Ông Phạm Ngọc Tư, xóm trưởng xóm Chùa Thàng, dẫn chúng tôi ra đoạn sông mà cháu Huy vừa bị đuối nước. Ông Tư chỉ cho chúng tôi xem những vết cào cấu khi cháu Huy cố gắng trèo lên bờ mà buông tiếng thở dài “giá như có những dây xích hoặc móc sắt ở đoạn này thì cháu đã không chết. Xót xa quá”.
Ông Tư cũng cho biết, hàng năm đoạn sông này đều có người bị đuối nước. Người dân đã từng kiến nghị phải lắp các móc sắt để có thể bám lên mái taluy, nhưng không được thực hiện. Khi hỏi một số công nhân thi công đoạn kè mái sông thì được trả lời là do thiết kế không có, và họ cũng chỉ là đơn vị thi công nên không biết.
Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành, xã Liên Thành đều cho rằng năm nào cũng có người đuối nước, kể cả người biết bơi. Việc làm kè mái sông bằng bê tông chống sạt lở, thất thoát nước, giúp lưu lượng nước chảy nhanh hơn, nhưng cần thiết phải có nhiều bậc lên xuống hoặc lan can, giúp con người, trâu bò khi rơi xuống còn có chỗ để lên. Ngoài ra còn thuận tiện để lên xuống khi dọn rác, nạo vét lòng kênh.
Ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Nhằm phòng tránh đuối nước, trên địa bàn thời gian qua chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các tổ chức như đoàn thanh niên, tiến hành cắm các biển cảnh báo. Tuy nhiên, ở những điểm mật độ người dân qua lại đông, các bến lên xuống, đề nghị đơn vị quản lý cần phải lắp đặt thêm các lan can, các phương tiện cứu sinh, cứu hộ để khi chẳng may có người đuối nước sẽ được ứng cứu kịp thời.
Cần có giải pháp cứu hộ, cứu nạn
Ông Phan Văn Long- Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành cho biết: Kênh Đào ba ra Đô Lương đi qua địa bàn thị trấn Yên Thành với chiều dài gần 1,5 km, đi qua một số khu dân cư nên tuyến đường bờ kênh mật độ người tham gia rất đông. Trước thực trạng nguy hiểm của bờ kênh, người dân và chính quyền địa phương đã có ý kiến với huyện Yên Thành, xin được 100 m dự án nên làm 1 bến rửa cho bà con. Bến rửa còn là nơi cứu hộ, cứu nạn khi có người lỡ chân rơi xuống sông có thể thuận tiện bơi vào lên bờ. Tuy nhiên cả gần 1,5km bờ kênh chỉ làm được 1 bến rửa chiều dài 3 mét, sâu 8 bậc.
"Nên chăng dự án kè kênh Đào ba ra Đô Lương cần xây dựng thêm các hạng mục như cứ khoảng 100 mét cho đóng neo thả phao, để khi gặp sự cố người dân có thể níu phao để vào bờ an toàn"- ông Long đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Trước khi xây dựng dự án kênh tưới ba ra Đô Lương, các địa phương có kênh này đi qua đã khảo sát và trình lên cấp trên số lượng bến rửa. Qua đó, kênh ba ra Đô Lương đi qua huyện Yên Thành trên trên 30 km được xây dựng 43 bến rửa 2 bên dọc kênh. Để đảm bảo an toàn, huyện Yên Thành đang tiếp tục cho các xã rà soát, đề xuất nếu cần xây dựng thêm các bến rửa, huyện Yên Thành sẽ trình lên Sở Nông nghiệp và PTNT để xem xét.
Được biết, Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012 với tổng mức đầu tư trên 5.705 tỷ đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA). Riêng gói thầu kè kênh Đào ba ra Đô Lương có trị giá 700 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2019, theo hợp đồng kết thúc vào năm 2021. Theo thiết kế bờ kênh kè hình thang lát mái, chiều dài kênh 56 km đi qua 5 địa phương gồm Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai. Tính đến thời điểm này dự án đã hoàn thành được trên 70% tiến độ.
Trao đổi về những bất cập hiện nay, đại diện BQL dự án Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trước khi thi công kênh ba ra Đô Lương, người dân và các địa phương đã có kiến nghị với dự án là xây dựng các bến rửa trên tuyến kênh để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Dự án này được triển khai theo thiết kế, giám sát của Nhật Bản, cứ khoảng 500 mét là có 1 bến rửa, các điểm qua cầu đều có bến rửa, không thể xây dựng bến rửa với mật độ dày hơn bởi liên quan đến thiết kế và dòng chảy của kênh. Còn vấn đề xây dựng thêm các hạng mục để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông trên tuyến kênh nay thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, phải được sự đồng ý của phía Nhật Bản …