(Baonghean) - Năm học 2011-2012, ngành Giáo dục tiến hành chuyển đổi loại hình trường mầm non. Theo đó, 12 trường của Thành phố Vinh và Trường Mầm non Hoa Sen (trực thuộc Sở GD&ĐT Nghệ An) được chuyển thành trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động và các trường này đã tiến hành thu học phí với mức tối đa 540.000 đồng/tháng (cao gấp đôi trước đây). Xung quanh vấn đề này đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trong dư luận xã hội.
 
Chị Nguyễn Hải Yến có con mới chuyển từ trường tư thục sang trường công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động phát hoảng: "Hôm đầu tiên đưa con đến lớp, tôi thật sự "choáng" khi thấy trong lớp có khoảng 50 cháu mà chỉ có 3 cô giáo. "Chia" theo đầu người thì mỗi cô phải phụ trách khoảng 17 cháu, như thế thì làm sao cô có thể quan tâm đến từng cháu được. Con nhà tôi bị ướt hết một bên quần nhưng cô cũng không hề biết, cháu cứ thế mặc quần ướt cho đến khi được mẹ đón".
 
Trường Mầm non Hà Huy Tập là một trong tổng số 12 trường mầm non của Thành phố Vinh được chuyển sang mô hình trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động kể từ năm học mới 2011-2012 này. Với cơ sở vật chất, thiết bị khang trang, hiện đại - đây là một lợi thế của nhà trường trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, cũng vì có cơ sở vật chất tốt cộng với đội ngũ được đánh giá cao trong công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ nên trường thường xuyên nằm trong tình trạng "quá tải". Các lớp học từ nhà trẻ đến mẫu giáo đều phải chịu áp lực về sĩ số vượt so với quy định của Bộ GD&ĐT đối với trường Mầm non đạt Chuẩn Quốc gia. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường Mầm non trên địa bàn Thành phố Vinh.

768658_small_66410.jpg
 Giờ tập vẽ của các cháu ở Trường Mầm non Hưng Bình (Tp.Vinh).

Cô giáo Phạm Thị Bảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Huy Tập, cho biết: "Hiện chúng tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi loại hình trường, nhất là sự quá tải về học sinh. Nhưng nhà trường cũng chưa có giải pháp gì để khắc phục".
 
Là trường mầm non trọng điểm của thành phố và của tỉnh nên Trường Mầm non Quang Trung 2 có rất nhiều thuận lợi khi chuyển sang mô hình công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Mặc dù có khuôn viên sạch-đẹp, diện tích rộng, nhưng tất cả các phòng học của trường đều xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước nên bị xuống cấp.
 
Thậm chí, có những trường Mầm non nằm ngay trung tâm thành phố như Trường Mầm non Cửa Nam, không chỉ cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp, trường còn phải dùng chung địa điểm với Nhà văn hóa phường, trẻ ở 2 khối 13 và 14 còn phải học nhờ ở hội quán của khối từ nhiều năm nay. Cô giáo Nguyễn Thị Thoa, Hiệu trưởng nhà trường, thở dài: "Vậy thì làm sao có thể nói đến việc chuyển đổi để thực hiện chương trình chất lương cao".
 
Với 16 trường mầm non đạt Chuẩn Quốc gia, 9 trường đã được thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng, trong đó có 4 trường sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới 2011-2012 - có thể thấy giáo dục mầm non thành phố được các cấp chính quyền rất quan tâm đầu tư. Và, việc chuyển đổi lần này là nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo duc. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động sẽ kéo theo việc tăng những khoản thu đối với học sinh. Cụ thể, 12 trường mầm non bán công chuyển sang công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động với mức tăng học phí hơn gấp đôi so với mức cũ theo QĐ 87 của UBND tỉnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh mong muốn, khi học phí tăng cao hơn và trường thực hiện chương trình chất lượng cao thì con em họ phải được học tập trong môi trường giáo dục đúng nghĩa "chất lượng cao", không phải chịu áp lực quá tải về sĩ số, không phải học trong những phòng học xuống cấp, tạm bợ, thiếu diện tích, sân chơi,...
 
Chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp học mầm non trong năm học mới 2011-2012. Theo đó, 37 trường mầm non bán công khu vực 2 miền núi được chuyển thành trường công lập; 296 trường mầm non bán công, Trường Mầm non Nghi Phú và Trường Mầm non Làng Sen chuyển thành trường công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động; 16 trường mầm non công lập trọng điểm và 20 trường mầm non bán công khác có điều kiện chuyển thành trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động (trong 36 trường đó, Vinh có 13 trường; Thái Hoà 3 trường; Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn, mỗi nơi 2 trường; Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, mỗi nơi có 1 trường). Sự chuyển đổi này là đúng Luật Giáo dục và không nằm ngoài mục đích tạo sự ổn định, phát triển cho giáo dục mầm non. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản tránh hình thức.


Thảo Nhi