Câu lạc bộ lan đột biến sông Hàn (Đà Nẵng) đã mua và sở hữu độc quyền gốc lan Giã hạc 5 cánh, bao gồm cả 8 nhánh đã được chiết ra. Mục đích để những người trong hội chiêm ngưỡng và trao đổi đam mê, cách chăm sóc, nhân giống...
Anh Võ Văn Tuyên (thị xã La Gi, Bình Thuận) - "cha đẻ" cây lan nói trên - cho biết anh chăm sóc hơn 30 tháng cây mới ra hoa. Điều đặc biệt là năm cánh hoa đều có màu trắng, bóng mượt. “Loại lan Giã hạc này rất hiếm, lần đầu tiên tôi chăm sóc”, anh nói.
Anh cũng cho biết, để chăm sóc loại lan đột biến này đòi hỏi phải kỳ công, kỹ lưỡng cũng như chấp nhận rủi ro. Lan đột biến có hai loại: Đột biến toàn phần và đột biến bán phần. Một bông hoa đột biến đẹp cần phải đạt các yếu tố như: càng bầu, căng, bóng. "Mắt" xước, gọn, sạch, cách xa thùy và không lem. "Mũi" có màu càng trắng càng quý. Các loại lan bình thường thì không bóng và luôn có độ lem màu.
Anh Võ Anh Truyền, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết cây lan của anh Tuyên là loại độc đáo, hiếm gặp, được giới chơi lan trong nước đánh giá cao. Hiện nay, loại lan này đang dần cạn kiệt. Đây cũng là cây cao giá nhất mà câu lạc bộ này mua cho tới nay. Trước đây câu lạc bộ từng mua một cây giá 2,7 tỷ đồng. Cây lan của anh Tuyên giá cao hơn bởi vì nó đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có và đạt chuẩn mẫu của cây đẹp, điều này chỉ những người chơi mới biết được.
Thời gian tới, câu lạc bộ sẽ tổ chức một buổi lễ để đặt tên lại cho cây. Anh Truyền cũng cho rằng, thường tên của lan đột biến sẽ do người chăm sóc đặt.
Anh Tuyên vốn có niềm đam mê và chơi lan nhiều năm, nhất là các loại lan đột biến. Mấy năm trước, nghe nhiều người mách, chơi lan đột biến sẽ thu được lợi nhuận cao, nhưng phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm, anh quyết định bán căn nhà đang ở tại TP HCM và chiếc xe ôtô để đầu tư. Tìm kiếm khắp nơi, anh được một người bán cho một cây lan "Giã Hạc", nuôi và tách nhánh đến hôm nay.