(Baonghean) - Lý do tạo nên những xì xào xung quanh các khoản thu đầu mỗi năm học không chỉ từ nhà trường, giáo viên mà cả từ phụ huynh. Do đó, các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và ngay cả các ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực sự đổi mới cách nghĩ, cách làm mới hy vọng lập lại kỷ cương trong việc thu, sử dụng, quản lý các khoản thu, xoá bỏ dư luận về lạm thu mỗi khi vào năm học mới.
Không tiện nói trước cuộc họp cha mẹ học sinh, ông Vũ Hùng, một cựu chiến binh đi họp thay cho cha mẹ của cháu nội đã nán lại cuối buổi để chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm. Ông nói: "Trong cuộc họp cha mẹ học sinh, cô giáo nên dành thời gian bàn việc chăm lo các cháu học tập, rèn luyện, đừng chỉ chăm chăm mỗi việc đóng góp, thu tiền. Riêng việc đóng góp, chúng tôi đều hiểu, nếu tất cả các trường học chỉ sử dụng ngân sách được cấp thôi thì không đủ để duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học. Chính vì vậy mới cần sự đóng góp theo phương thức xã hội hoá. Để phát huy tinh thần tự nguyện của các phụ huynh, nhà trường phải chuẩn bị nội dung họp thật đầy đủ, kỹ lưỡng cho các cô. Trước cuộc họp, theo sự chuẩn bị của nhà trường, cô giáo trình bày để cha mẹ học sinh biết thực trạng cơ sở vật chất của lớp, của trường và dự kiến những gì cần tu sửa, mua sắm, như: nhà vệ sinh còn thiếu, sân trường chưa đủ cây xanh, phòng học bị hư hỏng ảnh hưởng đến sự an toàn của các cháu, phòng học vi tính bị hỏng nhiều máy,... Để khắc phục, nhà trường phải cần đến số tiền như thế này.
Nhưng hiện nay, trong quỹ nhà trường chỉ có chừng này, còn thiếu chừng này, cần sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh... Tôi tin, nếu nhà trường và cô giáo làm được như thế, chắc chắn cha mẹ học sinh sẽ không có nhiều ý kiến như trong các cuộc họp vừa rồi, mà sẽ sẵn sàng chung tay, góp sức. Phụ huynh không đồng thuận vì nhà trường áp đặt một chiều". Lời góp ý của cựu chiến binh đã qua một năm rồi nhưng cô Ngân Hoa, giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2 vẫn còn nhớ như in. Chính những ý kiến chân tình, thẳng thắn ấy đã giúp cô khá thành công trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học này. Mỗi người góp vào một ý, tất cả hợp lại thành giải pháp chung cho từng gia đình đối với việc chăm lo để con cái tiến bộ. Bản thân cô cũng thay mặt nhà trường cam kết những việc sẽ làm để học sinh của lớp vươn lên. Còn việc đóng góp thì ai cũng sẵn sàng, không ai cảm thấy mình bị ép buộc.
Cô giáo Trần Thị Mai Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Vĩnh, cho biết: "Hai năm qua, nhà trường được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và được cha mẹ học sinh tin tưởng gửi con vào học nhiều hơn. Chính vì vậy, chúng tôi càng cố gắng tạo môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi với học sinh. Nhà trường hợp đồng mua sắm thêm thiết bị, như quạt, đèn chiếu sáng, trang trí đồng loạt cho cả 5 khối lớp theo đúng tiêu chuẩn của một lớp học. Trong cuộc họp cha mẹ học sinh, chúng tôi thông báo công khai các khoản thu chi năm trước. Sau khi thống nhất các hạng mục cần đầu tư, mọi người tự nguyện đóng góp, ai ủng hộ bao nhiêu, dù ít, dù nhiều cũng đều được trân trọng. Danh sách cha mẹ học sinh đăng ký ủng hộ được giáo viên chủ nhiệm lớp đưa về nạp cho Ban giám hiệu, Ban giám hiệu chuyển cho thủ quỹ căn cứ vào đó để thu vào đầu tháng. Việc nạp tiền không nhất thiết nạp một lần mà có thể chia ra nạp nhiều lần, tuỳ theo điều kiện của từng người. Sau khi nạp xong, nhà trường gửi cha mẹ học sinh Giấy chứng nhận Tấm lòng vàng".
Còn cô giáo Ngô Hương, Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) cho rằng: "Đã là giáo viên thì phải có cái uy khi đứng trên bục giảng. Nghề giáo là một nghề rất đặc thù, khi mà cái uy không còn thì làm sao học sinh và cha mẹ học sinh tôn trọng. Nếu giáo viên tự ti với bản thân mình thì làm sao có uy với học sinh". Việc nộp tiền cho thủ quỹ hay giáo viên chủ nhiệm được nhiều hiệu trưởng xem là chuyện nhỏ, ai làm cũng được, miễn là thu nhanh. Song, để hạn chế những khúc mắc không đáng có, làm ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên, hiện nay, không ít trường đã không để giáo viên phải bận tậm vì chuyện thu tiền thay cho thủ quỹ.
Trường học nào cũng thế, rất cần tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu" của ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp, của cả trường. Ban đại diện phải thực sự là những người do chính cha mẹ học sinh tự bầu ra và làm việc công tâm vì quyền lợi chung của học sinh. Để làm được điều đó, nhà trường phải hướng cho ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động đúng với điều lệ đã được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, đồng thời chấm dứt ngay tình trạng lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh, thông qua ban đại diện để áp đặt cha mẹ học sinh tự nguyện, để đặt ra các khoản thu vô lý vì như thế chỉ làm mất uy tín nhà trường chứ không thể làm cho trường mạnh lên.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, thiết nghĩ các cấp quản lý có liên quan, nhất là các cấp quản lý giáo dục cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời uốn nắn sai phạm, kiên quyết xử lý các đơn vị và cá nhân cố tình làm trái. Bà Hoàng Thị Lê Dung, Phó Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn thừa nhận: Theo nguyên tắc tài chính, mọi khoản thu của những đơn vị sự nghiệp công lập đều phải gửi vào tài khoản của đơn vị tại Kho bạc và mỗi lần lấy ra cũng phải được kiểm soát. Nhưng thực tế hiện nay, ngành Tài chính và Kho bạc không kiểm soát nổi, bởi vẫn có nhiều trường thu được bao nhiêu đều để lại ở quỹ để chi chứ không gửi vào Kho bạc. Khi kiểm tra thì đã được hợp thức hóa rồi nên đành chịu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận khi trả lời báo chí đầu năm học mới đã nói: "Việc chống lạm thu trong nhà trường không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương. Đối với những khoản được coi là lạm thu, nhà trường không thể thu nếu không được phụ huynh đồng tình". Thiết nghĩ, để các khoản thu trong nhà trường có sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh, các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và ngay cả các ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực sự đổi mới cách nghĩ, cách làm về vấn đề này. Có như thế thì mới hy vọng lập lại kỷ cương trong việc thu, sử dụng, quản lý các khoản thu.
Bài 2: Để có sự đồng thuận
Thảo Nhi