Cùng với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, phát huy truyền thống huyện Anh hùng LLVTND, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Anh Sơn đã có bước phát triển khá. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng được tăng cường, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần để xây dựng huyện nhà nằm trong tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Anh Sơn đã ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Sau 5 năm thực hiện, huyện đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, nổi bật là kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện (bình quân giai đoạn) đạt 10,2%/năm; giá trị sản xuất (giá cố định 2010) ước đạt hơn 6.102 tỷ đồng; giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 35,94 triệu đồng (tăng 13,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ).
Công tác thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán, tốc độ tăng bình quân thu đạt trên 10%/năm. Chi ngân sách đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, chăm lo vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Quang cảnh Anh Sơn đổi mới. Ảnh: Quang Dũng
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 so với năm 2015, thì ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 42,05% xuống còn 30,31%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,28% lên 28,19%; dịch vụ tăng từ 35,67% lên 41,5%. Sản xuất phát triển khá toàn diện, trong đó, nông nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mới theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích, bước đầu xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tiếp tục thực hiện đề án phát triển cây, con chủ lực; ban hành, triển khai các đề án nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, phát triển kinh tế trang trại; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình tiên tiến, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chăn nuôi tập trung gắn với đầu ra sản phẩm bước đầu khẳng định sự phù hợp và tính ưu việt trong sản xuất nông nghiệp.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 1.544 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 3,3%/năm; thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 78 triệu đồng/ha. Đã hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như chè, cao su, mía, sắn và nguyên liệu rừng.
Lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình chè tại xã Đỉnh Sơn. Ảnh: Thái Hiền Chăn nuôi chuyển biến tích cực, tỷ trọng tăng lên đáng kể (chiếm 40%), đã từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục phát triển, các nhà máy trên địa bàn cơ bản hoạt động ổn định; một số dự án, khu công nghiệp đang tiếp tục đầu tư xây dựng; các sản phẩm chủ lực cơ bản đạt mục tiêu đề ra; giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.787 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 14,8%/năm.
Thương mại, dịch vụ được mở rộng và phát triển đa dạng, đã và đang đầu tư xây dựng 20 công trình chợ, trung tâm thương mại với tổng mức đầu tư 422 tỷ đồng. Ban hành đề án, kế hoạch, tăng cường công tác quảng bá, từng bước hình thành điểm đến du lịch như xây dựng khu du lịch tâm linh đền Cửa Lũy, du lịch sinh thái bản Vều. Các lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ viễn thông, ngân hàng, vận tải, dịch vụ lưu trú từng bước phát triển. Giá trị thương mại - dịch vụ (giá SS 2010) năm 2020 ước đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2015, tốc độ trăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2015 - 2020 là 13%/năm.
Nhà máy xi măng Sông Lam tại xã Hội Sơn phát huy hiệu quả. Ảnh: Hoàng Vĩnh Thời gian qua, huyện Anh Sơn đã tích cực huy động các nguồn vốn (của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân) để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Huyện chủ động trong công tác tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh của huyện để vận động, thu hút đầu tư. Đồng thời xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đã có nhiều dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được triển khai, tạo tiền đề cho phát triển của huyện trong những năm tiếp theo.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6.457 tỷ đồng (vượt 34,5% kế hoạch đề ra). Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cơ bản đạt và vượt nhiệm vụ đề ra, đã và đang triển khai thực hiện nhiều công trình xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư 1.372 tỷ đồng. Hệ thống điện nông thôn được quan tâm xây dựng, đã đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo 265 km đường dây 35KV; 86 trạm biến áp và 445 km đường dây hạ thế (195,93 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, huyện Anh Sơn đạt nhiều kết quả nổi bật, đến hết năm 2020 dự kiến có 14/20 xã, 30 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 17,5 tiêu chí/xã. Công tác xây dựng đô thị văn minh từng bước được quan tâm và tập trung đầu tư xây dựng...
Sản xuất tinh bột sắn tại Công ty chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh Với quyết tâm xây dựng Anh Sơn nằm trong tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy dân chủ, ý chí, khát vọng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân; tiếp tục đổi mới, sáng tạo để có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thường xuyên giữ vững quốc phòng - an ninh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, phấn đấu xây dựng huyện Anh Sơn phát triển nhanh và toàn diện./.