(Baonghean) - “Nhiều lần lính trẻ chúng tôi ngồi hát quanh quả bom nổ chậm để lấy tinh thần cho cánh lái xe bình tĩnh đi qua. Có lần máy bay Mỹ thả bom như trút và tất cả được lệnh ẩn nấp, vậy mà cô y tá trẻ vẫn ở lại ngồi cạnh một thương binh nặng, vì cô không nỡ để bệnh nhân - đồng đội ở lại một mình. Thời đó, những chuyện như thế có thể gặp hàng ngày”, Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh kể.
Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh hiện sinh sống tại xóm 10, xã Nam Anh (Nam Đàn). Ông là 1 trong 3 chiến sỹ Trường Sơn đầu tiên của Binh đoàn 559 được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT vào ngày 1/1/1967; được tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận “Người chiến sỹ giao liên Trường Sơn gùi, thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất”...
Sục sôi khát vọng
Ông Nguyễn Viết Sinh vẫn nhớ như in không khí phấn chấn của đợt tuyển quân lần thứ hai trong kháng chiến chống Mỹ. Phía trước là chiến trường khốc liệt, đầy hy sinh, vậy mà thanh niên trong làng ngày đó vẫn đầy khí thế xung phong, quyết tâm được ra trận. Ông nhập ngũ ngày 21/1/1961, vào La Ho huấn luyện một tuần, rồi qua đèo 800, thượng nguồn Bến Hải, biên chế quân vào C3, D1, Tiểu đoàn 301, Binh đoàn 559, làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa qua dãy Trường Sơn, vòng qua Lào nối liền sự chi viện giữa hai miền Nam - Bắc.
Đoàn người gùi hàng chi viện cho chiến trường miền Nam phải đảm bảo tuyệt đối bí mật. Người đi trước vạch lá rừng, người đi sau bước lên dấu chân người đi trước, người đi sau cùng phải đi thụt lùi để lấy lá rừng xóa sạch dấu vết. Rừng Trường Sơn mùa khô nắng, cháy bụi đỏ, mùa mưa trơn trượt, ẩm ướt, vô cùng gian khổ. Lúc đó tất cả đều sục sôi nhiệt huyết cống hiến sức trẻ vì độc lập dân tộc. Tập thể thi đua với tập thể, cá nhân thi đua với cá nhân. Thậm chí, mỗi người thi đua với chính bản thân mình mỗi ngày. Những khẩu hiệu như “Một cân hàng làm miền Nam bớt đổ máu”, “Một viên đạn tiêu diệt một quân thù”...
càng thôi thúc các chiến sỹ gùi hàng ngày một thêm nặng. Chàng lính trẻ Nguyễn Viết Sinh dần trở nên nổi bật với thành tích gùi hàng từ 40 - 45 kg/lần tăng lên 60 - 65kg/lần. Trọng lượng hàng hóa mang vác còn nặng hơn trọng lượng cơ thể. Thành tích gùi hàng của Nguyễn Viết Sinh nức tiếng khắp các cánh rừng Trường Sơn với danh hiệu “kiện tướng” gùi hàng. Năm 1962, Nguyễn Viết Sinh được dự Đại hội thi đua toàn quân ở Hà Nội. Từ 1961 đến 1964, chàng lính trẻ người Nghệ nâng dần trọng lượng gùi thồ có lúc lên đến 75 kg/lần. Tháng 8/1966, Nguyễn Viết Sinh là 1 trong 9 người của Binh đoàn 559 được ra Hà Nội báo cáo thành tích. Tính ra, ông là giao liên Trường Sơn đi bộ dài nhất, gùi hàng nhiều nhất. Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, Nguyễn Viết Sinh đã mang được hơn 55 tấn hàng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025 km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo.
Một ngày cuối năm 1966, qua máy thông tin 15W, Nguyễn Viết Sinh nhận được lệnh ra Hà Nội để tham dự Đại hội Anh hùng thi đua chống Mỹ cứu nước khi đang cách biên giới Việt - Lào 12 ngày đi bộ. Sau gần 2 tuần đi bộ ra đến đường ô tô, đêm nằm chờ xe mở radio nghe thì tin Đại hội Anh hùng thi đua chống Mỹ cứu nước đã bế mạc. Ngày 1/1/1967, qua radio ông mới biết mình là 1 trong 3 người đầu tiên của Đoàn 559 được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
Năm 1968, một lần máy bay địch quần thảo và thả bom như trút. Với tư cách là Chính trị viên đại đội, ông đã chỉ thị tất cả đơn vị cơ động tìm nơi trú. Khi quân địch rút, ông trở lại căn cứ của đơn vị thì thấy cô y tá vẫn ngồi bên cạnh một thương binh nặng. Nữ y tá ấy tên là Vinh, quê ở Bắc Ninh, sau này về công tác tại Bệnh viện Quân y 110. Hành động của nữ y tá gieo vào ông ý nghĩ, một người con gái trẻ còn quả cảm như thế, mình cần phải phấn đấu nhiều.
Năm 1968, ông được tổ chức cử đi học bổ túc chính trị 6 tháng, học văn hóa từ lớp 7 đến hết cấp 3 tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng ở Lạng Sơn 2 năm. Học xong ông được một đơn vị phòng không không quân xin về Hà Nội. Tuy nhiên, Nguyễn Viết Sinh đã xin trở lại chiến trường, về hoạt động tại vùng Mường Nòng (Lào). Thế là ông lại cùng đồng đội kinh qua những tháng năm đạn lửa vô cùng ác liệt. Năm 1974, khi đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 11 liên cơ giới, Sư đoàn 472, ông được cử đi học Học viện Chính trị trung cao cấp. Ông nói, bao năm mình lăn lộn chiến trường, ngày toàn thắng lại không có mặt, ruột gan như lửa đốt. Kháng chiến thành công, vui trào nước mắt vẫn “thèm” có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975 để hát vang bài ca khải hoàn.
Sáng đẹp một niềm tin
Năm 1976, ông được điều chuyển làm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 15C, Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng), giữ chức Phó Chính ủy Trung đoàn 15C. Nhiệm vụ mới là phá các núi đá, hạ dốc đèo ở vùng Tương Dương, Kỳ Sơn, mở rộng Quốc lộ 7, tạo cơ hội phát triển giao lưu hợp tác Việt - Lào. Năm 1982, sau khi đường Kỳ Sơn sang Lào thông tuyến xe cơ giới, Trung đoàn 15C sáp nhập Trung đoàn 185 thành Lữ đoàn 552, ông giữ chức Lữ đoàn phó. Như một cơ duyên, Lữ 552 lại hoạt động chủ yếu ở đất bạn Lào. Từ người chiến sỹ năm xưa chịu ơn đùm bọc của quân và dân Lào, nay lại trở lại phát triển mối tình hữu nghị tươi thắm, tri ân những vùng đất thời chiến chinh ông đã đi qua... Năm 1990, sau 30 năm quân ngũ, ông xin về hưu.
Nghĩ về truyền thống 70 năm của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh không khỏi xúc động: “Tôi vô cùng tự hào và ý thức rõ trách nhiệm để luôn xứng đáng với danh hiệu được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng. Càng tự hào hơn khi được phục vụ trong một quân đội “thần thánh” - một quân đội khi thành lập mới có 34 chiến sỹ, 10 năm sau đã đánh thắng thực dân Pháp, hơn 30 năm sau cùng toàn dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Rồi tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Hiện nay, dù tình hình khu vực có nhiều phức tạp, tôi tin Việt Nam vẫn vững vàng. Những lúc khó khăn, tôi lại nghĩ đến ánh quân kỳ rực sáng, và tin rằng quân đội ta luôn bách chiến bách thắng!”.
Ngô Kiên