(Baonghean) - Việc chọn người ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF đang trở thành vấn đề nan giải. Bởi có ý kiến cho rằng nên tiếp tục giao ghế Chủ tịch VFF cho một doanh nhân, với điều kiện phải là lãnh đạo một tập đoàn lớn, tiềm lực tài chính đủ mạnh. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần trở lại quỹ đạo cũ, vị trí Chủ tịch phải do người nhà nước nắm giữ.

Ngày 28/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, VFF và đại diện một số bộ ngành liên quan về thực trạng bóng đá Việt Nam, cũng như tình hình tổ chức và hoạt động của VFF. Tại cuộc làm việc này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bóng đá là môn thể thao rất được công chúng quan tâm”; việc phát triển bóng đá “là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”. Do đó, “việc quản lý, điều hành hoạt động bóng đá phải làm theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và thông lệ quốc tế”.

1506677595841.jpgViệc lựa chọn lãnh đạo VFF cho nhiệm kỳ tới đang là “bài toán” khó. Ảnh: Internet

Trên thực tế, trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, hệ thống các giải bóng đá phong trào, chuyên nghiệp được tổ chức đều đặn ở tất cả các lứa tuổi, cấp độ và đạt được một số thành tích tại các giải đấu quốc tế. Công tác xã hội hóa bóng đá được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển bóng đá. 

Nhưng, cùng với đó là những tồn tại, bất cập trong hoạt động quản lý, điều hành của VFF cho đến công tác đào tạo, huấn luyện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cầu thủ chưa được coi trọng, các hành vi tiêu cực như đánh bạc, dàn xếp tỷ số, hành vi bạo lực, thiếu văn hóa trong thi đấu vẫn còn xảy ra…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến bóng đá Việt tồn tại những bất cập trong thời gian dài vừa qua đó là cung cách quản lý, điều hành của “đầu não” VFF. Theo như chuyên gia Trịnh Minh Huế thì: “Vì họ là những người không có chuyên môn nhưng tham gia điều hành nền bóng đá nên mới xảy ra cơ sự này”.

Thật ra, ngay từ khi thành lập VFF, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT luôn đau đầu về vấn đề tìm người “đứng mũi chịu sào” cho VFF. Đó là chọn người ngoại đạo có quan hệ rộng, có thể huy động được nguồn tài chính cho VFF hoạt động, hay chọn người trong ngành, có chuyên môn nắm giữ cương vị Chủ tịch VFF.

Có quan điểm cho rằng bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần trở lại quỹ đạo cũ, vị trí Chủ tịch phải do người nhà nước nắm giữ. Ảnh: Internet

Cuối cùng, người “ngoại đạo” vẫn là phương án được ưu tiên nhiều hơn. Bởi nếu điểm lại chức danh chủ tịch VFF trong thời gian qua, ta sẽ thấy chủ yếu là do những người “ngoại đạo” nắm giữ. Như nhiệm kỳ II (1993 – 1997), ông Đoàn Văn Xê, Tổng Giám đốc ngành đường sắt Việt Nam được bầu làm chủ tịch. Nhiệm kỳ IV (2001 - 2005): ông Hồ Đức Việt, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên được bầu làm Chủ tịch VFF.

Năm 2003, do bận nhiều công việc, ông Hồ Đức Việt thôi giữ chức Chủ tịch VFF. Phó Chủ tịch Trần Duy Ly được BCH bầu làm quyền Chủ tịch từ tháng 1-8/2003. Thời gian sau đó đến hết nhiệm kỳ, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông được bầu làm Chủ tịch VFF.

Nhiệm kỳ V và VI (2005 - 2013), cựu trưởng bộ môn bóng rổ Nguyễn Trọng Hỷ được bầu làm chủ tịch kéo dài qua 2 nhiệm kỳ. Sau đó ông Hỷ từ nhiệm vì lý do sức khỏe và đề bạt Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng làm quyền Chủ tịch VFF.

Lúc đó ông Lê Hùng Dũng là “trùm ngân hàng”, cùng với “nhà tài phiệt” Đoàn Nguyên Đức được bầu làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch VFF nên nhiều người kỳ vọng với sự vào cuộc của 2 Mạnh Thường Quân này, bóng đá Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới.  

Trên thực tế, 2 “đại gia” này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp bỏ tiền vào cho bóng đá Việt phát triển, nhưng với cung cách quản lý của “ông chủ”, VFF đã có những bất cập nảy sinh và buộc phải “cải tổ”. Ai sẽ là Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới sẽ được xác định tại Đại hội VFF dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2018.

Việc chọn người ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF đang trở thành vấn đề nan giải. Bởi có ý kiến cho rằng nên tiếp tục giao ghế Chủ tịch VFF cho một doanh nhân, với điều kiện phải là lãnh đạo một tập đoàn lớn, tiềm lực tài chính đủ mạnh. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần trở lại quỹ đạo cũ, vị trí Chủ tịch phải do người nhà nước nắm giữ.

Theo các chuyên gia, dù lựa chọn phương án nào cũng phải tính toán kỹ và hợp lý, phải phát huy được tính dân chủ của các thành viên VFF, tránh tình trạng nội bộ VFF “ông nói gà, bà nói vịt” như thời gian vừa qua.

Đức Dũng

TIN LIÊN QUAN