(Baonghean) - 1. Trung Quốc “mua thù, chuốc oán”
Đông Bắc Á là một trong những điểm nóng hiện nay. Về lâu dài, Đông Bắc Á sẽ là điểm nóng nhất hành tinh.
Tại khu vực này, với sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế vượt trội, Trung Quốc đã và đang hành động thiếu trách nhiệm, bất chấp luật pháp quốc tế và muốn thay đổi hiện trạng khu vực theo ý đồ của mình. Phía đối diện, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Nhật Bản quyết không chịu sự áp đặt ngang ngược của Trung Quốc.
Các ân oán trong lịch sử “cộng hưởng” với các mâu thuẫn về lợi ích và hệ giá trị giữa hai cường quốc làm cho quan hệ Trung - Nhật luôn ở trong trạng thái căng thẳng “bằng mặt, không bằng lòng” và thiếu lòng tin với nhau.
Tháng 9/2012, chính quyền Okinawa quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật Bản và Tokyo quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc Senkaku là công việc nội bộ của Nhật Bản. Trung Quốc tự nhận Senkaku/Điếu Ngư là của Trung Quốc và cho rằng việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Không ai biết nhà nước Trung Quốc có kích động chủ nghĩa dân tộc chống Nhật Bản hay không, sau khi chính quyền Okinawa quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo ở Senkaku, hàng triệu người ở 80 thành phố lớn, nhỏ ở Trung Quốc rầm rộ biểu tình phản đối Nhật Bản.
Cùng với không khí sục sôi biểu tình phản đối Nhật Bản ở các thành phố, ngày 14/9/2012, Trung Quốc còn cho 6 tàu tuần tra cùng một lúc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là hành động gây căng thẳng nhất của Trung Quốc trong hơn 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật (năm 1972).
Vào cuối năm 2012, quan hệ Trung - Nhật đã rơi vào khủng hoảng và xuống điểm thấp nhất kể từ 1972.
Ngày 23/11/2013, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao trùm lên quần đảo Senkaku và bao chiếm 2.300 km2 vùng biển của Hàn Quốc. Với hành động này, một lần nữa, Trung Quốc lại vi phạm hệ thống luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế, đi ngược lại những điểm mà Trung Quốc đã hứa hẹn, cam kết.
Để chủ động đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chiều ngày 1/7/2014, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe (gồm Đảng Dân chủ Tự do và Đảng New Komeito) đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi Điều 9 hiến pháp hòa bình 1945 cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể, tức là gỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn cản quân đội Nhật Bản tham chiến ở bên ngoài kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 - 1945.
Tháng 4/2014, trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Mỹ B.Obama đã tuyên bố công khai: Chiếu theo điều 51 của Hiệp ước An ninh song phương Mỹ - Nhật ký 1960, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản, bao gồm cả Senkaku.
Chính những động thái của Trung Quốc đối với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và với các nước ASEAN trên biển Đông là động lực thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật và thúc đẩy hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ - ASEAN - Australia để đối phó với Trung Quốc.
2. Trung Quốc nắm giữ “chìa khóa” an ninh Đông Á
Tình hình an ninh Đông Bắc Á hòa dịu hay căng thẳng chủ yếu là do Trung Quốc tạo ra. Rộng ra, tình hình an ninh xung quanh Trung Quốc, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thái độ và cách hành xử của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.
Để biện minh cho việc tăng chi tiêu quốc phòng hai con số liên tục trong hơn 2 thập niên, Trung Quốc thường tung hỏa mù là thường xuyên phải đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ cả bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Đó là sự lừa dối. Trung Quốc có 15 quốc gia chung biên giới trên bộ và trên biển, không một quốc gia nào dại dột và có sức mạnh đe dọa Trung Quốc.
Từ 1/10/1945 đến nay, Trung Quốc đã gây ra 4 cuộc chiến tranh xâm lược láng giềng: xâm lược Ấn Độ 1962, xâm lược Liên Xô 1969, xâm chiếm quần đảo Hoàng của Sa Việt Nam 1974, xâm lược Việt Nam 1979. Trung Quốc tổ chức 2 cuộc xung đột quân sự chiếm đoạt biển đảo các nước: 1988 chiếm 7 đảo của Việt Nam tại Trường Sa, 1995 chiếm đảo Vành Khăn của Philippine và có hàng chục vụ gây hấn, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Philippin, Nhật Bản, Malaysia… Tại Đông Bắc Á, các năm 2012, 2013, 2014, Trung Quốc đã tạo ra nhiều “sự cố” làm cho an ninh khu vực nóng lên.
Cuộc điều tra của hãng BBC World Service vào tháng 6/2014 cho kết quả: Chỉ 3% người Nhật ủng hộ Trung Quốc (thấp nhất kể từ 1950). Tại Hàn Quốc chỉ 32% người có cái nhìn tích cực và 56% người có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Toàn châu Á: 73% người được hỏi cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra các rắc rối, bất ổn ở khu vực. Tại Liên bang Đức - trụ cột của Liên bang châu Âu, chỉ 10% người được hỏi nhìn Trung Quốc với cặp mắt tích cực, 76% người Đức ghét cay, ghét đắng Trung Quốc.
Trước tình hình bị người dân châu Á nói riêng và cả thế giới nói chung tẩy chay, năm 2015 và năm 2016, lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng ôn hòa, mềm dẻo hơn đối với các nước Đông Á nói riêng, đối với Mỹ và các quốc gia trên thế giới nói chung, trong khi tư tưởng sô vanh nước lớn không bao giờ thay đổi. Điều đó, được minh chứng bằng các sự kiện: Vào ngày 19/3/2015, tại Tookyo Nhật Bản, diễn ra cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên về an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc do Thứ trưởng ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu chủ trì. Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết cuộc gặp cấp cao Trung - Nhật lần này (sau 3 năm gián đoạn) có tầm quan trọng nhằm cải thiện lòng tin lẫn nhau giữa hai cường quốc về an ninh. Tại cuộc gặp, phía Nhật Bản đề nghị thiết lập một cơ chế liên lạc Trung - Nhật để tránh sự cố xảy ra về hàng không và hàng hải, nhưng ông Lưu Kiến Siêu chưa sẵn lòng đáp ứng. Tiếp theo cuộc hội đàm cao cấp Trung - Nhật ở Tokyo 19.3.2015 và ngày 21.3.2015, tại Seoul (Hàn Quốc), có cuộc hội đàm bộ trưởng ngoại giao 3 nước Trung Quốc (Bộ trưởng Vương Nghị), Hàn Quốc (Bộ trưởng ngoại giao Yu Byung se), Nhật Bản (Bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida). Tại cuộc hội đàm, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí nhận thấy cần thiết phải giải quyết bất đồng và thúc đẩy hợp tác, từng bước cải thiện quan hệ song phương và ba bên giữa 3 quốc gia Đông Bắc Á. Ba bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục gặp nhau chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Trung - Hàn - Nhật càng sớm càng tốt.
Từ cuộc hội đàm cấp cao Trung - Nhật ngày 19.3.2015 và hội đàm 3 bộ trưởng ngoại giao Trung - Hàn - Nhật ngày 21.3.2015, có thể rút ra một số nhận xét:
Một là, cả hai cuộc hội đàm cấp cao Trung - Nhật và Trung - Nhật - Hàn đều do Trung Quốc chủ động đề xuất, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai bên hưởng ứng, chấp nhận. Nếu Trung Quốc không khởi xướng thì không bao giờ có đàm phán hai ba bên ở Đông Bắc Á. Nghĩa là, Trung Quốc chủ động xuống thang để sửa sai 2012 - 2014.
Hai là, cho dù chưa có đột phá, các cuộc đàm phán Trung - Nhật và Trung - Nhật - Hàn cũng đã góp phần làm cho an ninh Đông Bắc Á chuyển động theo hướng tích cực. Điều này thuận theo xu thế của thế giới và phù hợp với mong muốn của các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Ba là, các cuộc đàm phán Trung - Nhật và Trung - Nhật - Hàn là bước chuẩn bị dọn đường cho chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9/2015.
Ai cũng biết, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Bắc Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Nếu Trung Quốc cứ làm căng, gây hấn với Nhật Bản, thì sẽ ảnh hưởng xấu đến chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình. Mục đích chủ yếu của chuyến thăm Mỹ cuối 2015 của ông Tập Cận Bình là giảm căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Tại Washington cuối 2015, ông Tập sẽ thuyết phục Mỹ hiểu thiện ý của Trung Quốc là Trung Quốc luôn thành tâm thiết lập quan hệ ổn định mang tính xây dựng với Mỹ nói riêng và với các nước láng giềng châu Á nói chung!
Bốn là, trong 2 năm (2015 - 2016), dự báo Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo hướng hòa dịu để triển khai chiến lược toàn cầu của họ và với Việt Nam cũng sẽ nằm trong xu hướng đó. Tuy nhiên, về lâu dài, Đông Bắc Á được dự đoán sẽ là điểm nóng nhất hành tinh, bởi tư tưởng sô vanh nước lớn của Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi.
Lê Văn Cương
Hà Nội, 26.3.2015