(Baonghean) - Tâm lý sính bằng cấp, quan niệm học đại học (ĐH) thì mới "danh giá", hoặc chí ít cũng phải hoàn thành chương trình cao đẳng (CĐ) đã dẫn tới tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" hiện nay. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm theo đúng ngành đã học, tốt nghiệp ĐH làm việc của trung cấp...
 
Theo thống kê từ Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, hiện nay, có 162.000 lao động đang làm việc tại các 15 Khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, nhưng chỉ 20% trong số này đã qua đào tạo nghề. Nhiều doanh nghiệp trong các khu vực này đã từ chối thẳng những kỹ sư mà trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu đến, vì họ chỉ cần công nhân kỹ thuật hoặc lao động phổ thông cho công việc sản xuất của mình. Em Nguyễn Xuân Tình quê ở Thanh Chương, tốt nghiệp CĐ Kế toán ở Hà Nội ra. Sau gần 1 năm chờ việc, khi Tổng công ty Công trình Giao thông IV tuyển dụng công nhân, em nộp hồ sơ xin vào làm nhưng vẫn không thấy hồi âm. Liên lạc với nhà tuyển dụng thì nhận được câu trả lời "Chỉ tuyển lao động có trình độ trung cấp nghề". Rút kinh nghiệm cho những lần sau, Tình cho biết: "Ngành học của em bây giờ khó kiếm việc quá. Chọn nghề đúng ngành đã học thì chắc không còn cơ hội, còn xin đi làm công nhân xem ra cũng khá khó khăn. Bởi các nhà tuyển dụng không cần bằng cấp, chỉ cần lao động có tay nghề. Rút kinh nghiệm cho những lần sau, em chỉ nộp hồ sơ và ghi là lao động phổ thông thôi...". Trường hợp như Tình không phải là hiếm. Có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ đành "bó gối" chờ việc, hoặc xin được việc nhưng chẳng liên quan gì đến ngành nghề mình đã học. Chẳng hạn như tốt nghiệp Ngoại ngữ ra đi làm kế toán, học ngành Quản trị kinh doanh ra lại làm công nhân kỹ thuật... Khi đã xin được việc không đúng ngành học, do đòi hỏi chuẩn bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ, nên lại phải học thêm văn bằng 2, văn bằng 3... vừa lãng phí thời gian, tiền bạc và mất đi nhiều cơ hội việc làm.

768657_small_66409.jpg
 Tiết học thực hành tại Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp TP. Vinh.

Gần đây, do thị hiếu xã hội, các thí sinh đổ xô thi vào khối ngành kinh tế, do đó khối ngành: Xây dựng, Nông-lâm-ngư thiếu hụt nguồn nhân lực. Đơn cử như khoa Nông-lâm-ngư Trường ĐH Vinh năm 2011 có 185 sinh viên tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng ngay trong lễ bế giảng. GS Trần Ngọc Lân, Chủ nhiệm khoa Nông-lâm-ngư Trường ĐH Vinh, cho biết: "Hiện nay, khoa đang nhận được rất nhiều yêu cầu đào tạo nhân lực từ các công ty, doanh nghiệp có tiếng như: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty giống cây trồng Nông Hữu; Công ty cổ phần nuôi trồng thuỷ sản Việt Ba; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Steria Á Châu... Nhưng, chỉ tiêu tuyển sinhcủa khoa ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà tuyển dụng...".

Đặc biệt, trong khi các trường ĐH, CĐ "quá tải" vì ế hồ sơ tuyển sinh, thì các trường nghề lại rơi vào cảnh "đìu hiu", không có người theo học. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 3 trường CĐ nghề, 10 trường trung cấp nghề và 1 trường ĐH, 2 trường CĐ, 4 trường TCCN có tham gia dạy nghề và kế hoạch tuyển sinh năm 2011 mà Sở LĐTB&XH đưa ra là: CĐ Nghề: 4.400 chỉ tiêu; Trung cấp Nghề: 5.945 chỉ tiêu. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu đó là hết sức khó khăn, các trường phải loay hoay tìm đủ cách để hút thí sinh. Trong lúc đó, tỷ lệ học sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề có việc làm ngay chiếm khoảng 85-90%. Hiện cả nước có 240.000 doanh nghiệp, số lao động qua đào tạo nghề đang thiếu tại các doanh nghiệp khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu người/năm. Anh Nguyễn Hữu Thân, Giám đốc Công ty TNHH Đức Thân, cho biết: "Công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, thầu các công trình xây dựng, vận tải. Trung bình mỗi năm tuyển từ 20-30 lao động có trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề: điện, hàn, sửa chữa máy... nhưng rất khó tuyển. Cũng có nhiều hồ sơ tuyển dụng có trình độ ĐH, CĐ nhưng lại không phù hợp với nghề mà công ty cần, vả lại chúng tôi cũng không đủ khả năng chi trả cho những người có bằng cấp cao..."

Chọn nghề không chỉ liên quan đến sở thích mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như năng lực, phẩm chất, cá tính... Nếu những yếu tố đó không kết nối được với nhau thì việc chọn nghề, hướng nghiệp sai sẽ gây hậu quả lớn - lãng phí công sức, tiền của. Trên thực tế có một số sinh viên học đại học năm thứ nhất, thứ hai đã bỏ học vì không biết ra trường mình sẽ làm gì, một số khác thì chọn con đường thi lại, học thêm một bằng kỹ sư, cử nhân khác.

Dù biết rằng đại học là một mốc quan trọng trong sự nghiệp học hành của mỗi bạn trẻ, thế nhưng để đại học trở thành gánh nặng và áp lực cho bản thân thì đó là điều không nên, bởi còn có rất nhiều cánh cửa khác bước vào đời đang rộng mở và giúp bạn trưởng thành nhanh hơn.

Theo điều tra xã hội học cho thấy: 90% thanh niên tốt nghiệp THPT có nguyện vọng học đại học, cao đẳng, 70% thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp muốn làm việc trong khu vực Nhà nước; 50% muốn làm việc ở thành phố lớn, chỉ có 8% thanh niên muốn làm việc ở nông thôn. Sự lệch pha trong đào tạo và tuyển dụng, đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay.


Duy Nam