Quân đội Ấn Độ sẽ mua 1.770 xe tăng hiện đại nhằm thay thế cho loại xe tăng đã lỗi thời T-72, hiện đang trang bị cho lực lượng vũ trang Ấn Độ, và siêu tăng T-14 Armata sẽ là ứng cử viên quan trọng và ưu tiên hàng đầu cho hợp đồng mới với tổng giá trị lên tới 4,5 tỷ USD này, hãng tin Interfax dẫn lời The Diplomat cho biết.

104044-1.jpgẤn Độ sẽ mua siêu tăng Armata của Nga.

Nguồn tin này cũng tiết lộ rằng, Tham mưu trưởng của quân đội Ấn Độ Bipin Rawat đang có chuyến thăm và làm việc tại Nga. Chuyến thăm được xem như là một nỗ lực để thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa hai nước. Và trong các nội dung hội đàm nhiều khả năng vấn đề mua siêu tăng Armata có thể được thảo luận.

Điều đáng chú ý là chuyến thăm của phái đoàn quân sự Ấn Độ do ông Rawat dẫn đầu trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Ấn Độ ở Delhi vào hai ngày 4-5/10. Dự kiến tại đây các hợp đồng quốc phòng sẽ được ký kết với tổng trị giá khoảng hơn 10 tỷ USD.

Ngoài ra, nguồn tin này cũng cho biết rằng, quyết định về việc ưu tiên trang bị các loại xe tăng, xe bọc thép hiện đại cho các lực lượng bộ binh Ấn Độ đã được thông qua, theo đó quân đội Ấn Độ sẽ sở hữu loại xe tăng tương tự như Armata của Nga, Oplot của Ukraine và K-2 Black Panther của Hàn Quốc. Theo kế hoạch của lực lượng này các xe tăng mới sẽ được sản xuất tại Ấn Độ nhờ các công ty tư nhân hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài.

Đồng thời nguồn tin này cũng lưu ý rằng, các trang thiết bị được sản xuất ở Nga sẽ là cơ sở để Ấn Độ hiện đại hóa lực lượng bộ binh của họ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong chuyến thăm này ông Rawat cũng có thể thảo luận các vấn đề liên quan đến việc bảo dưỡng kỹ thuật và hiện đại hóa các thiết bị quân sự của Nga, hiện đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Ấn Độ. Nên nhớ rằng, mặc dù Ấn Độ mua khá nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự của Mỹ và Pháp nhưng tổng thể họ vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí Nga.

Ngoài ra cũng có thể trong chuyến thăm này Ấn Độ sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga. Quá trình đàm phán giữa hai bên về việc cung cấp hệ thống này đã diễn ra từ lâu nhưng hiện đang đi vào bế tắc.

Trước đó, việc Ấn Độ tuyên bố muốn mua S-400 đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ. Thậm chí phía Mỹ đã đe dọa rằng, nếu Ấn Độ hoàn tất việc mua hệ thống phòng không này, Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA).

Vì vậy, nếu trong cuộc gặp lần này, các thỏa thuận về việc mua xe tăng, xe bọc thép và các loại trang thiết bị quân sự giữa Ấn Độ và Nga được ký kết, nhiều khả năng Mỹ sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ giống như Mỹ đã làm với Trung Quốc mới đây.