Hôm qua trên đất Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo có nêu lên một thắc mắc với các nhà báo, đại ý là tại sao người hâm mộ Việt Nam chỉ quan tâm đến Thái Lan. Ông bày tỏ ngạc nhiên khi người hâm mộ coi như chức vô địch AFF Cup 2018 đã thuộc về chúng ta khi biết Thái Lan không thể tập trung những cầu thủ tốt nhất cho AFF Cup.
Ông Park hỏi ngược lại các phóng viên đi theo đội tuyển: “Những đối thủ như Malaysia hay Indonesia thì sao? Lấy cơ sở gì để khẳng định Việt Nam sẽ sớm lấy vé vào bán kết AFF Cup 2018?”.
Không một ai có thể trả lời ông câu hỏi này.
Mới chỉ là “kỳ tích”
Có 2 điều chúng ta cần nhấn mạnh, thứ nhất là đã rất lâu rồi, Thái Lan không phải là đội bóng cản bước tiến của bóng đá Việt Nam. Hơn 10 năm qua, tính từ trận bán kết AFF Cup 2007 đến nay, duy nhất đúng 1 lần Thái Lan trực tiếp chặn đứng khả năng đi tiếp của chúng ta, đó là tại SEA Games 2017.
Hơn một thập kỷ qua, tại đấu trường SEA Games và AFF Cup, bóng đá Việt Nam đã phải dừng bước trước đối thủ Indonesia (3 lần), Malaysia (4 lần) và Myanmar, Philippines (1 lần). Như vậy, trong 10 lần thất bại thì Thái Lan, Myanmar, Philippines chỉ 1 lần được xướng tên.
Tiếp đến, thành công của cấp độ bóng đá trẻ không đồng nghĩa với thành công của đội tuyển quốc gia. Thực tế đó không chỉ diễn ra với bóng đá Việt Nam mà còn với các quốc gia khác. Với cấp độ đội tuyển thì AFF Cup 2018 mới là bài test đầu tay của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Chưa kể, ngay trong cấp độ đội trẻ, đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo được nhiều thành công vang dội nhưng chúng ta cũng chưa hề đối đầu với các đội bóng hàng đầu Đông Nam Á. Bản thân HLV Hoàng Anh Tuấn và các cầu thủ U19 Việt Nam 2 năm trước đã tạo nên kỳ tích World Cup nhưng mới đây đã bị loại sớm ở VCK châu Á. Thầy trò HLV Vũ Hồng Việt cũng vừa có hành trình đáng quên tại giải U16 Đông Nam Á và VCK U16 châu Á.
Thành tích là có thật nhưng nó mới nằm ở dạng “kỳ tích” chứ không phải trình độ bóng đá trẻ Việt Nam đã được nâng tầm, có độ ổn định cao, thành tích lặp đi, lặp lại nhiều lần. Trong khi đó, những cầu thủ trẻ Malaysia như Safawi Rasid hay Akhyar Rashid cũng không hề thua kém khi họ vượt qua vòng bảng U23 châu Á, đánh bại Hàn Quốc ở Asiad…
Nên nói cho cùng, chúng ta cũng chưa có cùng mặt bằng để so sánh sự phát triển của các cầu thủ trẻ chúng ta với khu vực.
Áp lực đè nặng
Thành tích U23 và Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo là nhờ vào một thế hệ cầu thủ có năng lực vượt trội như Công Phượng, Văn Đức, Quang Hải…ông thầy giỏi và không thể không có sự may mắn nhất định.
Nói một cách thẳng thắn, bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm này, vẫn đang được xếp vào nhóm “vùng trũng Đông Nam Á” khi mà đội bóng của HLV Park Hang-seo chưa đối đầu trực tiếp với các đối thủ trong khu vực.
Sự tiến bộ của các cầu thủ U23 và Olympic Việt Nam là đáng ghi nhận, niềm tin là rất lớn, nhưng muốn “trăm trận, trăm thắng” thì trước hết phải “biết người”. Trái bóng AFF Cup chưa lăn, những đánh giá có phần chủ quan về thành tích của đội tuyển sẽ khiến cho áp lực ngày càng đè nặng lên HLV Park Hang-seo và các học trò.
Theo chúng tôi, đối thủ của đội tuyển Việt Nam không phải là Malaysia hay Thái Lan mà chính là sự kỳ vọng biến thành áp lực đè nặng lên đôi vai BHL và đôi chân cầu thủ. Muốn chiến thắng, họ phải vượt qua được điều đó - đối thủ chính của chúng ta!