(Baonghean) - Không chỉ điểm đầu vào thường đứng tốp đầu, sau khi vào được đại học, những bác sỹ tương lai phải tiếp tục gồng mình trong cuộc đua mới kéo dài 6 năm. Quãng thời gian này, những sinh viên ngành y, đặc biệt là y đa khoa dường như chỉ biết có học và thi.
Gần 12h trưa, vừa kết thúc buổi học sáng, Lê Thị Thu Huyền (19 tuổi, quê xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc), lại vội vã cùng đám bạn học xuống khuôn viên của ký túc xá Trường Đại học Y Hà Nội để ôn bài. Nhóm của Huyền đang là sinh viên năm thứ 2 của ngành Bác sỹ đa khoa (Y2, Trường Đại học Y Hà Nội). Lúc này, các dãy bàn ghế đá phía dưới sân đã gần chật kín sinh viên đang học nhóm. Loay hoay mãi, Huyền và nhóm bạn cùng quê Nghệ An mới tìm được một chỗ trống. Cả một góc khuôn viên ký túc xá trông như một giảng đường với những tiếng rì rầm ôn bài của các sinh viên.
Cũng như Huyền, vì phải tranh thủ đến sớm dành chỗ mát mẻ, có những sinh viên học buổi sáng về chỉ kịp ăn vội bát mì tôm hay chiếc bánh mì rồi lại lao nhanh xuống sân. Thậm chí nhiều bạn chẳng kịp thay quần áo.
“13h30’ bọn em lại tiếp tục bước vào lớp để học ca chiều, nên cả nhóm phải chuẩn bị bài trước. Sinh viên bác sỹ đa khoa là vậy, quanh năm chỉ có học và thi thôi”, Huyền nói. Khối lượng kiến thức quá nhiều, học cả lý thuyết lẫn thực hành nên sinh viên ngành bác sỹ đa khoa có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Không như nhiều ngành học khác, giáo trình của sinh viên ngành này thường tính bằng cân, thay vì quyển. Đây được xem là ngành học vất vả nhất Việt Nam.
Xách chiếc ba lô nặng trịch chất đầy những giáo trình, Phan Duy Phúc (19 tuổi, quê xã Nghi Phú, TP Vinh) nói rằng, chỉ cần lơ là việc học một thời gian ngắn thôi cũng sẽ có nguy cơ chậm nhịp so với các bạn cùng lớp.
Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt phờ phạc lại mang thêm chiếc kính cận dày cộp, nam sinh viên này lúc nào cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi. Từ khi vào trường, suốt ngày Phúc chỉ biết học và học. Phúc là cựu học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh). Nhiều năm liền, cậu đạt học sinh giỏi quốc gia, đỗ vào ngành học này với số điểm rất cao. Tuy nhiên, Phúc nói rằng điều đó chẳng còn có ý nghĩa gì nữa, từ khi cậu bước chân vào đại học. “Vào đây phần lớn là các thủ khoa, á khoa các trường của cấp 3. Ai cũng giỏi cả, so với họ, mình chẳng là gì”, Phúc nói.
Tương tự hình ảnh dưới khuôn viên, thư viện của Trường Đại học Y Hà Nội rộng hàng trăm mét vuông lúc nào cũng đông đúc sinh viên đến ôn bài. Thư viện được bố trí ngay tầng 3 ký túc xá của trường để tiện cho sinh viên đến học. Trong đó, phần lớn là những sinh viên học bác sỹ đa khoa. “Những hôm sắp thi, để vào được thư viện học, các em phải dậy sớm xếp hàng dài. Sinh viên ngành bác sỹ đa khoa rất chăm học, các em dường như học cả ngày”, bà Phí Thị Lê Hằng - Phó phòng phụ trách Thư viện Trường Đại học Y Hà Nội cho biết.
“Ở trong phòng chật chội quá, lại không có không khí học tập. Bọn em lên thư viện vừa có đủ tài liệu vừa yên tĩnh để học tốt hơn”, Nguyễn Thị Hoàng Linh (23 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An), nói. Hoàng Linh hiện đang là sinh viên năm thứ 4 ngành bác sỹ đa khoa. Linh kể, 7h sáng, cô phải có mặt ở bệnh viện để học lâm sàng. Buổi trưa, nghỉ ngơi được một ít rồi tiếp tục đến giảng đường học lý thuyết. Đến tối, các sinh viên lại phải đến bệnh viện trực. “Từ học kỳ 2 của năm 3, bọn em phải học về lâm sàng, rồi sau đó là bệnh lý... nên rất áp lực. Kiến thức thì quá mênh mông”, Linh nói và cho hay, cô đã chứng kiến nhiều bạn vì quá áp lực trong quá trình học, dẫn đến trầm cảm. Một số khác thậm chí phải bỏ dở, chuyển qua học ngành khác vì không theo nổi.
Trong suốt 6 năm học ngành bác sỹ đa khoa, các sinh viên phải học cả sáng lẫn chiều. Những năm cuối, thậm chí phải dành luôn buổi tối để đến bệnh viện. Theo nữ sinh Vi Lê Han (20 tuổi, quê huyện Quế Phong), thì “kinh khủng” nhất vẫn là quãng thời gian năm đầu (tức năm 1). “Vì cách học khác với hồi cấp 3, khối lượng kiến thức thì nhiều. Trong khi các tân sinh viên lại đang lâng lâng cảm giác vui sướng vì vừa đậu vào một ngành học được ưa chuộng nên rất sốc”, Lê Han lý giải. Thời gian này, các sinh viên sẽ học những môn cơ sở như hóa, lý, sinh, giải phẫu. Tuy nhiên, theo Lê Han, cũng là những môn học hóa, lý, sinh nhưng kiến thức ở đây gấp khoảng 5 lần thời cấp 3.
Trong số các môn học ở năm một, khó khăn nhất vẫn là môn giải phẫu người. Với môn học này, các em sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với thi thể người. “Thông thường khi học, giảng viên sẽ dùng vải che mặt của cái xác. Nhưng có lần, một bạn vô tình làm rơi tấm vải khiến nhiều bạn khác nhìn thấy khuôn mặt người chết về ám ảnh cả một thời gian dài”, Han kể và cho hay, sau mỗi buổi tiếp xúc với xác chết, nhiều bạn về nhà không dám ăn thịt suốt nhiều tuần. Cũng có một số trường hợp thậm chí ngất xỉu ngay sau khi nhìn thấy tử thi.
Nữ sinh Vi Lê Han hiện đang là đội trưởng tình nguyện của Hội đồng hương sinh viên Nghệ An tại Trường Đại học Y Hà Nội. Hiện tại, có khoảng 600 sinh viên cùng quê Nghệ An đang theo học tại đây. Trong đó, phần lớn là học ngành bác sỹ đa khoa.
Để giúp đỡ nhau học tập, vào mỗi dịp đầu năm học, hội đồng hương này sẽ tổ chức chương trình gặp mặt, hướng dẫn các tân sinh viên làm quen với môi trường học tập. Ngoài ra, hội cũng tranh thủ thời gian ít ỏi được nghỉ ngơi của các sinh viên để tổ chức làm tình nguyện và sinh hoạt văn nghệ, thể thao. “Nếu không có những hoạt động xã hội này thì sinh viên stress mất, không học được. Mình phải tham gia để năng động hơn, khả năng chịu áp lực tốt hơn nhằm tránh bị trầm cảm vì học quá nhiều”, Lê Han nói.
Cũng theo Lê Han, để trụ vững ở ngành học này, đầu tiên phải giảm độ tự tin của mình trước. “Vì tân sinh viên mới đậu vào cũng kiêu hãnh lắm. Phải cất cái đấy đi, vì trường này toàn thủ khoa các trường thôi. Chương trình gặp mặt đầu năm mà bọn em tổ chức chính là để nói với các tân sinh viên vấn đề này. Ngoài ra, cũng phải xác định mục tiêu từng năm sẽ làm được cái gì. Ví dụ như em, mục tiêu hai năm đầu là chỉ học các môn cơ sở chính, và tham gia các hoạt động xã hội để hoàn thiện bản thân. Có mục tiêu năm, thì mình sẽ đưa ra mục tiêu mỗi ngày. Vì guồng quay học tập ở đây rất nhanh, nếu đến ngày mình mới nghĩ xem phải làm gì thì đã hết ngày mất rồi nên không theo nổi”, nữ sinh Vi Lê Han cho biết thêm.
Tương tự Trường Đại học Y Hà Nội, các sinh viên ngành bác sỹ đa khoa ở Trường Đại học Y dược Huế cũng phải gồng mình suốt 6 năm học để hoàn thành ước mơ trở thành bác sỹ. Đây là hai trường đào tạo bác sỹ đa khoa hàng đầu Việt Nam hiện nay. “Khó khăn lớn nhất của bọn em là áp lực. Áp lực từ kiến thức là đầu tiên rồi từ thầy cô, từ sự kỳ vọng của gia đình và cả dư luận xã hội”, Nguyễn Tuấn Anh (24 tuổi), sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y dược Huế nói.
Tuấn Anh kể, khó khăn nhất là những năm học cuối, khi lên bệnh viện để khám bệnh, nhiều bệnh nhân từ chối cho sinh viên khám: “Họ không tin tưởng bọn em, trong khi để học tốt, bọn em cần phải khám trực tiếp. Rất khó khăn”.
GS.TS Võ Tam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Huế cho hay, có 4 ngành đào tạo bác sỹ là bác sỹ đa khoa, bác sỹ răng hàm mặt, bác sỹ y học cổ truyền và bác sỹ y học dự phòng. Tuy nhiên, ngành bác sỹ đa khoa vẫn là ngành học đông đảo và vất vả nhất. “Ngành học này không chỉ đòi hỏi phải thông minh vì muốn vào được, trước tiên điểm đầu vào rất cao, còn phải chăm chỉ học tập. Kiến thức phổ thông vào đây chỉ là nền tảng.
Bác sỹ đa khoa ra trường hầu như làm việc được rất nhiều khoa nên đòi hỏi phải học rất nhiều kiến thức, từ lý thuyết đến thực hành lẫn đạo đức nghề nghiệp. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng được xem là ngành học vất vả nhất. Muốn theo đuổi ngành này, nếu không có đam mê thì sẽ không theo nổi”, ông Tam nói và cho hay, đối với ngành bác sỹ đa khoa, mỗi khóa ra trường thường bị “rơi rụng” khoảng 10% so với lượng đầu vào vì không chịu nổi áp lực và không theo kịp kiến thức./.
Tiến Hùng