LTS:Xóm làng Nghi Phương sau “cơn bão” do một số giáo dân quá khích ở Giáo xứ Mỹ Yên gây ra, đang dần trở lại yên bình. Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội và cán bộ, nhân dân Nghi Phương đang nỗ lực tập trung triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động xã hội giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Thế nhưng, Giám mục Nguyễn Thái Hợp và một số linh mục vẫn cố tình “đổ dầu vào lửa” bằng cách, ra Thông báo số 09/13-TG ngày 6/10/2013 với những lời lẽ kích động “bao lâu các nạn nhân bị đánh đập chưa được bình phục hoàn toàn và hai người bị bắt giữ chưa được trả tự do, tất cả các giáo xứ tiếp tục dâng Thánh lễ, tổ chức những buổi cầu nguyện sốt sắng thật sự có chiều sâu tâm linh để cầu nguyện cho họ và cho giáo phận như Thư chung đức cha giáo phận đã công bố ngày 6/9/2013”. Sau thông báo trên, trang web giáo phận Vinh tràn ngập các hình ảnh và những lời lẽ kích động “Thời gian chưa đủ để vết thương được chữa lành, và vết thương vẫn còn tiếp tục rỉ máu bởi cách hành xử bất công và tàn bạo của cỗ máy cầm quyền đã dùng bạo lực, chiêu bài gian dối, xảo trá... trước những người dân lành vô tội...”; “Hai người bị bắt giữ bất công vẫn chưa được trở về với gia đình. Giáo phận Vinh tiếp tục kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em đồng đạo...”.
Trước sự việc trên, Báo Nghệ An tiếp tục quay lại Nghi Phương, đến những nơi đã xẩy ra các vụ việc hỗn loạn vào các ngày 22/5, 30/8, 3 và 4/9 năm 2013, gặp gỡ các nhân chứng để làm rõ thêm về sự việc một số giáo dân gây hỗn loạn ở Giáo xứ Mỹ Yên, nhất là về sự thật việc gây rối, phá hoại tài sản, đánh và giữ người vào tối 22/5/2013 liên quan đến hai bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải...
Bài 1: SÓNG GIÓ ĐI QUA, XÓT XA Ở LẠI…
Trong sâu thẳm ký ức của mỗi người dân cả lương và giáo, dường như vẫn còn đó cơn bão lòng chưa tan…
Giông bão nổi lên
Cơn bão khởi phát vào tối ngày 22 tháng 5 năm 2013. Nhiều người còn nhớ như in hôm đó, tại nhà thờ Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên, xã Nghi Phương Nghi Lộc, linh mục Đặng Hữu Nam (quản xứ Bình Thuận - xã Nghi Thuận, Nghi Lộc) tổ chức lễ hiệp thông, cầu nguyện trái pháp luật cho 8/14 bị cáo trong vụ án Hồ Đức Hòa và đồng bọn phạm tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân sẽ bị Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm tại TP. Vinh vào ngày hôm sau (23/5/2013). Trước tình hình đó, nhận nhiệm vụ được giao, 3 chiến sỹ công an huyện Nghi Lộc gồm: Trần Văn Nhung, Nguyễn Quốc Nhàn - cán bộ an ninh, phụ trách địa bàn xã Nghi Phương và Nguyễn Văn Tiến - sinh viên thực tập Trường Trung cấp An ninh về nắm tình hình tại xã Nghi Phương. Tuy nhiên, khi đang đi trên đường, các chiến sỹ công an đã bị một số giáo dân chặn đánh, sau đó còn đưa về Nhà văn hóa xóm 13, xã Nghi Phương giữ trái pháp luật trong nhiều giờ. Trong lúc bị giữ, họ còn bị ép ký vào cái gọi là biên bản với nội dung vu khống: công an chặn đường, ngăn cản giáo dân đi lễ.
Theo lời kể của một số người dân, tối hôm đó, hàng trăm giáo dân đã dùng ống típ nước, gậy gộc, côn, đánh đập dã man 3 chiến sỹ công an. Chưa hết, số người quá khích còn bao vây nhà anh Đậu Văn Sơn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nghi Phương (Nghi Lộc) ở tại xóm 10 (cách Nhà thờ Trại Gáo - Nghi Phương khoảng 400m). Đám đông không ngừng chửi bới, đe dọa tính mạng, dùng gạch đá ném vào nhà, dùng xăng đốt, đập phá làm hư hỏng nhiều tài sản, ước tính hàng trăm triệu đồng. Trong đó, hai đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đều là những người quen của gia đình anh Sơn và cán bộ công an phụ trách địa bàn xã Nghi Phương Trần Văn Nhung. Thậm chí Hải còn là hàng xóm ngay gần nhà của anh Sơn, đã buông lời kích động, xúi giục đám đông “bắt được thì đập chết đi”.
Trong nhà lúc ấy có vợ con anh Sơn và một bà hàng xóm sang chơi. Suốt 6 tiếng đồng hồ trong khi đám đông gào thét, đập phá thì phụ nữ, trẻ em, người già trong nhà sợ hãi ôm nhau nép sau cánh cửa. Trước sự hung hãn của đám đông quá khích, nhiều người dân sống quanh khu vực nhà anh Sơn chỉ biết cầu nguyện, lo lắng trong bất lực, xót xa. Bạn bè, gia đình anh Sơn sống ở các xóm, xã quanh khu vực nóng ruột, muốn vào can ngăn, nhưng lại sợ “trúng kế” ly gián giáo - lương của những kẻ xấu. Mục tiêu của chúng là tạo cớ để gây nên những xung đột, mâu thuẫn không đáng có, làm phức tạp thêm tình hình an ninh trật tự và thâm độc hơn là nhằm chia rẽ mối đoàn kết lương - giáo, nên họ đành nén lòng “chờ đợi” sự thức tỉnh, hồi tâm của những người láng giềng nhẹ dạ, cả tin đang bị kích động mà có những hành động mù quáng, cạn tình, cạn nghĩa.
Cũng từ đó, liên tiếp giông bão đã nổi lên ở vùng quê thuần nông có dòng sông Phương Tích hiền hòa uốn mình ôm lấy xóm làng, đồng ruộng, có xóm đạo êm đềm dựa lưng vào ngọn đồi thông vốn dĩ từ xưa đến nay rất yên bình. Xã có 16 xóm thì có 7 xóm công giáo toàn tòng, 4 xóm giáo dân sống xen với lương dân. Trước đêm giông bão 22/5/2013, tất thảy mọi người nơi đây luôn sống chan hòa, đoàn kết, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, đồng bào giáo dân, chiếm 54% dân số xã, luôn tâm niệm: “sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu Nước” theo đúng đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Bà con lương dân cũng đồng thời là những người hàng xóm thân thiết của những người có đạo. Trong không gian văn hóa làng xã, mọi giá trị của cuộc sống luôn được vun đắp và phát triển hài hòa. Thế nhưng chỉ vì sự kích động, giật dây của những kẻ có mưu đồ xấu, không chỉ sự bình yên của làng quê Nghi Phương bị phá vỡ, mà còn làm mai một, sứt mẻ tình làng, nghĩa xóm vốn tốt đẹp của người dân nơi đây. Để rồi, kẻ thì phải vào tù, người thì phải cùng cả gia đình chuyển chỗ ở đi nơi khác và biết bao hệ lụy đã xảy ra sau đó.
Những ngày trong trại tạm giam, suy nghĩ về hành động của mình, đối tượng Ngô Văn Hải đã bày tỏ sự ân hận, day dứt: “Tôi đã nhắn vợ sang xin lỗi gia đình anh Sơn rồi, cùng là người làng cả, có gì bỏ qua cho nhau…”. Giá mà Hải nhận thức được điều này ngay từ đầu, thì mọi chuyện đáng tiếc như ngày hôm nay đã không xảy ra.
Xót xa nỗi nhớ
Chúng tôi đã về thăm lại ngôi nhà cũ của gia đình anh Sơn ở xóm 10. Trước ngày 22 tháng 5 năm 2013, trong ngôi nhà này, gia đình anh Đậu Văn Sơn đã có một cuộc sống bình an, yên ấm giữa cộng đồng. Với nghề bốc thuốc Đông y gia truyền qua nhiều thế hệ, đại gia đình anh Sơn đã góp phần cứu chữa nhiều cuộc đời vượt qua bạo bệnh. Những tưởng cuộc sống thanh bình, tràn đầy tình nghĩa như thế sẽ mãi trôi đi theo thời gian… Nào ngờ, nay tất cả đã trở thành quá khứ. Trong ngôi nhà từng là tổ ấm của gia đình anh Sơn hơn 6 năm qua giữa xóm đạo bình yên nay đã có hộ dân khác chuyển đến sinh sống, song vẫn còn đó những hình ảnh, dấu vết của ngày tháng chưa xa, làm tổn thương đến cả tâm lý, tinh thần, tình cảm và nghĩa xóm giềng. Còn gia đình anh Sơn, từ nhiều ngày nay đã chuyển về sinh sống với bố mẹ ở làng Phương Tích. Ngoài công việc của một công chức hàng ngày, anh cùng bố mẹ vẫn gắn bó với nghề Đông y gia truyền để chữa bệnh cứu người và làm hơn một mẫu rưỡi ruộng...
Anh Sơn đã vô cùng xót xa khi kể lại cho chúng tôi nghe về những chuyện đã xẩy ra trong thời gian vừa qua. Chiều hôm ấy (22/5/2013) anh còn ra đồng gặt lúa giúp bố mẹ, trò chuyện vui vẻ với bà con xóm làng. Vậy mà tối hôm đó, giông bão đã bất ngờ ập đến ngôi nhà nhỏ của gia đình anh ở xóm đạo vốn có cuộc sống rất chan hòa, hồn hậu. Dẫu đồ đạc bị đập phá tan hoang, tài sản có bị hư hại đến thế nào rồi người cũng sẽ làm ra của cải. Nhưng điều làm anh Sơn buồn và chua xót vô cùng là sau đó (vào trưa ngày 30/8) một số bà con đã thiếu bình tĩnh, kéo lên trụ sở UBND xã Nghi Phương và kéo anh ra sân, phơi hơn một giờ đồng hồ giữa trưa hè chang chang nắng. Anh vẫn nhớ những lần họ kéo đến uy hiếp, đập phá nhà và đưa anh ra phơi nắng với những lời hô hoán “thằng Sơn lên phá nhà thờ”, “chính thằng Sơn đã theo dõi hoạt động của nhà thờ để báo công an”, “đánh chết nó đi”.... Vậy nhưng, anh không hề oán hận những người bà con, xóm giềng chân chất, hiền lành như cây lúa, củ khoai quê mình. Còn người vợ trẻ của anh cũng không một lời oán trách mà chỉ mong muốn “bà con giáo dân sẽ hiểu ra và sống vui vẻ, hòa thuận, để sớm ổn định sản xuất và đời sống” ...
Trò chuyện với vợ chồng anh Sơn, chúng tôi cảm nhận trong lòng họ trĩu nặng, chất chứa nỗi buồn, xen lẫn sự xót xa, vì cái tình, cái nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau” nơi làng quê đã bao năm gắn bó, đắp bồi, phút chốc bị chia cắt, hàng xóm láng giềng bỗng nhìn nhau như người dưng. Chúng tôi đọc được nỗi nhớ da diết tận trong thẳm sâu đáy mắt của họ về những ngày tháng chan hòa, bình yên tràn đầy nghĩa xóm, tình làng. Những đứa con thơ dại mới lên 3, lên 5 của vợ chồng anh Sơn cũng dáo dác, ngác ngơ không được nhanh nhẹn như những ngày còn ở nhà cũ (nơi xóm 10). Chắc những khuôn mặt thân quen, những nụ cười, giọng nói quen thuộc của các anh chị, cô bác, ông bà nơi xóm cũ vẫn còn hằn in trong trí nhớ non nớt của 2 trẻ. Mong mỏi được về lại ngôi nhà xưa cũ, nhớ xóm giềng, bờ ao, bụi chuối, con ngõ nhỏ... là nỗi khắc khoải, da diết mà chúng tôi cảm nhận được trong suốt thời gian lưu lại cùng gia đình anh Sơn ở nhà bố mẹ đẻ của anh nơi làng Phương Tích.
Vì đâu nên nỗi?
Tôi có một người bạn được sinh ra và trải qua tuổi thơ êm đềm ở Nghi Phương, nhà bạn chỉ cách Nhà thờ Trại Gáo hơn 300m. Bạn kể rằng cũng giống gia đình anh Đậu Văn Sơn, gia đình bạn là lương dân, sống lọt thỏm giữa xóm đạo toàn tòng, nhưng vẫn đậm nghĩa “tối lửa tắt đèn” suốt mấy chục năm. Năm bạn lên mười, cả nhà chuyển vào Thành phố Vinh. Ngày chia tay, những người bạn chung học suốt tuổi thơ và nhiều xóm giềng của xứ đạo hiền lành chân chất đã theo tiễn gia đình bạn đến tận chân cầu Phương Tích mới quay về. Năm nào cha bạn cũng đưa cả nhà về thăm quê xưa. Ngược lại, vào những ngày lễ trọng, những người dân ở Linh địa Trại Gáo thường mời gia đình bạn về chung vui. “Họ gắn bó với gia đình tôi bằng thứ tình cảm chân chất, sâu đậm nghĩa tình quê hương bản quán, không hề phân biệt giáo hay lương.
Dù đã đi khắp mọi miền đất nước, tiếng chuông bình yên nơi xóm đạo năm nào vẫn là điều tôi thường hay nghĩ đến” - bạn tôi đã kể với giọng đầy tự hào xen lẫn nuối tiếc khi trở lại Nghi Phương sau những việc vi phạm pháp luật dồn dập xảy ra. Chưa hết, bạn còn kể, cũng là khung cảnh quen thuộc ấy, vẫn là những người hàng xóm thân thiết ấy, nhưng bạn tôi lại có cảm giác mình đã trở thành người “lạ”, bởi lời chào dè dặt của những người thân quen và mỗi bước chân đi đều có rất nhiều cặp mắt dõi nhìn. Bạn không hiểu vì sao, điều gì đã làm cho những giáo dân xóm đạo hiền lành, chất phác này trở nên xa lạ và cảnh giác ngay cả với hàng xóm, láng giềng của mình? Chỉ đến khi rời họ đạo Trại Gáo đến nhà thờ Giáo xứ Mỹ Yên, bị ba thanh niên mặt mũi bặm trợn vây lấy, giữ lại.
Dù đã hết lời giải thích nhưng bạn tôi vẫn bị họ đấm đá xây xẩm mặt mày. Rất may, có người nhận là biết gia đình bạn tôi, nên bạn tôi mới được thả về. Bạn tâm sự, đã có cảm giác đau đớn vô cùng trên suốt chặng đường về, không phải do những vết bầm tím trên thân thể mà là sự tổn thương về tinh thần với vết thương lòng như muối xát “đang bước chân trên chính đồng đất quê nhà, mà sao tôi lại cồn cào da diết nỗi nhớ quê hương! Xóm làng của tôi đâu rồi!? Tiếng chim đa đa bắt tép trên những cánh đồng, tiếng chuông xóm đạo bình yên ngân nga trong những chiều đong đầy gió bỗng chốc không còn. Quê tôi vì đâu nên nỗi?”. Những câu hỏi đắng lòng và những giọt nước mắt tức tưởi của bạn khiến chúng tôi cảm thấy ngậm ngùi, xót xa.
Hàng loạt các vụ việc bao vây, gây rối, phá hoại tài sản công dân, giữ người trái pháp luật của các giáo dân quá khích đã hình thành nên một khoảng cách, một rào chắn vô hình giữa những người dân lương và giáo ở Nghi Phương. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người thắc mắc cán bộ xóm hay xã đều là công bộc của dân, do chính dân bầu ra, hơn nữa đều là người trong làng, xã cả, vì lẽ gì mà hành xử với nhau như thế? Ai đã khiến hàng xóm, láng giềng nơi đây phải nhìn nhau nghi ngại, dè dặt, gặp nhau hàng ngày mà ngoảnh mặt làm ngơ như người xa lạ nơi đâu. Tại trụ sở UBND xã Nghi Phương, mọi công việc đã đi vào ổn định, nhưng trên gương mặt của ông Nguyễn Trọng Tạo - Chủ tịch UBND xã vẫn ẩn chứa nỗi buồn khó giấu “giáo hay lương cũng đều là người dân mình cả, mọi việc đáng lẽ ra không đến nỗi phức tạp như thế, chẳng qua, người dân cũng chỉ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, xúi giục mà ra…”, ông Tạo giãi bày.
Sau những “giông bão” do các giáo dân quá khích gây ra, Nghi Phương nay đã trở lại nhịp sống bình thường. Trên những cánh đồng sau ngày mưa lụt, bà con nông dân đang hối hả làm vụ đông, các em thơ với khăn quàng đỏ trên vai, ríu rít trên các nẻo đường đến trường, tiếng chuông xóm đạo vẫn ngân nga đều đặn mỗi chiều… nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ: giông bão đi qua đã để lại những vết thương lòng khó nguôi ngoai…
Nhóm Phóng viên