Theo đó, trên phố đi bộ sẽ có các hoạt động văn hóa, giải trí như: Trò chơi dân gian, dân ca ví giặm, âm nhạc đường phố, viết thư pháp, trình diễn thời trang, phố sách…
Cụ thể, lòng đường tại ngã ba đường Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Văn Cừ; đầu và giữa đường Nguyễn Văn Cừ sẽ được sử dụng để tổ chức biểu diễn ca nhạc đường phố với các loại nhạc hòa tấu, độc tấu, ca khúc hiện đại, nhảy Zumba, khiêu vũ thể thao… do các đơn vị như Thành đoàn Vinh, Đoàn ca múa nhạc dân tộc, các nhóm nhạc, nhóm nhảy thực hiện.
Trên lòng đường Hồ Tùng Mậu sẽ là các trò chơi dân gian như: Nhảy sạp, đi cà kheo, nhảy dây, ô ăn quan, thẻ chuyền… ở mỗi điểm sẽ bố trí người hướng dẫn cách chơi.
Khu vực trước Trung tâm văn hóa tỉnh được bố trí sân khấu để diễn xướng Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh; biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc.
Khu vực vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, phía bên núi Chung sẽ là các hoạt động như: phố sách di động, viết thư pháp, vẽ chân dung, vẽ tranh cát, nặn tò he, tạo hình bóng bay nghệ thuật…
Ngoài ra, bố trí các đội múa lân sư rồng biểu diễn lưu động trên các tuyến phố đi bộ phục vụ người dân thưởng thức, chiêm ngưỡng.
Đặc biệt, thành phố có ý tưởng sẽ tạo một không gian riêng mời các nghệ nhân Mông, Thái, Khơ mú, Thổ… trình diễn các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng các dân tộc miền Tây Nghệ An; phối hợp với ngành văn hóa các huyện tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ nhằm quảng bá nét đặc sắc của các địa phương, các vùng miền trong tỉnh đến với đông đảo người dân.
Ngoài ra, bố trí các gian hàng để ngành du lịch quảng bá các tour, tuyến, các điểm đến ở Nghệ An.
Riêng về ẩm thực, khu vực vỉa hè các tuyến phố, bố trí các gian hàng kinh doanh nước giải khát, ăn vặt, cà phê, đồ nướng. Khu vực đường Hồ Sỹ Dương dù không ở trong quy hoạch phố đi bộ, song thành phố sẽ cắm biển cấm đỗ xe, nâng cấp hạ tầng, sắp xếp lại kinh doanh để phục vụ người dân, du khách thưởng thức đặc sản cháo, súp lươn xứ Nghệ.
Ngoài ra, ở các tuyến phố sẽ bố trí các gian hàng giới thiệu các đặc sản Nghệ An như: bánh đa, kẹo lạc, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương, bột sắn dây, hải sản khô… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
“Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực là “xương sống” trong chuỗi các hoạt động của phố đi bộ. Do đó, phải được tổ chức bài bản với nội dung chương trình phong phú, đặc sắc, đặc biệt tạo không gian mở để người dân, du khách được hòa mình vào các hoạt động đó và hào hứng tham gia.
Ban đầu, để tạo hiệu ứng, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi, vận động các câu lạc bộ, đội, nhóm, các trường học, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tham gia các hoạt động, khi đi vào nề nếp, tạo sự lan tỏa thì người dân, du khách tự khắc sẽ tham gia, lúc đó, các hoạt động văn hóa, giải trí sẽ được mở rộng, phong phú, đa sắc hơn”.