(Baonghean) - Lào - đất nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông với Việt Nam thường được bè bạn quốc tế nhắc đến như một đất nước yên bình, hiền hòa. Đạo Phật ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, thể hiện trong từng khía cạnh đời sống văn hóa, tạo nên một dân tộc Lào với dấu ấn rất riêng.
Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỷ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới. Được truyền bá đến Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ VII, từ thế kỷ XIV Phật giáo đã trở thành quốc giáo. 90% dân số Lào theo đạo Phật và người Lào có sự gắn kết hết sức chặt chẽ, tự nhiên với chùa chiền và những gì thuộc về Phật giáo. Sự hiện diện của Phật giáo trong văn hoá và đời sống của người Lào, thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ. Qua từng thời kỳ, có sự phát triển nhưng đều lưu giữ những nét đặc trưng như mái nhà cong, gợi nhớ đến kiến trúc chùa của đạo Phật.
Đến thăm đất nước Triệu Voi vào dịp Tết Bunpimay, du khách sẽ không khỏi ấn tượng trước hình ảnh lễ hội tươi vui, nhộn nhịp. Cùng với tục té nước, nghi thức tắm Phật ở chùa đã trở thành nét văn hóa tâm linh độc đáo của người Lào, là hành động thể hiện sự thành kính đối với đức Phật vì đã gieo niềm tin yêu cuộc sống cho con người. Đến giờ hoàng đạo, Nàng chúa Xuân - người đẹp của lễ hội cùng các cô gái trong trang phục rực rỡ diễu hành qua các phố và làm lễ tại chùa Xi Mương - ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng của Lào. Rồi hòa vào giai điệu của âm nhạc, người dân địa phương và du khách cùng múa hát, cầu chúc cho một năm ấm no, yên bình. Sự mến khách và cách cư xử của người Lào, cộng với những nét văn hóa truyền thống ở xứ sở Chămpa khiến cho đất nước này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách.
Phương Thảo