Đọc những thông tin trong bài “Bác sĩ tư gài bẫy mổ 18 triệu…” và ý kiến của bác sĩ khám bệnh, tôi thực sự cảm thấy đau lòng cho nghề, cho nhân tình thế thái.
Là một bác sĩ làm tư từ khoảng 25 năm nay, ban đầu là nửa công nửa tư (phòng mạch ngoài giờ), sau đó là tư 100%, tôi đã gặp không ít trường hợp tương tự như vậy. Mặc cho bạn có đức, có tài, mặc cho bạn giải thích hay thuyết phục, bạn vẫn chỉ là người đi kiếm tiền trong mắt một bộ phận không nhỏ người dân, và cả trong mắt của nhiều cán bộ quản lí nữa. Nhiều lúc tôi rất khó chịu, có lúc tôi đã từ chối thẳng thừng. Tuy nhiên lâu ngày quen dần. Tôi thường nói với nhân viên của tôi rằng mình là người phục vụ, miễn sao mình làm cho khách hàng tin tưởng và hài lòng là thành công. Trên thực tế chúng tôi đã thành công với rất nhiều người.
Có những người ban đầu dùng những lời lẽ rất khiếm nhã hoặc có những hành vi coi thường rõ rệt nhưng dần hiểu ra và thay đổi suy nghĩ, trở thành những “fan” nhiệt tình của chúng tôi. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng giữ được bình tĩnh, có lúc chúng tôi shock thật sự với những phản ứng quá quắt của khách hàng. Mới cách đây 2 tuần, một diễn viên điện ảnh khá nổi tiếng đến tư vấn về trường hợp của người nhà, đúng vào lúc chúng tôi đang bị shock vì thái độ của một gia đình bệnh nhân. Hậu quả của việc đó đã tác động lên những gì tôi nói với cô diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng, nhất là sau khi cô ấy cho biết là gia đình đã có ý định đưa người bệnh đi mổ tại Thái Lan hoặc Singapore. Tôi nói rằng chúng tôi không muốn điều trị cho những người giàu có hay nổi tiếng và rằng chỗ của chúng tôi sẽ không phù hợp với người nhà của cô ấy. Khi bình tĩnh lại tôi thấy mình hơi quá quắt và muốn xin lỗi cô ấy. Qua đây, tôi xin thành thực xin lỗi cô diễn viên ấy nếu tình cờ cô đọc được những dòng này.
Khi bạn tư vấn cho bệnh nhân hoặc người nhà, bạn không thể tư vấn cho tất cả mọi người. Đến một lúc nào đó có một người xuất hiện, họ không quan tâm tới những lời giải thích của bạn, thậm chí họ chỉ muốn thể hiện cho những người nhà khác biết là họ quan tâm tới người bệnh. Họ bắt đầu chê bai hoặc vặn vẹo bạn. Thậm chí họ phát biểu những câu rất khó nghe và yêu cầu gia đình đưa bệnh nhân đi nơi khác khám bệnh. Theo kinh nghiệm của tôi, những gia đình thể hiện có nhiều tiền, gia đình của một số cán bộ cao cấp, những người mới gặp bạn là bắt đầu khoe quen người này người khác, một số Việt kiều thể hiện thái độ ngông nghênh hoặc khoe là có nhiều tiền là những đối tượng bạn cần đặc biệt lưu ý.
Ngày nay, khi bạn tư vấn điều trị cho bệnh nhân, một số người có thói quen thẩm định lại ý kiến của bạn bằng một bác sĩ khác. Và phải công nhận một điều là trình độ của các bác sĩ chúng ta không đồng đều, một số bác sĩ muốn “câu view” lại có những lời lẽ không đúng mực đối với đồng nghiệp, làm cho người bệnh mất phương hướng và nghi ngờ bạn. Thế là người bệnh hay người nhà bức xúc, câu chuyện được chuyển qua các nhà báo. Lúc này thì bạn sẽ thiệt thòi hơn nếu bạn là bác sĩ tư. Một số nhà báo đạo đức kém giật những cái tít thật giật gân, thêm mắm thêm muối vào câu chuyện và bạn trở thành ác quỷ. Tôi đã từng là nạn nhân của những bác sĩ và nhà báo kiểu nói trên nên tôi rất thông cảm với câu chuyện về bác sĩ tư mà chúng ta đang nói.
Tôi đã từng có một bài viết về tình trạng phân biệt công tư và nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều nhau. Mấy ngày vừa qua, dự đám tang của một người thầy lỗi lạc trong chuyên ngành Tai Mũi Họng, tôi tiếp xúc với nhiều người trong và ngoài ngành, cấp nhỏ có, cấp lớn có. Đối với những người đã biết nhau thì không có vấn đề gì nhưng với nhiều người, trong đó có cả một số chức sắc trong ngành y của chúng ta, họ thay đổi hẳn thái độ khi biết tôi làm tư nhân. Chúng ta vẫn phải công nhận một thực tế là tư nhân không được đánh giá cao trong cái xã hội còn nặng tư duy bao cấp này, và chúng ta cũng phải tỉnh táo để có đối sách đúng với từng loại khách hàng khác nhau.
Ngoài ra, tôi xin có đôi lời về bài trả lời của vị bác sĩ khám bệnh. Mặc dù khách hàng và nhà báo có xúc phạm mình nặng nề đi chăng nữa, mặc dù điều đó gây thương tổn cho mình rất nặng nề, nhưng tôi nghĩ rằng khi đưa vấn đề ra công luận, chúng ta không nên xúc phạm lại họ, vì như vậy thì chúng ta đâu có khác gì họ. Ngoài ra, những vấn đề về nội bộ ngành y theo tôi nghĩ mình sẽ nói trong ngành y thôi, đa số người ngoài ngành không hiểu được và họ thường cho chúng ta là một. Biết rằng bạn có nhiều bức xúc, không riêng gì với bệnh nhân này, bằng chứng là cả 4 người con của bạn không theo nghề y mặc dù học rất giỏi, nhưng đó không phải điều để chúng ta tâm sự với người đã xúc phạm chúng ta.
Dù sau này bạn có không theo ngành y đi nữa, bạn sẽ vẫn mãi là một bác sĩ, là một thầy thuốc, và quãng đời hành nghề y của bạn sẽ mãi mãi là quãng đời đẹp mà bạn sẽ luôn nhớ về nó và tự hào về nó. Ngoài ra chắc gì khi bạn bước sang một lĩnh vực khác, bạn không gặp những chuyện tương tự.
Theo.suckhoevadoisong