Nguy cơ tai nạn cao
Dù sự việc xảy ra đã lâu, song mỗi khi nhắc đến, ông Nguyễn Đức H. ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu vẫn còn hốt hoảng, kèm theo đó là sự phẫn nộ, bức xúc. Chuyện là vào một ngày cuối năm 2018, ông H. đi ăn tất niên ở nhà anh em tại huyện Quỳnh Lưu trở về, mặc dù ông đã xin đường để rẽ trái, nhưng từ xa chiếc xe khách đi ngược chiều chiếu thẳng đèn công suất cao vào mặt. Vậy là chỉ trong giây lát bị lóa mắt, dù đã qua được đường nhưng ông đã lao xuống ruộng, cả người và xe bổ nhào.
Sau sự việc ông phải nằm viện điều trị gần tháng trời vì đa chấn thương, chưa kể tay còn phải bó bột. Ông H. quả quyết “Không chỉ có tôi, mà bất kỳ ai nếu đi ngược chiều với những xe như vậy đều bị chói mắt, rất khó quan sát, thậm chí không nhìn thấy đường phía trước, mà chỉ chạy theo quán tính và khó tránh khỏi tai nạn”.
Tương tự, anh Đặng Thọ Tr, trú ở TP Vinh, là tài xế taxi cho biết, việc “độ” đèn xe, đặc biệt đối với ô tô, làm cho lái xe chạy ngược chiều cảm thấy bị chói mắt, ức chế và tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông sẽ cao hơn.
Anh cho hay, đối với những tuyến đường có dải phân cách ở giữa còn đỡ, nhưng với những tuyến đường không có dải phân cách mà lỡ gặp xe ngược chiều dùng đèn pha đã được “độ” rọi thẳng vào thì rất chói. Vốn có kinh nghiệm, khi gặp những trường hợp này, anh đều phải bình tĩnh rà phanh, giảm tốc độ xe để giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước, đồng thời giữ chắc tay lái, không đánh sang phải, trái, có như vậy mới tránh được va chạm.
Quả thực, hiện nay tình trạng chủ phương tiện “độ” hệ thống đèn pha, đèn sương mù phía trước, lắp thêm các loại đèn chiếu có cường độ lớn diễn ra khá phổ biến. Phương tiện vi phạm rất đa dạng, ngoài số ít xe máy thì, từ xe tải, xe khách, container đến xe ôtô gia đình đều chế thêm đèn led gắn ở đầu xe, biển số, xung quanh thành xe và cả ở đuôi xe.
Đơn cử như xe khách giường nằm hầu hết đều lắp đèn led phía trước cabin. Họ thường đấu mạch với công tắc nháy đèn xin đường, nên khi bật công tắc xin đường để vượt thì đèn chói vào xe đi chiều ngược lại rất nguy hiểm.
Với thực tế đó, trên các diễn đàn mạng xã hội về ô tô, xe máy, có khá nhiều ý kiến bức xúc. Có người cho rằng “Đang đi đường bị đèn này chiếu vào thì đảm bảo như bị mù hoàn toàn trong vòng ít nhất năm giây. Trong khoảng thời gian “mù tạm thời” ấy thì chỉ biết lái xe bằng niềm tin mà thôi”; “Gặp xe có đèn pha lớn là gần như mù, không thấy đường, chỉ đi theo quán tính. Rất nguy hiểm, lúc ấy nhỡ có người đi bộ hoặc xe đạp bên lề thì rất dễ xảy ra tai nạn”...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thực tế thì việc lắp thêm các loại đèn này rất dễ dàng, chỉ cần đến các cửa hàng buôn bán phụ tùng xe ô tô là có thể lắp đèn xe với đủ loại ánh sáng, cường độ khác nhau.
Tại một cửa hàng chuyên “đồ chơi” ô tô trên đường Mai Hắc Đế (TP Vinh), một nhân viên kỹ thuật cho biết: Có nhiều loại đèn led, đèn xenon để gắn vào xe máy, xe ôtô, với mức giá dao động từ 250.000 - 750.000 đồng tùy theo độ sáng của từng loại đèn. Đối với những loại đèn có hiệu ứng cao hơn như chiếu sáng mạnh, đá đèn liên tục, nhấp nháy khi bấm còi, xin vượt… thì mức giá chênh hơn.
Ngoài ra, nếu lắp bóng xenon, độ sáng tăng khoảng 250-300% so với bóng halogen nguyên bản, có thể lựa chọn được màu ánh sáng. Cũng theo người này, hiện nay các chủ xe không chỉ “độ” đèn trước, sau, mà còn “độ” đèn gầm, gương chiếu hậu, biển số, cửa xe, đối với xe khách còn thiết kế dàn đèn 2 bên thành xe, trên nóc xe...
Cần sự phối hợp đồng bộ trong xử lý
Anh Trần Nhân Quang, thợ sửa xe lâu năm tại một trung tâm sửa chữa ô tô chất lượng cao, trên địa bàn TP. Vinh cho biết: Việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ô tô tiềm ẩn nguy hiểm cho những người tham gia giao thông vì loại đèn này cường độ sáng rất mạnh, gây chói mắt người đối diện.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp nên dễ gây nguy cơ mất an toàn, chưa kể khả năng chập điện, cháy, nổ rất cao do nguồn điện của phương tiện không đáp ứng nổi dễ gây quá tải. “Bởi thực tế nếu muốn “độ” đèn buộc phải thay đổi một vài bộ phận, kết cấu bên trong xe, đấu nối thêm đường điện...”, anh Quang cho hay.
Về phía đơn vị đăng kiểm, ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, thuộc Sở GTVT Nghệ An, cho biết: Thực hiện đúng quy trình, quy định và hướng dẫn trong công tác kiểm định, lâu nay trong quá trình đăng kiểm, cơ quan kiểm định sẽ từ chối phương tiện “độ” đèn. Nhưng thực tế, nhiều lái xe đã tìm cách “lách” luật bằng hình thức trước khi đi đăng kiểm thì tháo đèn “độ” ra, chỉ để lại đèn nguyên bản, nhưng sau khi kiểm định lại lắp vào nhằm qua mặt cơ quan đăng kiểm.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Để ngăn chặn các nguy cơ gây mất an toàn và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng có cường độ lớn sai quy định. Từ trước tới nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông các đội, các địa phương đều không bỏ qua lỗi này.
Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 16 Nghị định 46/2016 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), chỉ quy định xử phạt đối với trường hợp ô tô lắp thêm đèn led ở phía sau xe với mức từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng bằng lái 1-3 tháng. Với trường hợp “độ” đèn ở các vị trí khác, khi phát hiện thì yêu cầu tháo dỡ chứ không xử phạt được.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (thay thế Nghị định 46/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020) thì việc xử phạt đã được mở rộng. Theo đó, hành vi lắp thêm đèn led ở bất kỳ vị trí nào trên xe nếu sai thiết kế của nhà sản xuất gồm phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe… đều sẽ bị phạt (mức phạt vẫn giữ nguyên như Nghị định 46/2016).