừa, đi đến giải quyết tận gốc những nguyên nhân vừa kể trên.
Trước hết tỉnh phải chọn cây ăn quả chủ lực của địa phương mình là cây gì? Cam hay dứa? hay chuối? hay tổng hợp các loại cây trái, mỗi thứ mỗi ít? Bởi có xác định được cây chiến lược thì mới có hệ thống dịch vụ thiết thực và đồng bộ (từ cây giống, hệ thống chế biến sản phẩm thu hoạch, học hỏi kỹ thuật và xây dựng vùng chuyên canh đủ để có lô hàng xuất khẩu). Việc chọn lựa cây theo vùng rồi thì đổi mới ngay cách triển khai, duy trì và định hướng tuyên truyền. Hơn nữa, khi đã xác định cây chủ lực rồi thì Nhà nước phải hỗ trợ đầu tư, các công ty, hiệp hội phải gắn bó tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Việc xuất khẩu ra nước ngoài thì kinh tế hộ, kể cả trang trại rất khó tự lo được, mà cần phải có Nhà nước, cần nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây có dự án trồng chuối xuất khẩu ở Yên Thành của nước ngoài đầu tư trực tiếp, đó là nhân tố mới. Làm cho dự án ấy thành công không chỉĐảng bộ và nhân dân Yên Thành mà còn danh dự của tỉnh, để rồi từ đó tạo niềm tin, thu hút nhiều dự án cây ăn quả nữa.
Cấp bách nhất là phát động lại phong trào trồng cây ăn quả để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân nội tỉnh. Để có phong trào kiểu như kinh tế VAC trước đây không khó, bởi xã nào, huyện nào cũng có Hội Người cao tuổi, Hội Làm vườn. Đấy là lực lượng nòng cốt để tạo ra lượng hoa quả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Vấn đề ở đây là nhận thức và công tác an ninh bảo vệ sản xuất.
Có thể nói, tiềm năng đất đai của Nghệ An còn bỏ phí hoặc chưa được khai thác có hiệu quả, diện tích cây ăn quả thì bị thu hẹp; cán bộ lãnh đạo, quản lý nhìn chung còn loay hoay chưa tìm được lối ra; nhân dân thì một bộ phận thờ ơ, một bộ phận khác tiếc nuối, muốn làm mà không xong. Còn người nội trợ thì đặt câu hỏi tại sao hoa quả của tỉnh mình sản suất ít, mà phần lớn đang nhập từ nơi khác về? Tất cả thực tế đó đang đặt câu hỏi và trách nhiệm lênnhững cơ quan quản lý.