(Baonghean) - Tôi hỏi một đồng chí lãnh đạo ngành mới về hưu rằng tại sao từ khi về hưu ông lại ít bộc lộ chính kiến về những tồn tại, hạn chế, mặt trái của xã hội trên facebook nữa, trong khi đang đương chức ông lại rất hay bộc lộ chính kiến. Điều này rất khác với nhiều người là về hưu mới hay phát biểu, góp ý.

Thậm chí có người khi đương chức thì “nửa câu không nói”, nhưng về hưu là đóng góp rất nhiều ý kiến, tham gia bình luận về rất nhiều vấn đề xã hội quan tâm, còn khi đương chức lại ít khi thấy có chính kiến. Là chỗ quen biết đã lâu, nên ông không dấu diếm suy nghĩ của mình mà hẹn tôi ra quán cà phê để “chuyện trò phân giải”...

images1708902_bna_57f8b22ce65a1.jpgẢnh minh họa: Internet

Trước hết, khi nói về nguyên nhân vì sao nhiều người khi về hưu mới bộc lộ chính kiến, ông cho rằng thực ra có nhiều người khi đương chức rất bận bịu. Chỉ khi về hưu mới có thời gian quan tâm, bao quát, thu thập thông tin và dành thời gian chiêm nghiệm nhiều vấn đề của xã hội. Từ đó họ mới tổng hợp, phân tích, và có những đề xuất để thể hiện trách nhiệm cá nhân trước các vấn đề của xã hội. Chứ không hẳn như nhiều người cho rằng khi về hưu không còn chịu trách nhiệm gì nữa nên mới bộc lộ chính kiến.

Thực ra, đã bộc lộ chính kiến thì lúc nào mà chẳng phải chịu trách nhiệm, với người về hưu thì ý thức trách nhiệm về quan điểm phát ngôn càng lớn.

Còn với ông, từ khi về hưu ông không còn bộc lộ ý kiến trên báo chí hay mạng xã hội nữa. Nhiều phóng viên, người làm báo đến phỏng vấn, ông cũng từ chối xuất hiện trên mặt báo, cả trên mạng xã hội, mà chỉ chuyện trò đàm đạo.

Lý do thứ nhất, ông cho rằng ông sẽ không phát biểu bất cứ vấn đề gì nếu ông không có đầy đủ thông tin. Nhiều khi cũng rất bức xúc với các vấn đề tiêu cực, tồn tại mà báo chí nêu, các vấn đề người ta lan truyền trên mạng xã hội.

Nhưng ông cho rằng báo chí, nhất là báo mạng, không hẳn lúc nào cũng đúng, không phải thông tin nào cũng thật sự chính xác, khách quan. Còn với mạng xã hội thì càng không nên vội tin, vì người đưa tin trên mạng xã hội của ta gần như rất ít chịu trách nhiệm về những thông tin đăng phát của mình. Vì thế, tốt nhất là không nên hùa theo, không nên vội vã bộc lộ ý kiến hay kết luận điều gì khi mà mọi việc chưa sáng tỏ.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lý do quan trọng nhất. Theo ông, điều đáng chú ý là bây giờ rất nhiều người lợi dụng những thông tin, những phát ngôn mang tính phản biện của người khác về mặt trái, về những tiêu cực của xã hội, để từ đó quy kết cho bản chất của chế độ, của xã hội. Có không ít kẻ xấu luôn rình rập, chờ đợi những câu nói phản biện, giám sát hoặc đánh giá của người có uy tín, có địa vị xã hội, có tiếng nói ảnh hưởng, bàn về các vấn đề tiêu cực, bộc lộ những bất bình về yếu kém hoặc tồn tại của xã hội, để vin vào đó mà phát tán, mà bội nhọ bộ máy, bôi nhọ quê hương đất nước, xuyên tạc sự thật.

Đó là lý do quan trọng nhất mà ông không còn mấy hào hứng để đăng đàn phát biểu như trước.

Vị lãnh đạo về hưu cho rằng, việc phản biện là rất cần thiết. Phản biện xã hội để chỉ ra mặt trái, chỉ ra những tiêu cực, cũng giống như bác sỹ khám bệnh, chỉ ra bệnh để bệnh nhân chữa trị. Đáng buồn là kẻ xấu chỉ lăm le sử dụng những chẩn đoán bệnh tật của xã hội, rồi tung hê lên, làm như thể cơ thể xã hội không còn sức khỏe nữa mà chỉ toàn là bệnh tật, làm cho tâm lý xã hội trở nên u ám.

Vì vậy, điều quan trọng là cần có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu, để kẻ xấu không thể lợi dụng để thực hiện âm mưu hiểm ác, thâm độc... 

Tôi những muốn trò chuyện nữa, nhưng đã hết buổi cà phê cuối tuần rồi...

Chí Linh Sơn
 

TIN LIÊN QUAN