Khả năng tàng hình và kho vũ khí uy lực lớn giúp oanh tạc cơ B-2 tung đòn phủ đầu vào bất cứ địa điểm nào của đối phương.

images2026205_b_2_spirit_original_5881_1507393050.jpgOanh tạc cơ B-2 Spirit của Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Việc quan chức Nhà Trắng hôm nay giải thích tuyên bố "chỉ một điều có tác dụng với Triều Tiên" của Tổng thống Donald Trump là ám chỉ việc Washington đang cân nhắc biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng đã làm dấy lên nỗi lo ngại về việc Mỹ tung đòn tấn công phủ đầu nhắm vào Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng trong trường hợp quyết định đánh phủ đầu Triều Tiên, Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom B-2 Spirit với vai trò mũi nhọn, bởi đây là oanh tạc cơ chiến lược hiện đại nhất của Lầu Năm Góc hiện nay, theo National Interest.

B-2 Spirit được Mỹ phát triển từ cuối thập niên 1970 như một loại oanh tạc cơ chiến lược có thể xuyên thủng lưới phòng không Liên Xô và tấn công mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân. Thông tin về oanh tạc cơ này xuất hiện rất ít vào thời điểm đó, trừ việc nó được tích hợp công nghệ tàng hình trước radar và có hình dáng khác xa những mẫu máy bay đời trước.

Quá trình phát triển oanh tạc cơ B-2 được giữ bí mật, không ai biết được hình dáng thật sự của nó cho tới khi được ra mắt vào năm 1988. Việc chi phí phát triển đội giá từ 35,7 lên 42,8 tỷ USD cũng được giữ kín, trong đó gần một tỷ USD dành cho việc gia cố cánh nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động tầm thấp của không quân Mỹ.

Ngày 22/10/1988, chiếc B-2 đầu tiên xuất xưởng tại Nhà máy 42 của không quân Mỹ ở Palmdale, California. Nó được đặt biệt danh "Spirit" (Bóng ma), có vẻ ngoài giống một chiếc boomerang với phần đuôi dạng răng cưa. Máy bay B-2 sử dụng thiết kế cánh liền thân và không có đuôi đứng, trang bị 4 động cơ turbine phản lực General Electric F118-GE-100 giấu trong thân.

Vào thời điểm ra mắt, đơn giá một chiếc B-2 là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay, biến nó thành phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành cao, trong khi công nghệ tàng hình chưa được kiểm chứng trong thực tế khiến Quốc hội Mỹ lo ngại về đề xuất mua 132 chiếc B-2.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô được cải thiện, nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường giảm thiểu, cũng làm số lượng oanh tạc cơ B-2 được sản xuất bị cắt giảm chỉ còn 21 chiếc.

Chỉ có 21 chiếc B-2 được xuất xưởng và biên chế. Ảnh: USAF.

Oanh tạc cơ B-2 dài 21m, cao hơn 5m, sải cánh 52 m, tốc độ 1.100 km/h và trần bay trên 15 km. Mỗi chiếc có thể bay liên tục 9.650 km không nghỉ. Khoảng cách này được tăng đáng kể nhờ khả năng tiếp liệu trên không.

B-2 là một trong số những máy bay quân sự đầu tiên được làm từ vật liệu composite mới. 80% phi cơ được làm từ vật liệu tổng hợp từ sợi thủy tinh, carbon và sợi than, còn lại là nhôm và titan. Vỏ ngoài oanh tạc cơ cũng được phủ lớp sơn hấp thụ radar để tăng khả năng tàng hình.

B-2 được trang bị hai khoang chứa vũ khí trong bụng, mang được 27 tấn bom và tên lửa. Mỗi chiếc B-2 có thể mang 16 bom hạt nhân các loại, mỗi quả có sức công phá tối đa tương đương 1,2 triệu tấn thuốc nổ TNT. Oanh tạc cơ này hiện không có tên lửa hành trình hạt nhân, nhưng dự kiến được tích hợp mẫu tên lửa hạt nhân tầm xa thế hệ mới trong tương lai.

Nhu cầu xâm nhập lưới phòng không đối phương thời hậu Chiến tranh Lạnh khiến quân đội Mỹ bổ sung vai trò tấn công thông thường cho B-2 với 16 bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh (JDAM), mỗi quả nặng hơn 900 kg. Ngoài ra, nó cũng có thể mang bom liệng AGM-154 JSOW tầm bắn 80 km, tên lửa AGM-158 JASSM và JSSM-ER. Khi đối đầu với mục tiêu kiên cố, B-2 có thể mang hai quả bom xuyên GBU-57A/B nặng 13,6 tấn.

Máy bay B-2 diễn tập ném bom JDAM. Ảnh: WATM.

Từ khi ra đời, B-2 từng tham chiến ở Kosovo năm 1999, Iraq năm 2003, chống phiến quân Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001 và Libya năm 2011. Tuy nhiên, oanh tạc cơ này bị cấm bay ở một số khu vực, do nguy cơ hỏng lớp sơn hấp thụ radar trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Hầu hết phi đội B-2 đang đóng quân tại căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri, Mỹ. Chúng sẽ mất 38 giờ để bay từ đây đến Iraq với 4-5 lần tiếp liệu trên không. Mỹ cũng bố trí một số máy bay B-2 ở căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam và căn cứ không quân Fairford ở Anh.

Trong trường hợp Mỹ quyết định đánh phủ đầu, loại bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, gần như chắc chắn oanh tạc cơ B-2 sẽ được triển khai làm mũi nhọn đột kích. Chúng sẽ dùng bom xuyên GBU-57A/B công phá hệ thống hầm ngầm kiên cố của Triều Tiên, vô hiệu hóa bộ máy lãnh đạo và khả năng ra lệnh phóng tên lửa đáp trả. Những kho vũ khí và cơ sở hạt nhân kiên cố dưới lòng đất cũng có thể bị B-2 tấn công.

Khả năng tàng hình và kho vũ khí đa dạng cho phép B-2 tung đòn tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời tiết, tại bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất. Đây được xem là oanh tạc cơ mạnh nhất, cũng là khí tài chủ lực trong đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ hiện nay, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhấn mạnh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN