T-14 Armata là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tối tân nhất của Nga, được đánh giá là mở ra cuộc cách mạng trong việc thiết kế và chế tạo MBT khi nó sử dụng tháp pháo dạng module tách biệt hoàn toàn với phần thân.
Theo quảng cáo của người Nga, vỏ giáp của T-14 Armta đủ sức chịu đựng sức công phá của đạn pháo 120 mm bắn thẳng vào mặt trước, các hệ thống cảm biến tinh vi giúp nó nhận biết các mối đe dọa từ sớm đi kèm "bộ não" là hệ thống kiểm soát hỏa lực tinh vi để xe tăng bắn chính xác khi đang hành tiến ở tốc độ cao trong mọi điều kiện thời tiết.
Với những ưu điểm vượ trội, khung gầm của T-14 còn được sử dụng để phát triển xe chiến đấu bộ binh T-15, xe cứu kéo T-16 và mới đây nhất là pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 Armtata.
Tuy nhiên tham vọng của người Nga chưa dừng lại ở đó, do xác định là "vượt trội" mọi loại xe tăng của NATO trong cả hiện tại lẫn tương lai cho nên khẩu pháo 125 mm 2A82 là chưa đủ mà pháo chính của Armata phải được nâng lên tới 152 mm như chiếc Object 292 trong quá khứ.
Bên cạnh đó xe tăng T-14 còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Afghanit, đây là vũ khí rất cần thiết khi các chiến xa M1 Abrams đã được tích hợp tổ hợp Trophy trong khi trên ZTZ-99 của Trung Quốc sẽ là GL5, bởi vậy mà Armata không thể tụt hậu.
Việc phát triển hai vũ khí trên tuy có khó khăn nhưng vẫn nằm trong tầm tay người Nga, chỉ có một vấn đề vướng mắc nhất chính là trái tim dành cho T-14 vẫn chưa được định hình.
Với trọng lượng lên tới trên 50 tấn khi mang đủ những vũ khí, khí tài trên cho nên động cơ của Armata phải có công suất tối thiểu 1.500 và tối ưu là 2.000 mã lực để giúp con quái vật thép này đạt tốc độ 70 - 90 km/h.
Đáng tiếc rằng hiện nay công nghiệp quốc phòng Nga chưa thể thay thế sự thiếu vắng của Ukraine do cơ sở vật chất chủ chốt vẫn nằm trên đất Kiev, Nga có khả năng bù đáp chỗ trống nhưng đó không phải là ở tương lai gần, trong khi thời hạn sản xuất hàng loạt Armata đã cận kề.
Bởi vậy cũng giống như các tàu tên lửa Buyan-M đang phải lắp tạm động cơ diesel tăng áp của Trung Quốc, đã có đề xuất cho rằng Nga hãy mua "trái tim" của xe tăng VT4 để tích hợp cho Armata.
Động cơ của xe tăng VT4 được Trung Quốc chế tạo theo công nghệ của Đức với độ tin cậy khá cao, nó có công suất máy 1.300 mã lực, mặc dù chưa đạt yêu cầu nhưng vẫn còn tốt hơn loại A-82-2 1.200 mã lực hiện nay.
Do yêu cầu chế tạo hàng loạt đã rất cấp thiết, cho nên nếu như tiến độ phát triển pháo 152 mm và hệ thống APS Afghanit hoàn thiện trước thì viễn cảnh xe tăng Nga lắp động cơ Trung Quốc trong những lô sản xuất đầu tiên hoàn toàn có thể xảy ra.