Rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong nhiều ngày khiến người già, trẻ em phải nhập viện vì ốm. Những bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp (đặc biệt là viêm xoang) cũng khốn khổ không kém.
 
Bệnh nhân huyết áp biến chứng nặng
 
Kể từ thời điểm đợt rét đậm, rét hại bắt đầu đến nay đã gần chục ngày, nhiệt độ ở đồng bằng nhiều khi xuống thấp dưới 8-9 độ đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của những đối tượng nguy cơ như người già, trẻ em.
 
Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho biết trong những ngày thời tiết ấm áp bình thường, lượng bệnh nhân đến khám vì tăng huyết áp trung bình khoảng 15-18 người/ngày.
 
images899279_6.jpgTrẻ nhỏ dễ mắc bệnh đường hô hấp khi trời rét (Ảnh: C.Q)
Tuy nhiên, trong những ngày qua, trời trở rét đậm rét hại kéo dài, nhiệt độ thấp làm mạch co, tăng sức cản ngoại biên khiến huyết áp tăng vọt. Số bệnh nhân đến khám, điều trị tăng lên 24-28 người/ngày, chủ yếu là bệnh nhân bị biến chứng nặng của tăng huyết áp.
 
Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều bệnh viện, chuyên khoa tim mạch, lão khoa khác. GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam cho biết mấy hôm nay, bệnh nhân tai biến mạch máu não và tăng huyết áp tăng nhanh ở các bệnh viện do mạch co mạnh, đột ngột.
 
GS Khải khuyến cáo người lớn tuổi cần tránh tập thể dục lúc sáng sớm và chiều tối, nên điều chỉnh chế độ tập luyện hợp lý khi thời tiết đã ấm áp. Ngoài ra, lúc ngủ dậy không được dậy đột ngột mà phải ngồi dậy từ từ, đi lại không được quá nhanh. Nếu có vấn đề về tăng huyết áp, đột quỵ cần biết cách xử trí ban đầu trước khi đưa đến bệnh viện, như: Để bệnh nhân nằm chỗ thông thoáng, mặt quay sang một bên (tháo răng giả, nếu có đeo).
 
Nếu bệnh nhân tỉnh táo cần giúp bệnh nhân hít thở mạnh, sâu, dài hơi và đưa đi bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
 
Ngoài bệnh lý về tim mạch, huyết áp, người già trong mùa giá rét này còn gặp nhiều bệnh lý khác như xương khớp, … Cần có chế độ ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng.
 
Trẻ em đổ bệnh
 
Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị tác động mạnh của thời tiết khắc nghiệt. Ông Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết trong những ngày rét mướt vừa qua, số lượng trẻ nhập viện vì các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, viêm phổi tăng cao.
 
Trung bình ngày thường khoa tiếp nhận khoảng 70-75 ca bệnh nhưng vào cao điểm rét khoa tiếp nhận 90-95 bệnh nhân. Ngoài nguyên nhân rét đậm rét hại thì nguyên nhân khác là do virus lưu hành cũng là nguy cơ gây bệnh cho trẻ.
 
Theo bác sỹ Dũng, bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp ở trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh) thường khó phát hiện bởi các dấu hiệu không biểu hiện rõ rệt như ở người lớn. Biểu hiện viêm phổi thường thấy của nhóm trẻ sơ sinh này là bỏ bú, ngủ li bì, nhịp thở hoặc lồng ngực bất thường, … Cần đưa trẻ đi khám để được điều trị, xử trí kịp thời.
 
Người già cần cảnh giác với bệnh huyết áp, tim mạch, xương khớp trong những ngày giá rét (Ảnh: C.Q)
Bác sỹ Dũng cũng khuyến cáo cha mẹ cần giữ ấm cho con (nhưng không được mặc quá nóng, mặc đồ bó sát khiến con khó chịu). Ngoài ra cần có chế độ ăn uống đủ chất, giàu dinh dưỡng để trẻ nâng cao sức đề kháng. Hạn chế cho trẻ ra ngoài đường trong khi trời lạnh, nếu đi cần mặc ấm, đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp.
 
Trong khi đó, nhiệt độ hạ xuống thấp cũng “tấn công” nhiều người khỏe mạnh bằng đường hô hấp. Các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp (đặc biệt là bệnh viêm xoang) đang tăng mạnh. Tại BV Tai Mũi Họng Trung ương và một số phòng khám tai mũi họng trên địa bàn Hà Nội khoảng 5-7 ngày trở lại đây ghi nhận rất nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về viêm xoang, viêm họng, ho, … đến khám, nhiều người ở tình trạng nặng do tự điều trị tại nhà nhưng không khỏi.
 
Theo.vietnamnet