(Baonghean) - Việc khai trương đường bay thẳng quốc tế Vinh - Viêng Chăn vào đầu năm 2014 có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, phát triển du lịch giữa các tỉnh của Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan với các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam. Riêng với Nghệ An, từ đường bay này, tỉnh sẽ có cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực và là cơ sở để mở thêm các đường bay đến các quốc gia khác trong khu vực, tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch…
 
Trong những năm qua, cùng với xu hướng phát triển, giao lưu hợp tác trong khu vực, nhu cầu đi lại của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ đến Lào, Thái Lan và ngược lại khá cao. Theo thống kê, mỗi năm có 160.000 – 180.000 lượt khách từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Viêng Chăn, qua các Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm Cắn (Nghệ An) và Cầu Treo (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, do phương tiện đi lại chủ yếu bằng đường bộ, nên thời gian kéo dài và gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, việc đa dạng hóa phương thức vận chuyển, trong đó có việc mở đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa các tỉnh của Lào, Thái Lan và các tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp du lịch của Việt Nam, tỉnh Viêng Chăn và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan dễ dàng thiết kế được nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn theo đường hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân và khách du lịch.
 
images943636_a5__h_nh_tr_nh_d_n_l_o_v__th_i_lan_du_c_th_c_hi_n_b_ng_m_y_bay_atr_72.jpgHành trình đến Lào và Thái Lan được thực hiện bằng máy bay ATR 72.
 
Riêng tỉnh Nghệ An có 419 km biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 tỉnh của nước CHDCND Lào là Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy và 3 cửa khẩu phụ: Thông Thụ, Tam Hợp và Cao Vều cùng với nhiều lối mở tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân, phương tiện qua lại biên giới giữa hai nước. Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tăng cường phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện với CHDCND Lào, cũng như thực hiện thỏa thuận tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại Việt Nam - Lào lần thứ VII năm 2010, thời gian qua, Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới đã duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị thân tình, cởi mở, đoàn kết và hợp tác toàn diện. Hai bên cùng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển kinh tế, kinh doanh có hiệu quả, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho các địa phương, nhất là tại địa bàn vùng biên giới và thúc đẩy hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa hai nước. 
 
Tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động đề xuất với Chính phủ tiến hành các hoạt động hợp tác đầu tư vào Lào có hiệu quả  trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, tình hình lãnh thổ, biên giới và cắm mốc… nhất là giao thông và cơ sở hạ tầng. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm mở rộng, phát triển quan hệ thương mại với Lào. Tập trung đầu tư phát triển kinh tế vùng biên giới phía Tây tiếp giáp với Lào, khai thác tốt các tiềm năng của tỉnh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa; quy hoạch, đầu tư xây dựng các chợ biên giới, chợ cửa khẩu; quy hoạch xây dựng Khu kinh tế các cửa khẩu: Khu kinh tế Cửa khẩu Nậm Cắn với diện tích 11,84 ha, Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thuỷ với diện tích 25,82 ha và Khu kinh tế Cửa khẩu Thông Thụ với diện tích 20 ha…  tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, giao thương của cư dân biên giới hai nước. Tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo và khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác kinh tế với các tỉnh của Lào.
 
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp của Nghệ An tham gia hoạt động, kinh doanh xuất, nhập khẩu và đầu tư tại Lào là gần 80 doanh nghiệp. Các lĩnh vực kinh doanh và đầu tư gồm: Khai thác khoáng sản, thủy điện, kinh doanh và chế biến gỗ, sản xuất rượu, sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, khai thác rừng, trồng rừng, tour lữ hành, kinh doanh xe tải nhỏ, kinh doanh nông sản, hàng tiêu dùng, giáo dục - đào tạo, thông tin và truyền thông… với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án lên tới hơn 200 triệu USD. Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác đang quan tâm tìm hiểu thị trường Lào để kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, do các cửa khẩu đều nằm xa khu dân cư, vùng biên giới địa hình hiểm trở, giao thông đi lại chưa thuận lợi, nhất là phía bạn Lào nên hoạt động hợp tác đầu tư thương mại, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Vì vậy, việc mở đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn  sẽ có ý nghĩa quan trọng cho việc thu hút đầu tư của địa phương, là cầu nối giao thông thuận tiện không chỉ với Lào mà còn với các tỉnh vùng Đông Bắc  Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực.
 
Nói riêng về tiềm năng du lịch, với lợi thế 82 km chiều dài bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như  Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Diễn Thành và các đảo ven bờ (Hòn Ngư, đảo Mắt) cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng có giá trị nổi bật để đầu tư khai thác phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm gắn với văn hóa bản địa. Trên địa bàn có 1.395 di tích văn hóa lịch sử được đưa vào danh mục thống kê và nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị và hệ thống cơ sở dịch vụ phát triển đa dạng với 608 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 74 khách sạn tiêu chuẩn từ 1 - 4 sao, 1 khách sạn 5 sao, 30 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 11 đơn vị lữ hành quốc tế... 
 
Thời gian qua ngành Du lịch Nghệ An đã tập trung khai thác tốt các tuyến du lịch đường bộ, đặc biệt là các chương trình du lịch qua đường 8 và đường 12. Lượng khách du lịch đến Nghệ An tăng lên nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân mỗi năm trên 110%.  Doanh thu bình quân đạt 124%, đóng góp của hoạt động du lịch cho ngân sách tỉnh bình quân mỗi năm là 97,8 tỷ đồng. Riêng năm 2013 ước tính Nghệ An đón 3.298.000 lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch ước đạt gần 2.060 tỷ đồng, trong đó lượng khách đến từ Thái Lan và Lào chiếm đến 80% lượng khách quốc tế đến Nghệ An. Do vậy, việc mở thêm tuyến đường bay Vinh - Viêng Chăn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng lữ hành của Thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch hợp lý đến Nghệ An nói riêng và các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Nghệ An thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa, du lịch với các tỉnh của Lào và Thái Lan, góp phần củng cố và thắt chặt tình hữu nghị hợp tác toàn diện giữa nhân dân 3 nước. 
 
Mặt khác, Nghệ An còn có điều kiện thuận lợi là nằm trên trục giao thông xuyên Việt cả về đường sắt và đường bộ, có sân bay, cảng biển, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma với Biển Đông qua Quốc lộ 7 và Quốc lộ 8 rất thuận lợi cho phát triển thương mại, du lịch và hợp tác quốc tế. Hiện nay nhà ga hành khách Sân bay Vinh  đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C, có các đường bay Sài Gòn - Vinh - Sài Gòn, Hà Nội - Vinh - Hà Nội; Vinh - Buôn Ma Thuột - Vinh; Vinh - Đà Nẵng - Vinh với tần suất 20 lần chuyến cất, hạ cánh/ngày và với việc đưa vào khai thác tuyến bay quốc tế Vinh – Viêng Chăn sẽ nâng cao vị thế Cảng Hàng không Vinh và sau khi nhà ga mới hoàn thành có thể đáp ứng nhu cầu nâng cấp, mở thêm một số tuyến bay nội địa mới và các đường bay quốc tế tầm trung đến Bangkok (Thái Lan), Campuchia, Hải Nam (Trung Quốc), Singapore, Nhật, Hàn Quốc... ”.
 
Trong “Đề án phát triển Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ” đã được Chính phủ phê duyệt, việc mở rộng các tuyến bay trong và ngoài nước từ Sân bay Vinh là điểm nhấn quan trọng góp phần xây dựng TP. Vinh thành đô thị hiện đại trong tương lai gần. Đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn đi vào hoạt động sẽ thu hút số lượng lớn hành khách là những doanh nghiệp và du khách từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa sang Lào tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư làm ăn, du lịch… Ông Nguyễn Đức Trường - Giám đốc doanh nghiệp Trường Thành cho rằng việc Nghệ An xúc tiến mở đường bay Vinh - Viêng Chăn là hết sức cần thiết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp như chúng tôi sang tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh và ngược lại”.
 
Chưa kể hiện nay Việt Nam có rất nhiều Việt kiều và người lao động đang sinh sống, làm ăn ở khắp 17 tỉnh, thành của Lào và Thái Lan (riêng Thủ đô Viêng Chăn có khoảng 20 nghìn người), trong đó người Nghệ An chiếm số lượng lớn. Đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn đi vào hoạt động là một tin vui đối với cộng đồng người Việt ở Lào, rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa 2 nước, tạo thuận lợi đáp ứng nhu cầu đi lại, thăm thân của nhân dân. Tới chợ Sáng ở Thủ đô Viêng Chăn (Lào) nơi tập trung đông người Việt buôn bán, kinh doanh phần lớn bà con tiểu thương đều rất phấn khởi khi đường bay Vinh - Viêng Chăn đi vào hoạt động. Chị Nguyễn Thanh Hiền, quê ở TX. Cửa Lò, chủ một cửa hàng kính mắt thời trang tại chợ Sáng cho biết:  Với những người buôn bán không có nhiều thời gian như tôi, việc có đường bay Vinh - Viêng Chăn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để về thăm người thân, họ hàng ở quê nhiều hơn…
 
Nghệ An còn có hàng trăm du học sinh đến từ các tỉnh của Lào theo học tại Trường Đại học Vinh và các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp khác hàng năm. Vì vậy, việc khai trương đường bay thẳng quốc tế Vinh - Viêng Chăn sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết đào tạo trên lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Nhiều sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Vinh đã bày tỏ niềm vui khi có thêm đường bay Vinh - Viêng Chăn vì “sẽ giúp lưu học sinh Lào đang học tập tại Nghệ An thuận lợi trong đi lại vào các dịp nghỉ hè, lễ, tết hay người thân sang thăm...”. 
 
Ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Việc đưa vào khai thác đường bay Vinh - Viêng Chăn có ý nghĩa nâng tầm mối quan hệ giữa Nghệ An với thủ đô và các tỉnh của nước bạn Lào. Từ đường bay này, chúng ta có cơ hội mở rộng hợp tác kinh doanh với vùng Đông Bắc Thái Lan và là cơ sở để Tổng Công ty Hàng không Việt Nam mở thêm các đường bay đến các quốc gia khác trong khu vực. Việc mở các đường bay quốc tế sẽ góp phần thuận lợi cho công tác thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại Nghệ An...”. 
 
Đường lớn đã mở, vấn đề đặt ra là tỉnh Nghệ An, hãng Hàng không Vietnam Airlines phải làm thế nào để khai thác đường bay Vinh, Viêng Chăn một cách hiệu quả?
 
Đường bay Vinh - Viêng chăn là đường bay đầu tiên của Vietnam Airlines mở trong năm 2014 và cũng là đường bay quốc tế đầu tiên được khai thác từ Sân bay Vinh với tần suất 4 chuyến/tuần vào các ngày 2, 4, 6, chủ nhật bằng máy bay ATR – 72, có khả năng vận chuyển khoảng 2.000 lượt khách/tháng (lưu lượng khách gần 70 ghế mỗi chuyến). Đường bay chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12/1/2014.  Các chuyến bay xuất phát từ Vinh lúc 8 giờ 40 phút và từ Viêng Chăn lúc 10 giờ 40 phút theo giờ địa phương. Thời gian bay mất khoảng 55 phút. Hành lý miễn cước gồm: 7 kg xách tay, 20 kg ký gửi.
Bài, ảnh: Đào Tuấn - Khánh Ly