Trở lại xã Thanh Liên (Thanh Chương) chỉ sau ít năm, trước mắt chúng tôi là một miền quê mới. Trên những con đường nhựa, bê tông khang trang, sạch sẽ là những hàng cây xanh và hoa; một số cụm pano, trụ cờ được xây dựng như vùng đô thị. Hệ thống trường học, trạm xá, điện chiếu sáng được quy hoạch và đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, bao quanh những con đường, trường học, trạm xá… là những vườn cây ăn trái trĩu quả; những thửa rau tốt tươi và ruộng lúa trĩu bông, tạo nên một khung cảnh miền quê đang phát triển mạnh mẽ.
Không chỉ những vị khách mới ngỡ ngàng trước thay đổi của xã Thanh Liên mà chính những người dân sinh sống nơi đây cũng cảm nhận rõ sự chuyển biến của quê nhà.
Ông Khương Xuân Trúc - Bí thư Chi bộ Liên Khai chia sẻ: Từ khi các tuyến đường xã, đường xóm được bê tông, cùng với việc UBND xã đầu tư hệ thống thùng chứa rác trên đồng ruộng và có cơ chế hỗ trợ dân làm hố rác tại gia; ban hành Quy chế bảo vệ các công trình phúc lợi và bảo vệ môi trường; lắp đặt 10 cụm camera để quản lý thì ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường được nâng lên, cùng nhau tạo cảnh sắc không gian xanh, sạch, đẹp trên từng tuyến đường, ngõ xóm và đang tiếp tục xây dựng “Lối kiểu mẫu, xóm sạch - đẹp - bình yên”.
Không chỉ tạo dựng bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp để mỗi người con đi xa luôn muốn trở về và những người ở lại quê hương tự hào đã góp phần xây dựng hình ảnh quê hương phát triển; nhiệm kỳ qua, Đảng ủy, chính quyền xã Thanh Liên tiếp tục trăn trở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Gia đình ông Hồ Sỹ Phượng ở xóm Liên Yên là hộ sớm chuyển đổi, đưa cây bưởi Diễn vào trồng với tổng hơn 2 ha; trong đó có hơn 1 ha với khoảng 500 gốc đã cho thu hoạch, năm được mùa cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng, mất mùa cũng hơn 300 triệu đồng.
Từ mô hình bưởi Diễn của ông Hồ Sỹ Phượng, đến nay ở xã Thanh Liên đã có thêm nhiều hộ trồng với tổng gần 27 ha. Và không chỉ bưởi Diễn, trên đồng đất xã Thanh Liên hôm nay còn có thêm nhiều cây ăn trái khác như bưởi da xanh, ổi, mít, thanh long ruột đỏ… với hàng chục ha. Trên diện tích đất màu được chuyển đổi làm rau hàng hóa, gồm đậu cô ve, dưa chuột, rau xanh các loại; đặc biệt là bí xanh gối vụ quanh năm, nhất là bí xanh trên đất 2 lúa cho thu nhập 109 triệu đồng/ha/vụ.
Một số diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả cũng được chuyển đổi sang làm gia trại chăn nuôi gà, lợn tập trung có áp dụng khoa học công nghệ kết hợp nuôi cá, trồng sen với tổng 25 gia trại… Nhờ đó, tổng đàn lợn, mặc dù dịch tả lợn châu Phi diễn ra nhiều nơi nhưng xã Thanh Liên vẫn giữ tổng đàn gần 3.300 con, tăng hơn 1.000 con so với đầu nhiệm kỳ; đàn trâu, bò gần 3.000 con; gia cầm hơn 100.000 con, tăng gần 25.000 con so với đầu nhiệm kỳ.
Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần với hệ thống nhà văn hóa xóm gắn với các thiết chế thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền được đầu tư đồng bộ ở các xóm, tạo phong trào sinh hoạt thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe sôi nổi ở địa phương. An ninh, trật tự được chú trọng thông qua phát huy vai trò tổ tự quản ở các khu dân cư.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm đồng bộ; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy tiếp tục nâng cao; quản lý, điều hành của chính quyền ngày càng hiệu quả; vai trò của MTTQ và các đoàn thể ngày càng rõ nét. Đảng bộ xã Thanh Liên 6 năm liên tục đạt Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Thanh Liên vốn là xã khó khăn của huyện Thanh Chương; mỗi năm chỉ 2 vụ lúa, vụ xuân ăn chắc, còn vụ hè thu với một nửa diện tích thường thiếu nước, nửa còn lại dễ ngập lụt mất trắng. Nói như vậy để thấy không dễ để có một Thanh Liên như hôm nay, mà đó chính là sự phấn đấu miệt mài của cán bộ và nhân dân, trước hết là sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mỗi chủ trương đưa ra ở xã Thanh Liên, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải là những người làm trước.
Đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Anh em trong lãnh đạo xã thống nhất với nhau, mình làm cán bộ, nói trồng lúa, nuôi con lợn, trồng cây ăn quả, phòng trừ dịch bệnh là phải biết; mà muốn biết thì phải lăn ra mà làm. Bởi vậy, trong lãnh đạo phân công, mỗi người “gánh” một mũi, người mũi trồng trọt, người chăn nuôi, người dịch vụ..., với mục đích khi bàn hay đưa ra chủ trương gì cũng phải cho thật sâu, thật sát, người sâu lĩnh vực này sẽ bổ cứu cho người sâu lĩnh vực kia và ngược lại, từ đó ai cũng sâu các mũi. Khi cán bộ nắm sâu thì nói dân nghe, dân tin, dân làm theo”.
Chính tư duy đó, hiện nay ở xã Thanh Liên có những cán bộ - nông dân sản xuất giỏi, như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã có 2 ha trồng cây ăn quả và hàng năm thu hoạch trên 30 tấn bí xanh. Hay đồng chí Phạm Văn Dần - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã sở hữu một gia trại với quy mô 25 lợn nái; 250 - 300 con lợn thịt/lứa và 0,7 ha nuôi cá thịt; 0,5 ha cây ăn quả.
Hoặc đồng chí Lưu Công Hiệp - Trưởng ban Nông nghiệp xã đảm nhận mũi chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi lợn và dịch vụ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đó còn là đồng chí Nguyễn Xuân Đắc - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp chuyên về dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa bằng máy và làm mạ khay…
Cùng với nêu gương của cán bộ, đảng viên, ở xã Thanh Liên cũng có chủ trương, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể và chi bộ “nhận việc”. Ví dụ hội cựu chiến binh chịu trách nhiệm nắm bắt tình hình dư luận xã hội để phản ánh cho cấp ủy, chính quyền; mục đích cuối cùng là nắm thông tin, xử lý thông tin khi mới phát sinh, đặc biệt là các mâu thuẫn xã hội. Hội Nông dân đảm nhận mũi sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Hội liên hiệp phụ nữ đảm nhận công tác thu gom, vệ sinh môi trường. Đoàn thanh niên chăm lo cảnh quan và các hoạt động bề nổi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Bên cạnh các yếu tố kể trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cấp ủy, chính quyền luôn phát huy tốt quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ đó, ngoài sự đồng thuận thực hiện các chủ trương, kế hoạch do cấp ủy, chính quyền đề ra, nhiệm kỳ qua, cán bộ, nhân dân xã Thanh Liên đã đóng góp cũng với các nguồn lực khác để nâng cấp đồng bộ hệ thống kênh mương thủy lợi, đường, trường học, điện thắp sáng, các công trình văn hóa, thiết chế thể thao theo hướng văn minh.
Tổng thu hút đầu tư xã hội trong nhiệm kỳ đạt hơn 78 tỷ đồng. Cùng với sức mạnh nhân dân, theo đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phan Bá Ngọc, cấp ủy, chính quyền đã huy động được trí tuệ, sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cốt cán nghỉ hưu trên địa bàn và con em xa quê trên các vùng, miền luôn hướng về đóng góp cho quê hương. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng góp phần đưa địa phương phát triển, nhất là đưa xã Thanh Liên đạt chuẩn NTM vào năm 2016 và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao.