(Baonghean) - Triển khai thực hiện Chỉ thị 08- CT/TU về đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa”, Anh Sơn đến thời điểm này đang là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả vận động chuyển đổi với tỷ lệ đạt 75% số diện tích có đủ kiều kiện chuyển đổi. Tuy nhiên, những giải pháp sau chuyển đổi như đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế thì vẫn chưa thực sự mạnh mẽ…
Chúng tôi về xã Tường Sơn (Anh Sơn) một trong những xã dẫn đầu trong thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết 03-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất. Trên khắp các xứ đồng của xã, sau khi bốc thăm nhận ruộng mới, bà con nông dân đổ dồn xuống từng chân ruộng phá dỡ bờ cũ, đắp bờ mới chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Linh cho biết: “Trước đây, muốn đi thăm đồng ruộng, mỗi hộ phải mất một buổi bởi vì nhiều thửa lại trên nhiều xứ đồng, bây giờ chỉ chì còn 1-2 thửa, các nông hộ có thể đi bằng ô tô vào sâu đến tận từng chân ruộng”. Gia đình bác Bùi Công Trị, thôn 6, bắt thăm ruộng mới được ô sát cạnh đường nội đồng, diện tích đến trên 3 sào (hơn 1.500m2) rất phấn khởi nói: “Gia đình tôi và một số hộ khác nhận được ruộng to rộng thế này đang có kế hoạch chung nhau mua máy cày đa chức năng. Bởi ruộng lớn đưa cơ giới hoá vào sẽ tăng năng suất, giải phóng sức lao động cũng như tăng hiệu quả kinh tế”.
Không phải là xã điểm của huyện trong xây dựng thôn mới, song để có được kết quả này, Tường Sơn từ Đảng ủy, UBND xã, đến hệ thống chính trị đã nỗ lực tích cực, vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ có giải pháp kiên trì thuyết phục vận động mà trước chuyển đổi bình quân 2,7 thửa/hộ thì sau chuyển đổi chỉ còn 1,97 thửa/hộ với diện tích đất ruộng sau chuyển đổi diện tích đã tăng lên bình quân 467m2/thửa lên 1.266m2/thửa (diện tích tăng gấp gần 3 lần). Thông qua vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất, Tường Sơn đã tu bổ, sửa chữa hệ thống đường mương nội đồng: xây dựng mới 8,5 km đường, tu sửa đường nội đồng 13,8, xây mới 9,7 km kênh mương… tạo thành bộ mặt mới trên từng cánh đồng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, một thực tế tại Tường Sơn là mặc dù đang là xã dẫn đầu toàn huyện về chuyển đổi ruộng đất nhưng chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần như chưa thực hiện được. Toàn xã chỉ có tại xóm 7 đối với diện tích bãi, đồng thời với việc chuyển đổi ruộng đất 20 đất trồng màu khác sang trồng mía. Vấn đề tăng cường đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp cũng còn rất khiêm tốn, toàn xã mới chỉ có 15 máy cày đa chức năng.
Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra công tác dồn điền, đổi thửa.
Đối với Anh Sơn, huyện xác định rất rõ, chuyển đổi ruộng đất là điều kiện tiên quyết để xoá bỏ tình trạng đất sản xuất manh mún, tập trung sản xuất thành vùng lớn. Mục tiêu đưa ra là “phấn đấu mỗi hộ chỉ còn có một đến hai vùng đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch hạ tầng nông thôn mới”. Để thực hiện được mục tiêu này, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi ruộng đất, UBND huyện đã có đề án chuyển đổi theo lộ trình và điều kiện thực tế từng địa phương. Theo đó, các xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi ruộng đất của BCH Đảng bộ, thành lập đề án triển khai đồng bộ, bài bản từ xã đến các xóm, do vậy, Anh Sơn đã thu được kết quả tốt. Qua rà soát, trong số 18 xã thực hiện chuyển đổi thì có 6.057 ha có đủ điều kiện chuyển đổi thì đã chuyển đổi được 4.558 ha đạt 75%. Trước chuyển đổi, toàn huyện có 101.670 thửa, sau chuyển đổi chỉ còn 50.163 ha. Diện tích trên mỗi thửa sau chuyển đổi là 909m2, tăng 460m2; trước chuyển đổi bình quân mỗi hộ nhận 5 thửa, sau chuyển đổi giảm xuống chỉ còn 3 thửa.
Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy ở Anh Sơn là đồng thời với việc chuyển đổi ruộng đất để đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi ruộng đất vẫn còn chậm. Giai đoạn 1, chỉ số ít diện tích tại xã Cẩm Sơn (40 ha) đã hình thành được vùng rau màu có giá trị kinh tế cao; sang giai đoạn 2 số diện tích chuyển đổi vẫn chưa đáng kể, duy chỉ có ít xã đã thực hiện như Tường Sơn chuyển đổi 20 ha trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía, hay một số xã đang triển khai chuyển đổi như Tào Sơn chuyển đổi trồng dưa. Vấn đề đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp ngay trong vụ đầu sau khi chuyển đổi ruộng đất thì vẫn chưa có chuyển biến. Như vậy, để đạt được hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi ruộng đất, Anh Sơn đang gặp khó khăn bởi các rào cản: tư duy kinh tế của người dân vẫn chưa bắt kịp và tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên chưa mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Sáng- Phó Chủ tịch UBND huyện, kiến nghị: “Đối với những diện tích đã chuyển đổi xong, và các địa phương tích cực chuyển đổi đã có hiệu quả ban đầu, tỉnh cần phải có cơ chế đặc thù hỗ trợ nông dân mua máy cày đa chức năng cũng như các nông cụ cơ giới khác để sản xuất. Cần phải đầu tư đồng bộ xây dựng cánh đồng mẫu lớn, để trở thành những mô hình hiệu quả thực sự thì mới khích lệ nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh, hiệu quả”.
Anh Sơn: Sau chuyển đổi ruộng đất - Tư duy làm ăn chưa đổi mới
Hữu Nghĩa