(Baonghean) - Tình trạng lấn chiếm đường, hè phố làm nơi họp chợ, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm… tại các chợ, điểm bán lẻ trên địa bàn TP Vinh đang khá phổ biến…

Ở Thành phố Vinh, ra khỏi nhà là thấy “chợ”. Trong đó, đáng chú ý nhất là “chợ di động” mọc san sát. Trên các tuyến đường trong thành phố như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Quốc Trị, Trần Thái Học, Trường Tiến… rất dễ gặp cảnh vài người đặt chiếc bàn nhỏ bên vỉa hè, trên bàn bày bán những  mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Đôi khi, chỉ cần một tấm nilon trải xuống nền đường cũng trở thành một điểm mua bán. Điểm chung của những “chợ” này là nằm một bên vỉa hè, nơi tập trung đông người qua lại. Người mua chỉ cần ghé qua, dừng xe lại và chưa đầy 5 phút sau đã có thể mua được những thực phẩm thiết yếu cho  gia đình. Rõ ràng, những điểm bán lẻ này đang tạo thuận lợi cho người mua khi không cần phải đi xa, tốn ít thời gian… Vì thế mà nó xuất hiện ngày càng nhiều và đang dần chiếm một ưu thế nhất định so với những chợ được xây dựng bề thế, kiên cố.

Tuy nhiên, do mọc tự phát, không được cấp phép của cơ quan chức năng nên những người buôn bán như thế này đang hoạt động kinh doanh “chui”, không khai báo và nộp thuế. Những mặt hàng được bày bán đều được mua lại từ các chợ đầu mối và khi đến tay người tiêu dùng thì giá đã   bị đội lên. Người dân “bắt buộc” phải chấp nhận trả thêm tiền để đỡ phải mất công đi xa, nhưng cơ quan chức năng lại không thể kiểm soát được giá cả của loại hình buôn bán này. Không chỉ thế, các mặt hàng này thường không có nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến mặt hàng thịt lợn, gà, bò. Đây là những mặt hàng kinh doanh  khi xuất bán ra thị trường phải có dấu kiểm định của cơ quan chức năng. Song, nó không thể tìm thấy ở các điểm bán này.

784360_small_84737.jpg

Tình trạng lấn chiếm lòng đường tại chợ Đông Vĩnh (TP.Vinh)

Ghé vào một điểm bán thịt trên đường Nguyễn Thái Học, khi được hỏi thịt lợn được lấy từ đâu, chị Mai, người bán cho biết thịt được đưa từ xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) xuống. Đảo khắp các miếng thịt trên bàn cũng không tìm thấy một dấu đỏ nào của cơ quan kiểm dịch. Thấy người mua thắc mắc, chị Mai cho biết rằng, mua bán thế này chủ yếu là tin tưởng nhau chứ thịt không có ai kiểm tra để đóng dấu cả.

Những “chợ di động” thực phẩm không có dấu đã đành, nhưng tại những chợ cóc, chợ tạm tồn tại đã khá lâu, công tác này vẫn chưa được cơ quan kiểm dịch  thực hiện tốt. Có mặt tại chợ tạm trên đường Nguyễn Sĩ Sách lúc 5 h30 sáng, thấy người mua, người bán đã chen nhau. Tại các quầy bán thịt, quan sát kỹ mà không hề thấy  bóng dáng lực lượng chức năng đến kiểm tra chất lượng và xuất xứ của thịt. Trong khi đó, tại đây có đến hơn 15 quầy bán thịt, mỗi ngày tiêu thụ hơn 100kg. Khi được hỏi về dấu kiểm dịch trên thịt, những người bán hàng ở đây đều lắc đầu và tỏ ra khó chịu với khách hàng. Tại các chợ tạm khác như chợ A1 Quang Trung, chợ Trường Thi, công tác này cũng chưa được cả người bán và người mua quan tâm. Vì vậy, hàng trăm kg thịt vẫn được tiêu thụ dễ dàng mà chưa “được” các cơ quan chức năng để mắt tới.

Dù là chợ loại 3, nhưng một số chợ như chợ Kênh Bắc, chợ Đông Vĩnh, chợ Quán Bánh, chợ Cầu Thông… vẫn đang tồn tại những vấn đề đáng phải bàn. Tại chợ vỉa hè Kênh Bắc (phường Hà Huy Tập), hầu hết các ki - ốt chỉ được lợp bằng các tấm pro và bạt, lụp xụp và ẩm thấp. Tuy đã chuyển đổi mô hình sang cho Hợp tác xã quản lý và khai thác nhưng do thiếu kinh phí nên các hệ thống PCCC, xử lý rác thải… chưa được đầu tư. Nguồn nước thải trong chợ được các tiểu thương đổ thẳng ra Kênh Bắc phía sau gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thải, xác động vật chết, thực phẩm thừa… cũng được đổ thẳng xuống kênh mương, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe những hộ dân sống gần chợ. Do chưa được đầu tư mở rộng nên tiểu thương tràn ra cả lòng đường, lòng cầu để buôn bán.

Chợ Quán Bánh cũng trong tình trạng tương tự. Do chợ nằm bên trục đường chính nên có lượng người mua bán khá đông nhưng quang cảnh chợ khá nhếch nhác. Những dãy quán thấp lè tè, tạm bợ, không có hệ thống PCCC và hệ thống xử lý nước thải nên mùi hôi xộc lên khi bước vào chợ. Vào giờ tan tầm, người bán hàng tràn xuống cả lòng đường để kinh doanh, gây ách tắc giao thông, làm mất mỹ quan đô thị. Một số chợ đã được đầu tư khá khang trang nhưng chưa phát huy hết hiệu quả. Như tại chợ Ga Vinh, tổng số quầy của chợ là 1.338, cho đến thời điểm hiện tại chỉ mới có hơn 800 số hộ kinh doanh. Khu vực tầng 2 của chợ còn trống mặt bằng mà chưa được khai thác tốt. Hay như chợ Mai Dâu (Nghi Phú), mặc dù trong khuôn viên chợ còn địa điểm trống nhưng các tiểu thương vẫn tràn ra cả phía bên ngoài cổng chợ để buôn bán.

Điểm chung của hầu hết các chợ loại 2, loại 3 trên địa bàn Thành phố Vinh là việc bố trí, sắp xếp lộn xộn, không hợp lý các ki- ốt, hàng quán trong chợ. Tại nhiều khu chợ khác như chợ Hưng Dũng, chợ Quang Trung, chợ Đông Vĩnh, nơi giết mổ gia súc nằm cạnh các quầy hàng thực phẩm, ăn uống, gây mất ATVSTP, tiềm ẩn nhiều dịch bệnh. Cũng tại chợ Mai Dâu, hàng thực phẩm tươi sống được bày bán ngay gần với khu vực bán đồ ăn uống. Đây là chợ có hoạt động mua bán sản phẩm tươi sống từ gia súc của nhân dân và các vùng phụ cận với số lượng lớn, nhưng hệ thống cống nước thải đã hư hỏng từ lâu mà chưa được sửa chữa, nước thải chảy tràn lan. Bên cạnh đó, công tác PCCC tại hầu hết các chợ trên địa bàn TP Vinh chưa được quan tâm đúng mức.
                                                                                (Còn nữa)


Hoàng Vĩnh – Phạm Bằng