(Baonghean) - Một lần, người bạn tôi công tác ở xa, lại bận tham gia cuộc họp với cơ sở vào ngày nghỉ nên không về để trực tiếp lấy ý kiến đánh giá, nhận xét cán bộ nơi cư trú theo quy định, nên gửi giấy tờ về và nhờ tôi làm thay. Nhận lời giúp bạn, tôi tới gặp đồng chí bí thư chi bộ nơi gia đình người bạn cư trú, tôi trình bày họ tên người bạn và xin đồng chí bí thư chi bộ đánh giá, nhận xét về tư cách đảng viên của bạn tôi trong năm qua. Viết xong phần đánh giá, nhận xét, đồng chí bí thư chi bộ mời tôi ngồi uống nước. Sau khi chuyện trò và chia sẻ một số thông tin, đồng chí bí thư chi bộ hỏi tôi rằng “lâu lâu mới về, xa vợ xa con có buồn không?” “Tết này nếu về thì đưa vợ con đến hội quán vui Tết với bà con”. Tôi làm việc ở gần đây chứ có xa gì đâu, và tôi – lúc đó, vẫn là “lính phòng không”, chưa mối tình vắt vai nói chi đến vợ con. Thì ra là đồng chí bí thư chi bộ đó không biết tôi đi làm thay giúp bạn tôi, lại tưởng tôi là người bạn kia. Định bụng im lặng nhưng rồi cũng đành phải nói thật với đồng chí ấy là tôi đi làm thay cho bạn.

Lần khác, tôi đi lấy ý kiến đánh giá nhận xét nơi cư trú cho chính bản thân mình. Vì còn ít tuổi nên tôi tự xưng là cháu, gọi đồng chí bí thư chi bộ là bác. Tôi cứ “bác bác, cháu cháu”, đồng chí bí thư cũng “cháu cháu, bác bác”, chuyện trò cởi mở rất thoải mái, như thể gần gũi, thân mật từ lâu. Đến khi viết đánh giá nhận xét xong, bác bí thư chi bộ quay lại hỏi tôi: “Cháu tên gì để bác viết cho cùng nét chữ”. Nói thực, tôi không khỏi bất ngờ. Vì trong khối xóm, tôi là người sống có trách nhiệm, luôn nêu gương và tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, lối sống, sinh họat, tham gia đầy đủ các phong trào của khối xóm, nên tôi cứ đinh ninh là bác bí thư chi bộ biết rõ về mình. Tôi cũng mạnh dạn hỏi rằng bác không biết cháu thật à. Đồng chí bí thư chi bộ cũng nói rất thật rằng thực tình là không biết, thấy cháu đến lấy ý kiến nhận xét thì biết chắc chắn cháu cư trú tại khối xóm này thôi. Còn đánh giá nhận xét thì có khó gì đâu, ai mà chả thế. Tôi đọc những dòng chữ đánh giá, nhận xét về bản thân mình thì thấy rất vui, nhưng sau đó không khỏi chạnh lòng vì có lẽ ai đến đây cũng được viết với nội dung như vậy.

Việc đề ra quy định phải có ý kiến đánh giá, nhận xét của nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên là rất cần thiết. Bởi vì nơi làm việc, cơ quan, công sở, đơn vị… là nơi đảng viên làm việc 8 tiếng/ngày theo quy định, rất khó có thể đánh giá toàn diện phẩm chất, đạo đức, lối sống, sinh hoạt, việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của người đảng viên và gia đình đảng viên. Đây sẽ là “kênh” quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên được khách quan, toàn diện, đầy đủ hơn. Mặt khác, đó cũng là cách để tăng cường sự giám sát, theo dõi đối với cán bộ, đảng viên, làm cho người đảng viên và gia đình phải luôn nêu gương tiên phong, gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.

Tuy nhiên, từ hai câu chuyện riêng vừa kể trên, cùng với việc được đọc và nghe nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá của nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên, có thể nhận thấy việc làm cần thiết này hiện nay chưa thực sự phát huy hiệu quả, ý nghĩa đích thực của nó. Phần lớn các tổ chức cơ sở đảng nơi cư trú còn nể nang, né tránh, nên đánh giá rất chung chung. Hầu hết các nội dung đánh giá, nhận xét đều ghi nhận là tốt. Khi đánh giá, nhận xét chỉ viết về ưu điểm, phần lớn đều đánh giá, nhận xét không có khuyết điểm, hoặc để trống mục đánh giá, nhận xét về khuyết điểm.


Ngô Yên