(Baonghean) - Thực hiện mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người dân, 5 năm qua, huyện Anh Sơn đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất. Hiệu quả của hơn 500 mô hình SXKD (mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện) đã được khẳng định, phá vỡ tư duy “manh mún, nhỏ lẻ” nhiều đời nay của người nông dân Anh Sơn.
Hiệu quả từ các mô hình
Bám sát đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện và các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều hộ nông dân ở Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư vào SXKD, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại hướng vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện như chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà, trồng cây ăn quả, phát triển cây chè, mía với quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.
Cẩm Sơn là xã được ghi nhận có nhiều mô hình sản xuất được hình thành và duy trì bền vững trên địa bàn huyện Anh Sơn. Hiện Cẩm Sơn có tới 24 mô hình quy mô trang trại, gia trại. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò với quy mô 150 con của gia đình anh Đặng Trọng Dương thôn 7 xã Cẩm Sơn. Nhìn đàn bò đầy ắp trong chuồng mà chúng tôi không khỏi thán phục trước sự mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm của người nông dân này. Anh Dương chia sẻ: năm 1999, anh bắt tay vào xây dựng trang trại ban đầu với số lượng vài chục con bò.
Nhận thấy lợi thế có đất đai rộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã vay vốn ngân hàng với số tiền 600 triệu đồng để mở rộng chuồng nuôi trên diện tích 500 m2 theo quy mô lớn và liên hoàn. Đến nay, sau hơn 15 năm phát triển trang trại của anh luôn duy trì số lượng ổn định trên 100 con bò. Tiền lãi từ nuôi bò vỗ béo của anh mỗi năm cũng đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng. Từ thành công ban đầu của gia đình anh Dương, đến nay, hàng chục hộ khác trong xã cũng phát triển các mô hình chăn nuôi, tạo thành một khu vực chăn nuôi hàng hóa cho thu nhập cao và luôn có đầu ra bền vững.
Ông Đậu Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, ứng dụng KH-KT vào sản xuất, chăn nuôi và các ngành nghề nên thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 đạt trên 28 triệu đồng/người; Tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 11% theo tiêu chí mới.
Hỗ trợ cho các mô hình
Để có được những kết quả trên, huyện Anh Sơn đã tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng nông thôn; ứng dụng các tiến bộ KH-KT để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã lồng ghép các chương trình và đã tổ chức được 87 lớp học đào tạo nghề nông thôn cho trên 2.100 lao động.
Để khuyến khích người dân và các địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình nói trên, năm 2016 huyện Anh Sơn triển khai nhiều cơ chế chính sách, theo đó trên lĩnh vực chăn nuôi có 5 hạng mục: Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung theo định mức 75 triệu đồng/cơ sở giết mổ gia súc tập trung nằm trong quy hoạch được duyệt; hỗ trợ xây dựng mô hình “ủ chua thức ăn cho gia súc” mức 50% chi phí mua máy cắt, men ủ chua thức ăn cho đàn trâu, bò từ 5 con trở lên; Hỗ trợ trang trại thành lập mới cho mỗi trang trại có đủ điều kiện được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận 20 triệu đồng/trang trại; Hỗ trợ khu chăn nuôi tập trung mức hỗ trợ 30 triệu/khu trang trại. Đối với cây chè công nghiệp huyện cũng hỗ trợ trồng mới cho đồng bào dân tộc thiểu số 5 triệu đồng/ha trồng mới.
Ông Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn khẳng định: Từ chương trình xây dựng NTM, đời sống người dân Anh Sơn đã có sự thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ chỗ 21,51% năm 2011, nay chỉ còn 15,3%. Người nông dân đã thay đổi cơ bản tư duy, biết tổ chức sản xuất, biết kinh doanh và biết tự giải phóng mình, đi lên bằng sức lao động, bằng tài nguyên của chính từng làng, từng xã, từng địa phương.
Anh Sơn hiện có 10 mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản; 50 mô hình chăn nuôi bò hàng hóa; 5 mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 30 con trở lên, 5 mô hình chăn nuôi gà đồi quy mô từ 500 con trở lên tập trung ở các xã Cẩm Sơn, Tường Sơn, Khai Sơn... Mô hình bí xanh, trồng ớt cay xuất khẩu tại xã Hoa Sơn Hội Sơn Tào Sơn; mô hình cánh đồng mẫu ngô, lúa tại xã Tường Sơn; mô hình chè VietGAP tại xã Hùng Sơn. |
Huyền Trang – Thái Hiền