"Fast & Furious 7" thả dù 5 siêu xe trên độ cao 3.600 m, diễn viên đóng thế James Bond lái xe tốc độ 120km/h rồi kích hoạt hệ thống lật xe... là các màn hành động khó tin nhưng được ghi hình chân thật trên phim trường.
Thả dù xe hơi
Trong Fast & Furious 7, các nhà làm phim thực hiện cảnh thả dù 5 siêu xe thật từ máy bay ở độ cao 3.600 m. Những chiếc dù nhỏ được hàn vào cốp sẽ bật lên ngay khi xe rơi xuống. Cảnh quay được ghi lại từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng máy bay trực thăng và một đội ngũ nhảy dù chuyên nghiệp với máy quay cầm tay được gắn trên mũ bảo hiểm. Các xe rơi ra khỏi máy bay không có người ngồi trong.
Cảnh quay các siêu xe tiếp đất được thực hiện ở một nơi khác. Lúc này, các diễn viên đóng thế ngồi trong xe và được cho tiếp đất độ cao khoảng 2,5 m. Ngay khi buông dây cáp, các động cơ được khởi động, qua đó giúp họ tiếp đất một cách dễ dàng. (Xem video)
Dựng mẫu xe chuyên dụng
Trong Fast & Furious 6 (2013), các nhà làm phim sáng chế chiếc xe mang tên Flip Car. Mẫu xe chiến đấu này được mệnh danh là quái vật thép, có thể húc và làm lật nhào xe tải. Mặc dù trông khá nhẵn nhụi, xe nặng tới 1,7 tấn. Các tài xế chuyên đóng cảnh mạo hiểm phải học khóa đào tạo đặc biệt để làm quen với quái xế trước khi ra trường quay. Theo lý thuyết, xe có thể húc lật nhào một xe tải lớn khi đâm nhau, nhưng các nhà làm phim vẫn dùng dây cáp hỗ trợ việc lật nhào xe tải bị Flip Car tông. (Xem video)
Lập kỷ lục vòng lộn
Casino Royale (2006) thiết lập kỷ lục thế giới về số vòng lộn của xe hơi sau khi bị tông. Pha mạo hiểm xảy ra khi điệp viên 007 (Daniel Craig) đang lao chóng mặt trên cao tốc ở Montenegro, bất ngờ dừng phanh tránh nghiến qua nhân vật do Eva Green thủ vai. Dừng phanh đột ngột, xe của 007 lật nhào và lộn 7 vòng.
Mẫu xe được dùng trong cảnh này có thiết kế đặc biệt giúp đẩy áp lực khí hơi về đuôi xe, ép xe phải lật ngược. Diễn viên đóng thế - Adam Kirley - khi đó đã lái xe ở tốc độ 120km/giờ, rồi kích hoạt hệ thống vào đúng giây phút được chỉ định, khiến xe lật ngoạn mục. Anh sống sót cảnh này mà không bị thương. Điều hài hước là êkíp không có kế hoạch lập kỷ lục thế giới khi thực hiện cảnh phim. Nhóm diễn viên đóng thế đã chỉ mong chờ xe xoay được 4 hoặc 5 vòng trên không trung trước khi rơi xuống. (Xem video)
Dùng xe đâm hỏng một siêu thị bỏ hoang
Trong phim hài hành động lừng danh The Blues Brothers (1980), tất cả cảnh mạo hiểm xe hơi đều được làm thật: Bay xe qua cầu, đâm hàng loạt xe cảnh sát, lao xe điên loạn đâm nát trung tâm mua sắm. Để thực hiện cảnh xe hơi đâm xuyên trung tâm mua sắm, các nhà làm phim tận dụng một siêu thị bỏ hoang thật ở Mỹ. Sau đó họ dựng các gian hàng thật để làm cho trung tâm như đang sống động, thuê diễn viên quần chúng đóng làm người đi mua sắm. Sau đó, xe hơi phóng vào, phá hủy toàn bộ trung tâm. Hơn 40 tay lái xe mạo hiểm được thuê vào phim. 103 chiếc xe thật đã bị phá hủy sau khi phim hoàn thành. (Xem video)
Bay xe xoay vòng qua sông
The Man with Golden Gun (1974) không thuộc top phim nổi tiếng của loạt 007 nhưng có cảnh xe hơi bay và xoay 360 độ qua sông ở Thái Lan. Cảnh này được giới phê bình đánh giá nằm trong nhóm cảnh mạo hiểm xe hơi chân thực nhất trong lịch sử màn bạc. Bộ phim cũng đánh dấu lần đầu tiên, điện ảnh thế giới mời các nhà chế tạo xe tính toán kỹ lưỡng cho một cảnh mạo hiểm.
Để làm được cảnh này thì tốc độ và cân nặng, chiều dài xe hơi cũng như vị trí tài xế bên trong xe phải chính xác hoàn hảo với mọi chỉ định. Trong ngày ghi hình ở sông Mae Klong của Thái Lan, diễn viên đóng thế người Anh - Loran Bumps Williard - thực hiện thành công cảnh phim ở đúp quay đầu tiên. Tuy nhiên, ngôi sao đóng thế đã không có tên trong danh sách vinh danh cuối phim. (Xem video)
Phóng 225km/ giờ ngoài phố
Năm 1976, nhà làm phim Pháp Claude LeLouch quyết định làm phim tốc độ ngắn, trong đó xe hơi phóng xuyên qua những con phố ở Paris, Pháp. Thay vì ngăn đường, dựng trường quay hay cho nhà chức trách địa phương biết kế hoạch sản xuất, đạo diễn mê tốc độ quyết định chờ đến 5h sáng, đặt máy quay vào siêu xe rồi tự mình lái cảnh mạo hiểm.
Ông đã làm phim C’etait un rendezvous (It was a Date) dài 8 phút theo phong cách thực như vậy. Trong phim, đạo diễn kiêm diễn viên vượt đèn đỏ, phóng bạt mạng 225km/ giờ qua những con phố vắng người, làm những con bồ câu bay loạn xạ. Mặc dù thuê người coi chừng trước ở một số điểm mù để cảnh báo nếu lỡ bất ngờ có giao thông hoặc khách bộ hành, bộ đàm thoại trong xe đạo diễn mang theo bị hỏng. May mắn, ông không gây ra thương vong nào. Sau khi phim công chiếu, nhà làm phim từng giành Oscar và Cành Cọ Vàng ở LHP Cannes bị cảnh sát bắt và cảnh cáo vì phạm luật giao thông.
Cho xe đuổi tàu sắt
Khi đạo diễn William Friedkin làm The French Connection (1971), ông bỏ qua hàng loạt luật giao thông trong lúc ghi hình trường đoạn xe hơi rượt đuổi tàu sắt kéo dài 5 phút. Đoàn phim vượt phạm vi trường quay cho phép, lấn ra đường phố giao thông bình thường. Khách bộ hành và người đi xe motor không được cảnh báo bị bất ngờ vì nguy hiểm tính mạng. Một tài xế bị đâm thật khiến xe hơi của ông bị hư hại nặng. Sau đó, ông được các nhà làm phim đền tiền sửa chữa. Đoàn phim giữ lại cảnh va chạm thật này trong phim. Trong quá trình ghi hình, xe của đoàn phim cũng suýt đâm một phụ nữ đang đẩy xe nôi con nhỏ.
Tài tử Gene Hackman tự đóng một số cảnh lái xe mạo hiểm nhưng phần lớn những cảnh trong trường đoạn này được thực hiện bởi nam diễn viên đóng thế nổi danh Hollywood thời đó là Bill Hickman. Theo hồi ký của đạo diễn Friedkin, chính ông đã phải ngồi sau xe của Bill Hickman để tự tay ghi hình bởi vì các nhà quay phim đều đã cưới và có con nhỏ nên không dám liều làm trường đoạn này. (Xem video)
Rượt đuổi 10 phút trên phố
Một trong những cảnh rượt đuổi xe hơi hiện đại đầu tiên từng lên màn ảnh là trong phim Bullitt (1968). Đây là bộ phim hành động kiểu mẫu của đạo diễn Peter Yates với sự góp mặt của ngôi sao kỳ cựu Steve McQueen. Bộ phim này được Viện phim Mỹ lựa chọn lưu trữ năm 2007 với lý do đây là tác phẩm “quan trọng thể hiện văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ một thời đại".
Với người yêu điện ảnh, Bullitt nổi tiếng với cảnh rượt đuổi xe hơi kéo dài 10 phút xuyên qua những khu phố ở San Francisco (Mỹ), được nhà phê bình danh tiếng quá cố Roger Ebert đánh giá là một trong những cảnh truy đuổi xe hơi mang tính ảnh hưởng nhất trong lịch sử phim ảnh.
Thay vì đặt máy quay lên một xe hơi thứ ba để quay lại cảnh này, êkíp phim gắn hàng loạt máy quay vào bên trong các xe để khiến phân cảnh trở nên phấn khích giống hệt như trong trò chơi đua xe tốc độ. Các lái xe ở cảnh này phóng với tốc độ 175km/h. Vì sợ nguy hiểm tới tính mạng, sao chính của phim yêu cầu diễn viên đóng thế thực hiện 90% số cảnh quay.
Theo VNE