Nhiều sai lầm trong ăn uống khiến cho nguồn dinh dưỡng thay vì giúp cơ thể phát triển, khỏe, đẹp lại trở thành “tội đồ” gây bệnh và rút ngắn tuổi đời.
 
Vừa ăn vừa uống là thói quen không ít người mắc phải. Thói quen xấu này dễ làm căng dạ dày, dịch tiêu hóa bị… pha loãng nên hoạt động tiêu hóa trở nên khó khăn. Một số người do hạn hẹp thời gian nên ăn uống vội vàng khiến thức ăn không được nhai kỹ, buộc dạ dày phải “làm lại từ đầu”, lâu dần sẽ gây đau dạ dày.
 
Cha mẹ bận rộn, trẻ thường phải ngồi ăn với… ti vi, máy tính bảng. Khi quá tập trung vào việc xem, đọc, hệ tuần hoàn ưu tiên dưỡng khí và dưỡng chất cho não, “quên” hệ tiêu hóa, dạ dày rơi vào tình trạng không đủ “nhiên liệu” để làm việc. Tình trạng này kéo dài sẽ gây viêm loét dạ dày - tá tràng.
 
Ăn nhanh, nuốt vội không chỉ làm rối loạn hoạt động của dạ dày mà còn có thể gây đầy hơi do nuốt nhiều không khí. Theo BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, việc ăn quá nhanh còn có thể gây thừa cân béo phì. Bộ não con người cần khoảng 20 phút để nhận tín hiệu từ dạ dày thông báo “đã no”. Việc nuốt vội có thể làm cho cơ thể “hoàn thành vượt định mức”, dễ thừa năng lượng, gây béo phì.
images1098891_3.jpg
 
Việc uống nhiều nước một lần sẽ làm cho thận tăng hoạt động để đẩy nhanh nước ra ngoài, trong khi đó tế bào vẫn thiếu nước. Nhai thật kỹ thức ăn sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong khoang miệng, tuyến nước bọt có chức năng phân hủy tinh bột thành đường (trẻ hay ngậm cơm vì chúng thấy ngọt). 
 
Thức ăn được răng nghiền nhuyễn, nhờ vậy khi xuống đến dạ dày thì việc nhào trộn với dịch vị, dịch tụy, dịch mật được dễ dàng và nhanh chóng. Nhai còn là động tác báo động để dạ dày chuẩn bị đón thức ăn, khởi động nhu động của dạ dày và ruột.
 
Buổi ăn tối cần nhẹ nhàng, cách giờ đi ngủ từ hai-ba giờ. Một bữa ăn quá… “hoành tráng” vào chiều tối không chỉ buộc hệ tiêu hóa dốc toàn lực xử lý thức ăn, mà cả tim cũng phải cật lực hoạt động để cung cấp dưỡng chất và dưỡng khí cho hệ tiêu hóa hoạt động. 
 
Ăn uống điều độ, đúng giờ, ăn vừa đủ no là cách giúp cho cơ thể hoạt động điều hòa, không bị quá tải dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa.
 
Có thể kiểm soát việc cung cấp nước cho cơ thể theo… màu nước tiểu. Nước tiểu trong là đủ nước, nước tiểu vàng là thiếu nước, cần bổ sung ngay.
 
Lương y Đinh Công Bảy, Hội Dược liệu TPHCM chia sẻ: “Các loại nước uống: nước tinh khiết, nước ép trái cây, sinh tố… không nuốt ngay mà nên lưu lại miệng một thời gian để làm nóng và thấm dịch tiêu hóa trước khi chuyển xuống dạ dày. Nhờ đó dạ dày không bị nóng hoặc lạnh đột ngột. Nóng quá dạ dày dễ bị sưng tấy, lạnh quá lại gây co mạch cục bộ khiến chức năng tiêu hóa bị rối loạn, dễ tiết nhiều axít gây viêm loét dạ dày”.
 
Theo BS Lê Thiện Anh Tuấn, Hội Y học TPHCM, dạ dày sẽ co bóp, nhào trộn thức ăn để chuyển hóa thành những chất cơ thể dễ dàng hấp thu. Vì vậy, sau khi ăn xong không vận động ngay vì sẽ cản trở quá trình tiêu hóa. 
 
Sau khi ăn, không nên đi tắm ngay, nhất là tắm nước lạnh vì thân nhiệt sẽ hạ đột ngột, cản trở quá trình tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa bị trục trặc, dưỡng chất nuôi cơ thể thiếu hụt, chắc chắn da sẽ không còn mịn màng, tươi sáng, hồng hào.
 
Theo Alobacsi.vn