Ông Nguyễn Văn Chắt, xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu) có 1,7 ha nuôi trồng các loại cá truyền thống và 3 sào tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, mưa lớn trong 2 ngày qua đã khiến toàn bộ ao, hồ của gia đình ngập băng, cá tôm tràn hết ra ngoài, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Do nước chưa rút nên hiện chưa thể tìm được cách khắc phục trong thời điểm này.
Không chỉ gia đình ông Chắt mà đây còn là tình trạng của hàng ngàn hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Theo thống kê sơ bộ, đến sáng 26/9, mưa lũ đã khiến gần 500 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, 80 ha nuôi tôm tại các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương, Quỳnh Hồng, Quỳnh Diễn... bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tại huyện Yên Thành cũng trong tình trạng tương tự, nhiều vùng chuyên canh thủy sản cũng ngập chìm trong biển nước.
Anh Trần Quý Bảo, thành viên Tổ nuôi trồng thủy sản xã Đức Thành, huyện Yên Thành thở dài: "Tôi có 10 ha nuôi ốc và cua thương phẩm, tuy nhiên, mưa lớn kèm theo nước lũ đổ về nhanh quá, gia đình không kịp trở tay, tất cả các ao, hồ đều ngập băng, ước tính đã cuốn trôi 5 tấn ốc và cua đặc sản, thiệt hại trước mắt khoảng 1 tỷ đồng...".
Huyện Diễn Châu cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: "Bên cạnh nhiều diện tích hoa màu bị ngập thì toàn huyện có hơn 300 ha nuôi trồng thủy sản bị nước lũ cuốn trôi, các bờ bao, lưới chắn tại các ao, hồ, đầm tôm bị san phẳng, trong đó, thiệt hại nhiều nhất tại xã Diễn Yên với 180 ha, xã Diễn Vạn 60 ha....".
Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản đã đề nghị các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại nuôi trồng thủy sản trong đợt mưa lũ để có phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường các vùng nuôi bị thiệt hại khi nước rút. Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ tan.