(Baonghean.vn) - Vượt qua gần 60 tác phẩm từ khắp mọi miền đất nước, Thượng úy Lê Như Tiến đến từ Nghệ An đã thành công khi để lại ấn tượng mạnh trong cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam năm 2016.

images1727440_anh_2.jpgThượng úy Lê Như Tiến, người giành giải Thí sinh ấn tượng trong cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam” năm 2016.

Thượng úy Lê Như Tiến, sinh năm 1985, với tác phẩm “Le Trésor de la montagne de Que Phong” (Kho báu của núi rừng Quế Phong) đã thành công khi ghi dấu trong lòng ban giám khảo (BGK) và giành giải Thí sinh ấn tượng của cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam” năm 2016.

“Le Trésor de la montagne de Que Phong” (Kho báu của núi rừng Quế Phong) là một tin ảnh miêu tả vẻ đẹp núi rừng và con người chân chất của vùng đất Quế Phong, nơi anh Tiến từng có dịp ghé thăm. Tuy nhiên, dưới sự tác động của con người mà vẻ đẹp ấy đang đứng trước nguy cơ biến mất. Từ đó, bằng tất cả tấm lòng của một người con xứ Nghệ, một người lính, anh muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ vẻ đẹp của con người, của mảnh đất này.

Tại lễ trao giải cuộc thi, ông Eric Normand Thibeault - Giám đốc Văn Phòng khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) cho biết, trong gần 60 tác phẩm đến từ các vùng miền của Việt Nam, ông rất ấn tượng với tác phẩm của anh Lê Như Tiến.

Các thí sinh và ban tổ chức, ban giám khảo chụp ảnh lưu niệm tại lễ trao giải “Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam” năm 2016 tại Hà Nội. Do tính chất công việc nên Thượng úy Tiến không thể đến tham dự buổi lễ.

Bản thân ông Thibeault biết môi trường làm việc, học tập của một người bộ đội biên phòng rất khó khăn, gian khổ. Thế nên, việc học cũng như sử dụng ngoại ngữ trong môi trường như vậy lại càng đòi hỏi anh Tiến phải có những nỗ lực không ngừng. Từ những bức hình, những thông tin về mảnh đất Quế Phong gửi về cuộc thi khiến ông Thibeault và BGK rất thích thú cũng như đánh giá cao.

Từ bài dự thi của anh Tiến, ông Thibeault bày tỏ chỉ muốn thực hiện ngay một chuyến du lịch để khám phá mảnh đất này.

Hiện Thượng úy Tiến đang công tác tại Bộ đội Biên phòng Nghệ An từ hơn 4 năm nay.

Chia sẻ về giải thưởng gặt hái được từ cuộc thi, Tiến cho biết anh rất bất ngờ khi giành được giải thưởng cũng như nhận được những tình cảm chân thành từ BGK. Bản thân anh rất vui vì những nỗ lực học ngoại ngữ mà cụ thể ở đây là tiếng Pháp giúp anh bước đầu nhận được những thành quả đáng khích lệ.

Sinh ra ở Thị xã Thái Hòa, Lê Như Tiến bắt đầu làm quen với môn tiếng Pháp từ những năm THPT. Khi chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, để vừa thực hiện ước mơ trở thành một quân nhân nối nghiệp gia đình, lại vừa muốn học ngoại ngữ, anh quyết định theo học ngành cử nhân ngoại ngữ của Học viện Khoa học Quân sự. 

Suốt những năm tháng học đại học và cả khi sau này được phân về công tác tại Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho đến nay, niềm yêu thích ngoại ngữ vẫn luôn tràn đầy trong anh. Hễ có thời gian rảnh anh đều tự học, tự rèn luyện lại không chỉ vốn kiến thức về tiếng Pháp mà còn cả về tiếng Anh. Vốn không có môi trường để tự rèn luyện, hằng ngày anh Tiến tự trau dồi từ vựng bằng việc đọc các tờ báo, nghe đài, các bài hát bằng tiếng Pháp dù là đang đi đóng quân ở miền cao hay đồng bằng. 

Biết đến cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam” thông qua một lần đọc báo tiếng Pháp, anh Tiến quyết định thử sức tham gia với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp, văn hóa và đặc biệt là con người Nghệ An đến bạn bè quốc tế trong cộng đồng Pháp ngữ. Bởi trong mắt người lính bộ đội cụ Hồ ấy, mảnh đất, con người xứ Nghệ quê hương có rất nhiều điều tuyệt vời cho bạn bè năm châu đến khám phá.

Cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam” năm 2016 do tờ báo Le Courrier du Viet Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam lần đầu tiên tổ chức dành cho các bạn trẻ học tiếng Pháp ở độ tuổi 18 đến 35.

Cuộc thi có sự đồng hành của Văn Phòng khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phái đoàn Wallonia-Brussels tại Hà Nội. Cuộc thi còn nhận được sự hỗ trợ từ các đại sứ quán khác, các cơ quan và đoàn thể Pháp ngữ ở Việt Nam (GADIF), UNESCO và nhiều đơn vị khác. 

Cuộc thi diễn ra trong hơn 4 tháng. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 21/10 tại Hà Nội với 7 giải thưởng được trao gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba, 2 giải khuyến khích, 1 giải Thí sinh ấn tượng và 1 giải dành cho bài được nhiều lượt bình chọn nhất.

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN